Các nước họp bàn đối phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là chủ đề 'nóng' của Hội nghị quốc tế về BĐKH và vai trò của điện hạt nhân diễn ra tại Vienna (Áo) cũng như Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của ASEAN về môi trường (AMME 15) và Hội nghị ASEAN lần thứ 15 về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, diễn ra ngày 8-10 tại thành phố Siem Reap (Campuchia).

Tại Siem Reap, bộ trưởng các nước ASEAN cùng 3 quốc gia đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) thảo luận về một loạt các vấn đề “nóng” của khu vực, trong đó có tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nước. Ô nhiễm không khí đã lên tới các mức độ nguy hiểm ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan sau các vụ cháy rừng tại Indonesia. Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra cho biết: Tại hội nghị này, Campuchia đề xuất thành lập các lực lượng chung thuộc các nước thành viên cùng hỗ trợ đối phó với nạn cháy rừng xảy ra ở bất cứ quốc gia ASEAN nào. “Nếu xảy ra cháy rừng, ASEAN sẽ cùng đối phó để giảm ô nhiễm khói mù, thay vì chỉ đổ lỗi cho nước nào đó và yêu cầu quốc gia đó đơn phương xử lý”, ông Neth Pheaktra nhấn mạnh.

 Quang cảnh khai mạc Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của ASEAN về môi trường (AMME 15). Ảnh: TTXVN.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của ASEAN về môi trường (AMME 15). Ảnh: TTXVN.

Về phần mình, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia, Đại diện cao cấp của Thủ tướng Hun Sen dự AMME 15, Tiến sĩ Aun Pornmoniroth đã nêu một số phương hướng chống BĐKH và bảo vệ môi trường (BVMT), như: Củng cố việc điều hành, quản lý và tăng cường nguồn lực trong giải quyết vấn đề cháy rừng, ô nhiễm do khói bụi qua biên giới; ASEAN cần bảo đảm lên kế hoạch sử dụng đất đai, quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh nỗ lực chung trong việc nâng cao hiểu biết về BVMT và đa dạng sinh học thông qua việc công nhận nỗ lực bảo tồn thiên nhiên;…

Trong khi đó, tại Vienna, Hội nghị quốc tế về BĐKH và vai trò của điện hạt nhân thu hút sự tham gia của khoảng 550 đại biểu đến từ 79 quốc gia và 18 tổ chức quốc tế, nhằm trao đổi các thông tin khoa học và tổ chức các cuộc thảo luận về vai trò của năng lượng hạt nhân (NLHN) trong việc giảm khủng hoảng khí hậu. Phát biểu tại hội nghị, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội (DESA) Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) cho rằng, so với các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, NLHN vẫn chiếm ưu thế rõ rệt về sự ổn định. Do đó, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường phát triển những dự án nhà máy điện hạt nhân với công suất khổng lồ. Tuy nhiên, mặc dù thế giới đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển công nghệ xử lý chất thải hạt nhân nhưng vấn đề này vẫn làm đau đầu giới khoa học. Trên thực thế, các quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương pháp lưu trữ rác thải hạt nhân an toàn hay có các giải pháp xử lý dài hạn.

Mặc dù vậy, ông Lưu Chấn Dân vẫn ghi nhận công nghệ hạt nhân đóng vai trò quan trọng, tích cực trong xã hội như hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư và các bệnh khác; công nghệ bức xạ giúp ngăn chặn thực phẩm bị hỏng và tạo ra các giống cây trồng mới, hỗ trợ thích ứng với BĐKH.

Bên ngoài các phòng họp, một loạt cuộc biểu tình chống BĐKH đã diễn ra nhằm yêu cầu lãnh đạo các nước có những hành động ngay lập tức để cứu Trái đất khỏi cuộc "đại tuyệt chủng". Các cuộc biểu tình chống BĐKH diễn ra tại gần 60 thành phố lớn của châu Âu, châu Á, châu Phi và khu vực Bắc Mỹ nhằm yêu cầu chính phủ các nước tiến hành cắt giảm lượng khí thải carbon mà các nhà khoa học đã chứng minh là đang gây ra tình trạng BĐKH tồi tệ như hiện nay. Những người biểu tình đã diễu hành với các khẩu hiệu sử dụng ngôn từ mạnh mẽ, ngồi xuống lòng đường chặn các phương tiện lưu thông và chống lại cảnh sát.

Trước hành động của người biểu tình, tại thủ đô London, cảnh sát Anh đã bắt giữ 280 người khi đoàn người biểu tình phong tỏa một cây cầu và một số con đường. Tại Australia, cảnh sát cũng bắt giữ 30 người trong số hàng trăm người biểu tình khi họ ngồi giữa một con phố đông đúc ở Sydney. Còn tại Hà Lan, cảnh sát đã bắt giữ 90 người sau khi những người biểu tình quá khích chặn một cây cầu bên ngoài Bảo tàng nghệ thuật Rijksmuseum nổi tiếng. Tại Canada, những người biểu tình đã làm tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm, ảnh hưởng tới hàng nghìn người dân tại các thành phố Halifax, Toronto, Edmonton, Kitchner, Victoria và Vancouver.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/cac-nuoc-hop-ban-doi-pho-voi-bien-doi-khi-hau-va-o-nhiem-moi-truong-593056