Các nước đã làm gì để giới trẻ 'quẩy' EDM một cách văn minh?

Các lễ hội âm nhạc lớn như Tomorrowland, Ultra Music Festival, Electric Daisy Carnival... luôn chú trọng yếu tố sáng tạo, mới lạ trong khâu tổ chức.

Nhìn lại cách đây nhiều năm, khi lễ hội âm nhạc điện tử (EDM - Electronic Dance Music) chưa xuất hiện ở Việt Nam, thể loại này đã phát triển và trở thành “món ăn tinh thần” của giới trẻ ở nhiều quốc gia. Hiện tại, sức nóng của những lễ hội này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Những bữa tiệc âm nhạc này thu hút giới trẻ bởi nhiều yếu tố. Ở đó, người tham dự sẽ được tận hưởng không gian âm nhạc sôi động, hiện đại với sự xuất hiện của nhiều DJ, ca sĩ nổi tiếng. Chưa hết, đó còn là nơi để người tham dự thể hiện cá tính của mình.

Dần dần, việc tham gia những lễ hội này trở thành văn hóa mà tại nhiều nước được gọi là "văn hóa raving" hay gọi dân dã là văn hóa “quẩy”. Những người tham gia được gọi là raver. Một raver mang trong mình tinh thần PLUR (viết tắt của Peace - Love - Unity - Respect: Hòa bình - Tình yêu - Thống nhất - Tôn trọng).

 Lễ hội EDM là nơi để những bạn trẻ yêu thích âm nhạc sôi động, hiện đại chia sẻ đam mê với nhau. Ảnh: Ryan Dinham.

Lễ hội EDM là nơi để những bạn trẻ yêu thích âm nhạc sôi động, hiện đại chia sẻ đam mê với nhau. Ảnh: Ryan Dinham.

Bữa tiệc âm nhạc và thời trang

Tại Mỹ ngày nay, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9X hay thế hệ Y đều sống với phương châm “work hard - play hard” (làm chăm chỉ - chơi hết mình). Với ý nghĩ đó, những bữa tiệc âm nhạc là nơi chia sẻ đam mê, sự trẻ trung của mình với những người có cùng niềm yêu thích.

Kyle Pennell, một raver, cho biết: “Tôi đặc biệt thích bởi vì EDM đã mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi nghệ sĩ với cách chơi nhạc riêng mang tôi đến một thế giới cảm xúc riêng biệt mà loại nhạc khác khó có thể mang đến”.

Đối với nhiều nhà sản xuất, một lễ hội âm nhạc thành công là sự kết hợp của nhiều yếu tố: 25% âm nhạc, 25% biểu diễn, 25% trang trí và 25% thuộc về khán giả, người tham dự. Chính vì thế, các lễ hội âm nhạc lớn như Tomorrowland, Ultra Music Festival, Electric Daisy Carnival... luôn chú trọng yếu tố sáng tạo, mới lạ trong khâu tổ chức.

Từ đó, lễ hội âm nhạc là nơi có thể khơi gợi, tác động đến tất cả giác quan chứ không đơn thuần chỉ là nơi “sống” cùng âm nhạc.

Tại Australia, lễ hội âm nhạc còn là “bữa tiệc thời trang”. Bất kỳ trang phục nào cũng đều được chấp nhận. Ảnh: Dailymail.

Theo Dailymail, tại Australia, lễ hội EDM được tổ chức thường niên và luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Đối với những người này, lễ hội EDM không chỉ là nơi hòa mình vào âm nhạc, ánh sáng, mà còn được xem như bữa tiệc thời trang.

Trang phục tham dự hoàn toàn tự do và không theo phong cách bắt buộc nào cả. Người tham dự có thể ăn mặc một cách sexy hay bất thường, kỳ dị và mọi thứ đều được chấp nhận.

