Các nước G7 cam kết chia sẻ 870 triệu liều vắc xin COVID-19

Trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh G7, được tổ chức tại Cornwall, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, các nhà lãnh đạo đã cam kết chia sẻ vắc xin COVID-19 trên toàn cầu, nhằm hỗ trợ tiếp cận công bằng và giúp chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch.

Theo đó, các nước G7 cam kết chia sẻ ít nhất 870 triệu liều vắc xin COVID-19 trực tiếp, với mục tiêu cung cấp ít nhất một nửa trong số đó vào cuối năm 2021, và tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với COVAX là “con đường chính để cung cấp vắc xin cho các nước nghèo nhất.

Các đối tác của COVAX hoan nghênh cam kết này, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu với tỷ lệ đáng kể, thúc đẩy cấp phép tự nguyện và sản xuất toàn cầu phi lợi nhuận. COVAX mong muốn các liều vắc xin đổ về các quốc gia càng sớm càng tốt. Đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp thiết, COVAX đang tập trung vào việc đảm bảo càng nhiều liều vắc xin được chia sẻ càng tốt ngay lập tức, vì quý 3 năm nay là thời điểm chênh lệch giữa việc cung cấp và khả năng hấp thụ liều vắc xin của các quốc gia trở nên lớn nhất.

Lãnh đạo các nước G7 năm 2021.

Lãnh đạo các nước G7 năm 2021.

COVAX sẽ làm việc với G7 và các quốc gia khác đã cam kết chia sẻ vắc xin để phân bố vắc xin một cách nhanh chóng và bình đẳng nhất có thể. Điều này sẽ giúp giải quyết những hạn chế về nguồn cung ngắn hạn hiện đang ảnh hưởng đến phản ứng toàn cầu đối với COVID-19 và giảm thiểu viễn cảnh về các biến thể chết người trong tương lai.

Dự đoán một lượng lớn vắc xin sẽ có sẵn thông qua danh mục thỏa thuận của Cơ sở COVAX vào cuối năm nay. COVAX cũng kêu gọi các ngân hàng phát triển đa phương khẩn trương cấp vốn để giúp các quốc gia chuẩn bị hệ thống y tế để triển khai vắc xin quy mô lớn trong những tháng tới.

Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh vắc xin (GAVI) cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng của sự đoàn kết toàn cầu và là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực đảm bảo những người có nguy cơ cao nhất, ở mọi nơi đều được bảo vệ. Khi chúng tôi nỗ lực hướng tới mục tiêu chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các quốc gia để đảm bảo những liều vắc xin được cam kết chia sẻ sẽ nhanh chóng được chuyển thành những liều vắc xin được phân phối.

Theo TS Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của CEPI (Liên minh các Đổi mới để Chuẩn bị sẵn sàng cho Dịch bệnh), đây là một thời khắc lịch sử, khi các nhà lãnh đạo của những nước giàu có nhất họp lại với nhau để đảm bảo rằng tất cả các nơi trên thế giới đều có thể tiếp cận với vắc-xin quý giá này. Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy rằng, chúng ta không thể đặt lợi ích quốc gia trên lợi ích quốc tế. Với một căn bệnh như COVID-19, chúng ta phải đảm bảo kiểm soát được căn bệnh này ở mọi nơi. Vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân được tiêm vắc xin và đảm bảo bộ phận nghiên cứu phát triển vắc xin đi trước virus một bước.

Các nước G7 cam kết chia sẻ 870 triệu liều vắc xin COVID-19.

Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành của UNICEF cho biết: Chúng ta đã đạt đến một cột mốc quan trọng trong đại dịch này: Số người chết do COVID-19 từ đầu năm 2021 đến nay đã nhiều hơn so với tất cả năm ngoái. Nếu chúng ta không hành động khẩn cấp, sự tàn phá của đại dịch sẽ tiếp tục. Sự tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19 thể hiện con đường rõ ràng nhất thoát khỏi đại dịch này cho tất cả chúng ta - bao gồm cả trẻ em. UNICEF cảm ơn các nước thành viên G7 vì những cam kết quan trọng và sự hỗ trợ của họ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục tăng cả số lượng và tốc độ cung cấp vắc xin cho phần còn lại của thế giới, bởi vì chúng ta đều có chung mục tiêu và ưu tiên trong việc kết thúc đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng này sẽ không kết thúc cho đến khi nó kết thúc ở mọi nơi trên thế giới.

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh: Nhiều quốc gia khác hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng ca bệnh và họ đang phải đối mặt với nó mà không có vắc-xin. Chúng tôi đang ở trong một cuộc chạy đua lớn, nhưng đó không phải là một cuộc chạy đua công bằng, và phần lớn các quốc gia hầu như vẫn chưa rời khỏi vạch xuất phát. Chúng tôi hoan nghênh các cam kết tặng vắc-xin và cảm ơn các nhà lãnh đạo. Nhưng chúng tôi cần nhiều hơn, và chúng tôi cần chúng nhanh hơn.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp vắc xin hiện nay của Châu Phi có nguy cơ kéo dài đại dịch, không chỉ đối với hàng triệu người trên lục địa này mà còn đối với toàn thế giới. Tôi hoan nghênh các nhà lãnh đạo G7 trong việc chia sẻ liều vắc xin với COVAX và kêu gọi họ - và những người khác chia sẻ liều vắc xin ngay bây giờ, không phải là vài tháng sau, khi nhu cầu của chúng tôi là lớn nhất. Tiến sĩ Githinji Gitahi, Giám đốc điều hành Tập đoàn AMREF Health Africa cho biết.

Hà Phương

(Theo WHO 6/2021)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-nuoc-g7-cam-ket-chia-se-870-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-n195154.html