Các nước rục rịch nới lệnh phong tỏa

Trẻ em Tây Ban Nha đã được phép ra ngoài vào hôm 26-4, lần đầu tiên sau hơn 6 tuần, trong bối cảnh nhiều quốc gia chuẩn bị nới lỏng các biện pháp phong tỏa và mở lại nền kinh tế đã bị Covid-19 'rút ruột' mặc dù số người chết trên toàn thế giới đã vượt quá 200.000.

Trẻ em Tây Ban Nha đã được phép ra ngoài vào hôm 26-4, lần đầu tiên sau hơn 6 tuần, trong bối cảnh nhiều quốc gia chuẩn bị nới lỏng các biện pháp phong tỏa và mở lại nền kinh tế đã bị Covid-19 “rút ruột” mặc dù số người chết trên toàn thế giới đã vượt quá 200.000.

Người dân giữ khoảng cách 2m khi cầu nguyện trong tháng lễ Ramadan tại một bãi đậu xe ở Jaffa gần Tel Aviv, Israel. Ảnh: AP

Người dân giữ khoảng cách 2m khi cầu nguyện trong tháng lễ Ramadan tại một bãi đậu xe ở Jaffa gần Tel Aviv, Israel. Ảnh: AP

“Chúng ta phải tự giam mình bao lâu”?

Các chính phủ từ Bỉ đến Mỹ đang chuẩn bị mở cửa lại một phần trong nỗ lực khôi phục cuộc sống thường ngày cho gần một nửa nhân loại bị buộc phải ở nhà do đại dịch Covid-19. Theo thống kê của AFP, các ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng lên 2,86 triệu và số tử vong đã tăng gấp đôi, lên hơn 200.000 người, kể từ ngày 10-4, với hơn một nửa trong số đó ở Châu Âu.

Hàng trăm triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới đã rời khỏi các nhà thờ Hồi giáo trong ngày thứ hai của tháng lễ Ramadan và tránh các bữa ăn truyền thống gia đình, các hoạt động tụ tập khác theo đúng các quy tắc giãn cách xã hội. Và người Australia cũng như người New Zealand đã đánh dấu Ngày Anzac mà không có các cuộc diễu hành và nghi lễ để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống. Nhưng cuộc sống bị phong tỏa kéo dài, áp lực từ các nền kinh tế và sự thất vọng của từ các đơn đặt hàng tại nhà đã khiến người dân và các quan chức ở nhiều quốc gia kêu gọi mở cửa trở lại.

Bác bỏ lời khuyên của các chuyên gia y tế hàng đầu, tiểu bang Georgia của Mỹ đã cho phép hàng ngàn doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, từ tiệm làm tóc đến sân chơi bowling. Mackenzie Scharf, 30 tuổi, một trong số nhiều người ở Georgia vui mừng quay trở lại cuộc sống bình thường nói với AFP: “Chúng ta phải tự giam mình bao lâu?” Điều này an toàn hơn nhiều so với đi mua sắm hàng tạp hóa”. Cô nói chuyện với phóng viên AFP trên bãi biển ở đảo Tybee khi đứa con trai 5 tuổi đang thả diều cùng các bạn. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 53.000 người thiệt mạng trong số gần 1 triệu ca nhiễm. Theo sau là Italia với khoảng 26.000 người, Pháp và Tây Ban Nha với hơn 22.000 người và Vương quốc Anh đã chứng kiến hơn 20.000 người chết.

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia phương Tây áp dụng lệnh phong tỏa chặt chẽ nhất thế giới kể từ ngày 14-3, trong đó những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ được phép rời khỏi nhà để mua thức ăn hoặc thuốc hoặc đi dạo cùng một thú cưng và trẻ em không được phép ra ngoài trong bất kỳ trường hợp nào. Nhưng từ ngày 26-4, trẻ vị thành niên có thể đi bộ, chạy bộ hoặc ra ngoài chơi trong vòng 1 giờ mỗi ngày, có người lớn đi cùng, trong một khu vực cách nhà không quá 1km.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson sẽ trở lại làm việc tại Phố Downing vào hôm nay (27-4), khoảng 2 tuần từ lúc ông rời bệnh viện sau khi chữa trị Covid-19.