Biện pháp tránh hệ lụy

Tuy nhiên, đằng sau những lễ hội hoành tráng đó là rất nhiều hệ lụy. Không ai mong muốn, thế nhưng nhiều bữa tiệc EDM bị biến thành nơi “dung túng” cho sự phát triển của một số tệ nạn xã hội của một bộ phận bạn trẻ, trong đó có chất kích thích. Chính vì thế, nhiều nước đã áp dụng một số cách để giảm thiểu những tiêu cực, đem đến một lễ hội âm nhạc thực sự văn minh.

Tại các lễ hội âm nhạc ở Mỹ và Canada, người tham dự phải trải qua quy trình kiểm tra chất kích thích trong cơ thể. Quy trình đó sẽ được thực hiện bởi DanceSafe - một tổ chức phi chính phủ ra đời năm 1998. Nhiệm vụ của tổ chức này là ngăn chặn, cũng như giảm thiểu những tác hại gây ra cho raver.

Lễ hội âm nhạc là “món ăn tinh thần” của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh âm nhạc, sự sáng tạo luôn được đề cao trong các buổi tiệc. Ảnh: Toni Villen, Getty Image.

Các tình nguyện viên của tổ chức được đào tạo và có nhiệm vụ kiểm tra viên thuốc, bột và bất cứ thứ gì khác mà raver mang đến để xác định các thành phần hoạt tính trong các chất. Đồng thời, ban tổ chức cũng làm việc với phòng thí nghiệm địa phương để kiểm tra thành phần trong các mẫu thuốc được gửi đến.

Hành động này dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi. Dần dần, DanceSafe bị cấm hoạt động tại hai quốc gia với hình thức kiểm tra người tham dự. Hoạt động này được thay đổi thành việc đặt bàn trước cổng các lễ hội và cung cấp thông tin, tác hại của các loại chất gây nghiện.

Một trong những xu hướng của lễ hội âm nhạc đang nổi lên trên thế giới gần đây là "âm nhạc im lặng". Bất kỳ ai lần đầu nghe đến xu hướng này đều đặt ra nghi vấn: “Mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào?”.

Đúng như cái tên, lễ hội âm nhạc này diễn ra một cách “im lặng”. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy một đám đông lắc lư theo nhạc cùng những ánh đèn rực rỡ từ phía sân khấu. Vậy âm nhạc xuất phát từ đâu? Chính xác là mỗi người tham dự lễ hội này sẽ được phát một tai nghe cách âm. Mọi người sẽ đeo tai nghe và thoải mái nhảy múa trong suốt quá trình tham dự.

Nghe qua có vẻ rất lạ thường nhưng cách tổ chức lễ hội này giúp giảm được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mà vẫn không ảnh hưởng trải nghiệm của người tham dự.

Những lễ hội “âm nhạc im lặng” không làm ảnh hưởng trải nghiệm của người tham dự.

Rất nhiều người khi nghe về hình thức tổ chức này đều cho rằng đây là những bữa tiệc ngớ ngẩn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ đều cảm thấy hài lòng, thậm chí thích thú sau khi thử qua loại hình này.

Một điểm thú vị của loại hình lễ hội này là những chiếc tai nghe được kết nối với nguồn thông qua radio. Như thế, người nghe hoàn toàn có thể điều chỉnh theo ý muốn và có nhiều sự lựa chọn hơn. Ví dụ, nếu DJ bắt đầu một bài rap và bạn không thích điều đó, thì hoàn toàn có thể chuyển qua một kênh khác.

Tại thành phố New York, Mỹ, các lễ hội âm nhạc "im lặng" như thế thu hút hàng nghìn người tham gia mỗi tuần. Không chỉ thế, hình thức này còn được áp dụng vào các bữa tiệc đêm tại nhiều nơi trên thế giới.

Lê Ngọc tổng hợp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cac-nuoc-da-lam-gi-de-gioi-tre-quay-edm-mot-cach-van-minh-post859149.html