Các nước Đông Nam Á hợp sức bảo tồn và phát triển di sản văn hóa

Với chủ đề 'ASEAN: Đồng nhất với thế giới', năm 2019 được chỉ định là Năm Văn hóa ASEAN, hướng đến quảng bá các di sản văn hóa phong phú và đa dạng của khu vực.

Việc phát triển du lịch di sản văn hóa và truyền thống dân tộc thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch của khu vực là một phần không thể thiếu trong các chính sách kinh tế các nước trong ASEAN. Khách du lịch đến khu vực Đông Nam Á đều muốn trải nghiệm các di sản văn hóa và tôn giáo đa dạng, truyền thống dân tộc và kiến trúc thời thuộc địa.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã liệt kê 38 di sản ở Đông Nam Á vào danh sách Di sản Thế giới (WHS) vì các giá trị văn hóa độc đáo, bối cảnh lịch sử và cảnh quan độc đáo. Danh sách này bao gồm các ngôi đền, di tích lịch sử, ruộng bậc thang và rừng mưa nhiệt đới, tất cả đều có khả năng thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Các địa điểm nổi tiếng gồm thành cổ Ayutthaya của Thái Lan, Đền Prambanan ở Indonesia và Công viên Kin Kinalu của Malaysia.

Du khách chụp ảnh tại ngôi đền cổ Wat Chaiwatthanaram ở tỉnh Ayutthaya (Thái Lan).

Du khách chụp ảnh tại ngôi đền cổ Wat Chaiwatthanaram ở tỉnh Ayutthaya (Thái Lan).

Các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan đã có những bước tiến lớn để giành được vị thế cho các di sản của mình, cả 4 quốc gia này nắm giữ 27 trong số 38 Di sản Thế giới ở Đông Nam Á trong danh sách của UNESCO.

Tiềm năng kinh tế

Đến năm 2027, các Di sản Thế giới được dự báo sẽ đóng góp 563 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN, với mức tăng trưởng hằng năm là 5,7%. Do đó, ngành du lịch sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia Đông Nam Á phát triển bằng cách tạo việc làm và cho phép phát triển tích hợp khu vực.

ASEAN đã đón hơn 129 triệu du khách trong năm 2018 và theo Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2016-2025, dự kiến sẽ đón 152 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2025 và 187 triệu vào năm 2030.

Trách nhiệm không của riêng quốc gia nào

ASEAN có trách nhiệm tập thể trong việc bảo tồn và duy trì các di sản do tiềm năng kinh tế rất lớn. Biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức không hề nhỏ cho các quốc gia để bảo tồn di sản của mình.

Một số mối đe dọa mà các Di sản này phải đối mặt bao gồm thiên tai, ô nhiễm và phát triển quá nhanh chóng. Du lịch văn hóa thúc đẩy sự đánh giá và hiểu biết về lịch sử của khu vực, và do đó, chính phủ và các cơ quan chức năng phải bảo tồn Di sản, song song với việc quảng bá ra quốc tế.

Văn hóa nhạc pop và phim Hollywood đã làm cho một số DI sản trở nên nổi tiếng toàn thế giới, làm gia tăng số lượng khách du lịch.

Chẳng hạn, bộ phim kinh dị giả tưởng năm 2001, Lara Croft: Tomb Raider, được quay tại đền Ta Prohm ở Angkor Wat - thủ đô của đế chế Khmer cổ ở Campuchia. Tương tự, vào năm 2017 bộ phim Kong Skull Island, được quay ở Vịnh Hạ Long, đã giúp Việt Nam đón thêm gần 7 triệu khách du lịch tới tham quan.

Một bối cảnh khác của phim "Kong: Skull Island" được quay tại Tràng An (Ninh Bình).

Tuy nhiên, mỗi ngày có tới hàng trăm con tàu du lịch di chuyển trên Vịnh Hạ Long, xả chất thải của con người xuống biển và làm bẩn hệ sinh thái. Nếu không được quản lý, thiệt hại gây ra cho Di sản là không thể cứu vãn.

Quá tải du lịch có thể gây thiệt hại cho Di sản Thế giới và các hệ sinh thái nhạy cảm, một số quốc gia đã hành động bằng cách kiểm soát dòng khách hoặc đóng cửa các điểm đến phổ biến để cho phép phục hồi môi trường. Các nền kinh tế của Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào du lịch, tuy nhiên rất ít các giải pháp được tiến hành để giải quyết mối đe dọa từ du lịch.

Luông Pha Băng ở Lào, từng được coi là di sản được bảo tồn tốt nhất, hiện đã bị thương mại hóa, kể từ khi được vinh danh là Di sản Thế giới của UNESCO năm 1995. Thành phố cổ này đã được xây dựng tràn lan, với những ngôi nhà được chuyển đổi thành khách sạn, nhà hàng, quán cà phê và quán bar.

Thành phố Luông Pha Băng nhìn từ trên cao.

Nhiều người dân địa phương không còn sống trong khu vực nữa. Số lượng khách du lịch ngày càng tăng đặt ra một thách thức lớn bởi nhu cầu trải nghiệm văn hóa ngày càng tăng đang biến các truyền thống đích thực thành một mặt hàng được dàn dựng để hút tiền từ khách du lịch.

Theo các phân tích được tổng hợp trong Trọng tâm ASEAN (ASEAN Focus), Tiến sĩ Pactsri Porananond kết luận rằng việc bảo tồn các Di sản Thế giới phải là trách nhiệm được toàn bộ các quốc gia chia sẻ để đảm bảo rằng các cộng đồng địa phương trong khu vực di sản không chịu ảnh hưởng bất lợi bởi sự gia tăng lợi ích của làn sóng khách du lịch.

UNESCO khuyến nghị các chính phủ nên kết hợp các chương trình quy hoạch vùng, triển khai đội ngũ nhân viên và dịch vụ tại chỗ, tiến hành nghiên cứu bảo tồn kỹ thuật để bảo tồn di sản văn hóa và tự nhiên của quốc gia.

Huy Vũ

Theo ASEAN Post

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/cac-nuoc-dong-nam-a-hop-suc-bao-ton-va-phat-trien-di-san-van-hoa-156280.html