Các nước triển khai gói giải pháp kinh tế gì để ứng phó COVID-2019?

Trước tình hình diễn biễn và ảnh hưởng của dịch COVID-19, các quốc gia trong khu vực có cùng phản ứng là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch, chuẩn bị cho giai đoạn 'hậu dịch' cả về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Trung Quốc thực hiện các biện pháp nới lỏng trong ngắn hạn để ổn định nền kinh tế, như tung ra thị trường hơn 240 tỷ USD thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 đã yêu cầu các tổ chức tài chính duy trì cho vay đối với các công ty nhỏ để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh; khuyến khích cho vay tín dụng, cho vay trung và dài hạn, rút ngắn thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay trong vòng 2 ngày để các doanh nghiệp liên quan chống chọi với ảnh hưởng của dịch; trì hoãn thanh toán các khoản vay; giảm lãi suất vay và miễn lãi quá hạn cho các khoản vay, cung cấp các khoản vay mới cho các công ty có thanh khoản thấp.
Trung Quốc cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Thành phố Bắc Kinh và Tô Châu cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, miễn lệ phí hành chính, giảm tiền thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

Thái Lan công bố các biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế, hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.

Thái Lan tuyên bố không hạn chế khách du lịch đến quốc gia này hay loại bỏ chương trình không tính phí visa lấy tại sân bay - vốn được áp dụng chủ yếu nhằm thu hút khách đại lục. Sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế Thái Lan đối với khách du lịch Trung Quốc cũng là một lý do khác để quốc gia này tiếp tục mở rộng cánh cửa. Năm 2019, khoảng 10,99 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã đến Thái Lan, đây chính là một trong những điểm đến trên thế giới được người dân nước này yêu thích nhất. Hơn 1/4 tổng số khách đến Thái Lan là người Trung Quốc, do đó các khoản chi tiêu của họ rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này khi du lịch chiếm tới 20% GDP.

Singapore đang chuẩn bị một gói tài chính để đối phó (dự kiến công bố ngày 18/2) và đã công bố một loạt các biện pháp cho ngành du lịch, bao gồm miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Malaysia đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế. Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất mua đảo ngược, lãi suất cho vay và tiền gửi qua đêm.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc các biện pháp có tổng trị giá 500 tỷ yen nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của dịch COVID-19. Chính phủ dự định sẽ sử dụng ngân sách dự phòng cho tài khóa 2019 để cung cấp các khoản tín dụng khẩn cấp cho các đối tượng này. Nội các Nhật Bản có thể sẽ thông qua kế hoạch này vào ngày 14/2.

Ảnh hưởng của dịch đã đẩy du lịch nội địa và các doanh nghiệp Nhật Bản có liên quan vào tình thế rất khó khăn.

Bộ trưởng Giao thông và Du lịch Nhật Bản Akaba Kazuyoshi cho hay, các chuyến bay thương mại nối Nhật Bản với Trung Quốc đại lục đã giảm 60%. Nhật Bản đã hủy các tour du lịch của 13 trong số 14 du thuyền treo cờ nước ngoài vốn dự kiến sẽ ghé cảng Nhật Bản trong tháng 2.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/cac-nuoc-trien-khai-goi-giai-phap-kinh-te-gi-de-ung-pho-covid2019/387429.vgp