Tùy thuộc vào khuyến nghị của bác sĩ Thủ tướng Johnson có thể sẽ chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tại Phố Downing vào ngày 27-4 hay không, trong đó nội dung được cho là sẽ tập trung vào những kêu gọi làm rõ hơn về việc khi nào chính phủ sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa trên toàn quốc, vốn kéo dài ít nhất là đến ngày 7-5

Nỗi sợ dịch bệnh mới

Con số nhiễm mới mỗi ngày ở các nước phương Tây dường như chững lại và thậm chí giảm, nhưng nỗi sợ hãi lại tăng lên ở nhiều nơi khi tiếp tục chứng kiến làn sóng bùng nổ lần hai sau khi những hạn chế về di chuyển được dỡ bỏ.

Cảnh sát Đức đã bắt giữ hàng chục người biểu tình ở Berlin hồi cuối tuần qua vì đã vi phạm các biện pháp phong tỏa. “Khi nào chúng ta sẽ trở lại làm việc là một câu hỏi của nhiều người trong những ngày này”, Jane Fraser, quan chức tại ngân hàng Citigroup nói khi New York chuẩn bị tinh thần để trở lại kinh doanh sau hơn 1 tháng ngừng hoạt động. Pháp đang phác thảo một kế hoạch mở cửa vào ngày 28-4, và từ cuối tuần tới, tất cả người Tây Ban Nha sẽ được phép ra ngoài tập thể dục và đi dạo. Khi Italia gần kết thúc khóa lệnh phong tỏa lâu nhất thế giới, bắt đầu từ ngày 9-3, nhiều người dân đang chờ đợi một quyết định cuối cùng vào cuối tuần này về những hạn chế nào sẽ được dỡ bỏ. Họ có thể sẽ được phép tự do rời khỏi nhà vào đầu tháng 5.

Iran, quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, đã cho phép khởi động lại các doanh nghiệp, nhưng các quan chức y tế đã làm dấy lên lo ngại về một “ổ dịch mới” với 76 ca tử vong khác được tuyên bố hôm 25-4, đẩy số người chết chính thức của nước này lên hơn 5.600. Alireza Zali, một điều phối viên y tế của Tehran, đã chỉ trích “việc mở cửa vội vàng” có thể “tạo ra những làn sóng bùng nổ dịch bệnh mới ở Tehran”. Trong khi đó, một tàu Hải quân thứ hai của Mỹ, một khu trục hạm ở ngoài khơi Nam Mỹ, đã báo cáo một ổ dịch mới trên tàu.

Tại Canada, Phát biểu với báo giới ngày 26-4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng Canada không nên mở cửa trở lại nền kinh tế cho tới khi có đủ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) “để bảo vệ người dân Canada và đảm bảo rằng chúng ta chặn được sự lây lan của dịch Covid-19”. Theo Thủ tướng Trudeau, Canada cần có cách tiếp cận theo từng bước và cần rất thận trọng đối với việc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cần cấp “hộ chiếu miễn dịch”?

Trong khi các ca nhiễm mới dường như đã có xu hướng giảm khoảng 80.000 ca/ngày, thế giới vẫn mòn mỏi chờ đợi các Cty và chính phủ đẩy mạnh phát triển các phương pháp điều trị và cuối cùng là vaccine chống virus.

Một số chính phủ đang nghiên cứu các biện pháp như cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc giấy chứng nhận “thoát nguy cơ nhiễm” cho những người khỏi Covid-19 như một cách để giúp mọi người trở lại làm việc. “Nếu tôi đã bị mắc bệnh thì tôi có kháng thể tự nhiên chống lại virus, không bị nhiễm nữa”, Lothar Kopp, một người dân Berlin nói, hy vọng sẽ được cho phép đến thăm mẹ sau nhiều tuần xa cách. Tuy nhiên, WHO cảnh báo, những người sống sót sau khi nhiễm bệnh không thể chắc chắn rằng họ sẽ không tái nhiễm. Do đó, tổ chức này khuyến cáo các nước không nên cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc giấy chứng nhận “thoát nguy cơ nhiễm” cho những người này. WHO cho rằng, việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan vì những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo phòng dịch.

Trước đó, cố vấn đại dịch hàng đầu của Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết trong tuần này rằng, Mỹ chắc chắn sẽ gặp vấn đề lớn về Covid-19 vào mùa thu do sự trở lại của cúm mùa vào cuối năm nay. Trong khi đó tại Bắc Kinh, một loạt các quy định mới đã được đưa ra để chống đại dịch, cấm các hành vi “thiếu văn minh” như không che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_223936_cac-nuoc-ruc-rich-noi-lenh-phong-toa.aspx