Kinh tế khởi sắc, lạm phát được kiểm soát

Những thống kê mới đây về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy, kinh tế đang vào đà phục hồi và dần tăng tốc, đi kèm với đó là lạm phát vẫn được kiểm soát. Đây là cơ sở cho những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng vào quý II và những tháng cuối năm khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống.

Doanh nghiệp phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng

Tiếp đà hồi phục của kinh tế quý I/2022, trong tháng 5/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, mức tăng này còn cao hơn cả 2 năm trước dịch là 2018 và 2019, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%).

Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng tới 22,6% so với cùng kỳ, tức là quy mô tăng cũng cao hơn cả cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Doanh nghiệp có phục hồi, kinh tế mới phát triển. Những dấu hiệu phục hồi của “bức tranh” kinh tế rõ nét hơn khi trong tháng 5 số doanh nghiệp thành lập mới ở mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hồng Vân

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số biết nói nêu trên đã minh chứng kinh tế đang vào đà tăng tốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là kinh tế tăng trưởng nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, dù cao hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm của giai đoạn 2017 - 2020.

Những dự báo lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Lạc quan hơn, giới chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III sẽ là điểm nhấn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cả năm nay vượt mục tiêu đặt ra là 6 - 6,5%, thậm chí còn cao hơn mức 7%.

Tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan. Điều đáng mừng là quý I/2022, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4.

Khẩn trương đưa chính sách hỗ trợ vào cuộc sống

Để tận dụng hiệu quả một trong những "phao cứu sinh" là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp; tăng khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực; công khai, minh bạch trong thực hiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đó sẽ là bước đệm, tạo đà cho kinh tế tăng trưởng vào quý II và bứt phá vào những tháng cuối năm.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tính toán của Chính phủ khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trên, việc thực hiện Chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2 - 3%.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Kết quả, kinh tế - xã hội nước ta đã có những thành tựu bước đầu. Tuy nhiên, không thể chủ quan trước những kết quả đạt được, bởi vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Về phía doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp trước hết phải tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới; cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng và phát triển.

Đà phục hồi từ “ngành công nghiệp không khói”

Bên cạnh những dự báo lạc quan, có một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc trong bối cảnh "bức tranh" kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn.

Một trong những điểm nhấn của tháng 5 là ngành dịch vụ, trong đó sức bật ấn tượng nhất là ngành du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đã tăng đến hơn 70% so với tháng 4 và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 173.000 lượt người. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 365.000 lượt, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, lượng khách đến từ châu Úc, châu Mỹ và khách đến từ châu Âu chiếm đa số.

Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3. Các đường bay quốc tế được nối lại, tạm dừng yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt là những lý do thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam.

Mới đây, việc nước ta đăng cai tổ chức SEA Games 31 cũng thu hút một lượng lớn các đoàn thể thao, cổ động viên trong khu vực đến tham gia thi đấu kết hợp du lịch, trong đó, Hà Nội - nơi diễn ra nhiều môn thi đấu nhất, thu hút 85.000 lượt khách quốc tế trong tháng 5.

Cùng với sự gia tăng về lượng du khách quốc tế, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam cũng được cải thiện. Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), chỉ số này của Việt Nam năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.

Không chỉ ngày càng nhiều du khách quốc tế, mà càng nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chọn Việt Nam là điểm đến. Theo khảo sát mới đây của HSBC, nhiều công ty FDI có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới. Xu hướng này được cho là không phải tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài. Đáng chú ý là sau khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, hứa hẹn tạo ra một "làn sóng" đầu tư mới thay đổi nền kinh tế.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết: "Đây không phải là chuyện tương lai, mà thực tế đang diễn ra rồi. Chúng tôi đang thực hiện một chương trình xúc tiến đầu tư, dự kiến sẽ đưa khoảng 300 doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế xanh đến Việt Nam để tìm hiểu đầu tư và phản hồi của doanh nghiệp là rất tích cực. Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam có thể đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực".

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-khoi-sac-lam-phat-duoc-kiem-soat-106152.html