Các nước Đông Nam Á mạnh tay với nạn tin giả

Cũng như nhiều quốc gia khác, các nước Đông Nam Á đang ngày càng mạnh tay đối phó với tin giả vốn là vấn nạn nhức nhối của thế giới.

Ngày 2-11, tờ Bangkok Post đưa tin Trung tâm Chống tin giả của Thái Lan đã chính thức đi vào hoạt động, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nhận diện và xác minh các thông tin giả mạo. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Thái Lan Buddhipongse Punnakanta cho biết, Trung tâm Chống tin giả được thiết kế như một phòng “trực chiến” với các màn hình giám sát đặt ở giữa phòng, trên đó hiển thị các biểu đồ theo dõi những tin giả mới nhất. Khoảng 30 nhân viên sẽ làm việc cùng lúc để rà soát tin tức thuộc mọi chủ đề từ thiên tai, kinh tế cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Các nhân viên này cũng sẽ “để mắt” tới những tin tức liên quan đến các chính sách của chính phủ, trật tự xã hội và an ninh quốc gia.

 Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Thái Lan Buddhipongse Punnakanta kiểm tra hoạt động của Trung tâm Chống tin giả. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Thái Lan Buddhipongse Punnakanta kiểm tra hoạt động của Trung tâm Chống tin giả. Ảnh: Reuters

Theo Bộ trưởng Buddhipongse Punnakanta, nếu nghi ngờ một thông tin nào đó là thất thiệt, các nhân viên tại Trung tâm Chống tin giả sẽ trình báo các cơ quan liên quan để đưa ra đính chính trên các nền tảng truyền thông xã hội, trang web chính thức của trung tâm này cũng như qua báo chí. “Các thông tin sẽ được Trung tâm Chống tin giả xác minh trong vòng hai giờ đồng hồ. Tin giả là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng tới đời sống con người và nền kinh tế”, tờ Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Buddhipongse Punnakanta. Theo Bangkok Post, người dân Thái Lan cũng được phép gửi các thông tin mà họ nghi ngờ tới Trung tâm Chống tin giả để nhờ xác minh.

Trong khi đó, tại Singapore, Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến cũng đã chính thức có hiệu lực. CNN cho biết, theo luật này, các cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt lên tới 100.000SGD (khoảng 73.000USD) hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai. Mức phạt đối với doanh nghiệp có thể lên tới 1 triệu SGD (khoảng 735.000USD). Luật được áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội, các cổng tin tức, các nền tảng như nhóm chat, thảo luận trực tuyến. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà luật nhắm tới là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter vốn bị chỉ trích về vấn nạn tin giả trong nhiều năm gần đây do cơ chế giám sát lỏng lẻo. Căn cứ vào Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, người đứng đầu các bộ của Singapore đều có thẩm quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật và buộc các cá nhân, công ty sai phạm đính chính và ngừng tán phát thông tin. Ngoài ra, Chính phủ Singapore có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet hoặc các nhà cung cấp dịch vụ trung gian chặn mọi hoạt động tiếp cận để bảo vệ các trang thông tin điện tử hoặc phải đối mặt với mức phạt 20.000USD/ngày. Nhà chức trách Singapore khẳng định, Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến là cần thiết nhằm ngăn chặn việc lan truyền những thông tin sai sự thật có thể gây chia rẽ xã hội và hủy hoại niềm tin vào thể chế. Bộ trưởng Nội vụ Singapore K.Shanmugam cho rằng, không thể dựa vào các công ty công nghệ để họ tự quản lý vấn nạn tin giả và “phải chứng tỏ rằng nhà chức trách công bằng nhưng cũng kiên quyết”.

Một khảo sát của hãng Ipsos cho thấy, 86% người dùng internet thừa nhận họ bị lừa do nạn tin giả, chủ yếu xuất phát trên mạng xã hội. Cuộc khảo sát được thực hiện đối với 25.000 người dùng internet thuộc 25 quốc gia. Những người tham gia khảo sát đều bày tỏ mong muốn chính phủ và các công ty quản lý mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn tình trạng tin giả tràn lan, vốn khiến lòng tin của người dùng internet giảm sút, tác động tiêu cực đến kinh tế cũng như tình hình chính trị của các nước.

Với các biện pháp mạnh tay, giới chức trách và người dân các nước Đông Nam Á đều hy vọng có thể đem lại hiệu quả tích cực, giúp đẩy lùi nạn tin giả. Dù vậy, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo chính phủ các nước cần phải kiên trì bởi đây là cuộc chiến vô cùng cam go, cần nhiều thời gian, đồng thời phải chủ động sẵn sàng ứng phó với những thay đổi linh hoạt và tinh vi của các hình thức tạo dựng và tuyên truyền thông tin giả mạo trên internet.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cac-nuoc-dong-nam-a-manh-tay-voi-nan-tin-gia-598915