Các nước châu Âu tăng biện pháp mạnh chống dịch Covid-19

Ngày 14-3, Chính phủ Pháp đã nâng cấp mức chống dịch bệnh Covid-19 sang giai đoạn 3, cao nhất, cùng một số biện pháp mới nhằm hạn chế tối đa sự lây lan. Các nước châu Âu khác cũng hành động quyết liệt hơn trước làn sóng dịch bệnh tiếp tục lan rộng và có nguy cơ khó kiểm soát.

Thủ tướng Pháp: Cách hiệu quả nhất để chặn đà lây lan của virus corona là chấm dứt tụ tập, giao lưu ở nơi công cộng.

Thủ tướng Pháp: Cách hiệu quả nhất để chặn đà lây lan của virus corona là chấm dứt tụ tập, giao lưu ở nơi công cộng.

NDĐT - Ngày 14-3, Chính phủ Pháp đã nâng cấp mức chống dịch bệnh Covid-19 sang giai đoạn 3, cao nhất, cùng một số biện pháp mới nhằm hạn chế tối đa sự lây lan. Các nước châu Âu khác cũng hành động quyết liệt hơn trước làn sóng dịch bệnh tiếp tục lan rộng và có nguy cơ khó kiểm soát.

Nhằm kìm hãm sự lan truyền của virus corona, trong cuộc họp báo tối 14-3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố một số biện pháp siết chặt hoạt động của người dân. Theo đó, kể từ 24 giờ ngày 14-3, tất cả nơi tụ tập công cộng gồm quán bar, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, câu lạc bộ đêm, rạp chiếu phim được lệnh đóng cửa cho tới khi có lệnh mới. Chỉ những cửa hàng thực thẩm, hiệu thuốc, ngân hàng và trạm xăng tiếp tục hoạt động để cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người dân. Giao thông công cộng vẫn hoạt động tùy theo lượng người sử dụng.

Thủ tướng Pháp nói, Chính phủ thấy rằng, các biện pháp trước đây chưa có hiệu quả tối đa khi sự lây lan của virus corona vẫn rất nhanh, với số người nhiễm tăng gấp đôi trong vòng ba ngày qua, cùng sự gia tăng của những người cần được chăm sóc đặc biệt. Đến giờ, người Pháp vẫn chưa thấy rõ vai trò quan trọng của mình khi đối mặt virus corona. Tình hình giờ rất cấp bách, đến lúc phải thay đổi hành vi của mọi người. Vì vậy, nhất thiết phải hạn chế sự đi lại, tụ tập, giao lưu.

Thủ tướng Edouard Philippe đề nghị, các doanh nghiệp và công sở triển khai phương án làm việc từ xa để mọi người có thể ở nhà nhằm hạn chế tối đa sự lây lan. Dù có nhiều lo ngại về việc tổ chức bầu cử địa phương, Chính phủ Pháp vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức vòng 1 vào ngày 15-3, cùng các biện pháp phòng ngừa ở các điểm bầu cử.

Trong mấy ngày vừa qua, Chính phủ Pháp liên tục đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt cùng tâm lý chủ quan của người Pháp và một số nước châu Âu khiến chính phủ các nước buộc phải dùng "biện pháp cứng rắn". Chính phủ Pháp cũng đã cấm các cuộc tụ tập có quá 100 người, nhưng không cấm biểu tình. Dù được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm virus corona, những người biểu tình của phong trào "áo vàng" vẫn tổ chức đợt thứ 70 vào ngày 14-3, buộc cảnh sát phải dùng biện pháp cứng rắn để giải tán và bắt giữ gần 80 người.

Hành động quyết liệt của Chính phủ Pháp đã nhận được sự ủng hộ của người dân và các đảng phái chính trị, nhất là việc tạm đóng cửa trường học trong hai tuần, trừ các nhà trẻ có dưới 10 cháu.

Đánh giá về các biện pháp do Thủ tướng vừa công bố, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp cho ý kiến, các biện pháp này rất hợp lý. Tình hình đặc biệt, biện pháp đặc biệt. Chúng tôi kêu gọi người dân Pháp thực hiện đúng các quy định về rào cản chống lây nhiễm để bảo vệ mình và bảo vệ người khác.

Số liệu thống kê từ các nước châu Âu chưa phải là con số chính xác về số bị nhiễm vì còn rất nhiều người khác chưa được xét nghiệm. Các bệnh viện đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi số lượng người cần điều trị tích cực tăng mạnh. Hiện tại, Pháp và một số nước châu Âu đang củng cố hết sức các khoa hồi sức cấp cứu để có thể ứng phó "cơn bão" người nhiễm. Vì vậy, các biện pháp cứng rắn, triệt để chưa từng có đang được các nước trong khu vực thực hiện để hạn chế đà lây lan ở những nơi có đông người. Báo chí Pháp gọi đây là phương án "ngủ đông" để chính quyền và hệ thống y tế triển khai công tác chống dịch hiệu quả.

Bộ Y tế Pháp cho biết, số người nhiễm mới được phát hiện trong 24 giờ qua là 830, nâng tổng số ca nhiễm ở Pháp lên gần 4.500, trong đó có 91 người tử vong. Một số nghị sĩ và thượng nghị sĩ đã lên tiếng, đề nghị đóng cửa Hạ viện và Thượng viện vì hiện có gần 20 người ở hai nơi này đã nhiễm bệnh. Bệnh dịch cũng đã xuất hiện ở một nhà tù ở ngoại ô phía nam Paris.

Tính tới tối 14-3, số người nhiễm ở một số nước Tây Âu vẫn tăng nhanh, nhất là Italy, khi có tới 3.487 ca mới phát hiện và 175 người chết trong vòng 24 giờ qua. Tổng số người nhiễm và tử vong ở Italy đã lên tới mức khủng khiếp, 21.157 và 1.441. Tốc độ lây lan ở hai nước Tây Ban Nha và Đức đã vượt Pháp, với 1.083 và 850 ca mới.

Tối 14-3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc, theo đó người dân chỉ có thể đi làm hoặc mua đồ dùng thiết yếu. Thời gian phong tỏa kéo dài 15 ngày, khi số ca nhiễm tăng quá nhanh trong mấy ngày gần đây, lên tới 6.315 và 193 người tử vong, chỉ sau Italy, dù số nhiễm ban đầu thấp hơn rất nhiều so các nước chung quanh. Diễn biến như vậy cho thấy, Tây Ban Nha có nguy cơ trở thành điểm nóng thứ 2 như ở Italy nếu không có biện pháp tương xứng và kịp thời.

Là nước có số người nhiễm cao thứ 5 ở khu vực EU, 1.375 ca, Chính phủ Thụy Sĩ đã ra lệnh đóng cửa trường học, tăng cường kiểm soát biên giới. Dự kiến, quân đội cũng sẽ được huy động cho công tác dập dịch bệnh, hỗ trợ hậu cần và y tế. Cũng như các nước mới có thêm những biện pháp cứng rắn, Chính phủ Séc buộc phải ra quyết định khẩn cấp nhằm ngăn chặn dòng người đến các trung tâm thương mại. Theo đó, toàn bộ cửa hàng và nhà hàng trừ cửa hàng tạp hóa, đồ điện gia dụng, hiệu thuốc và trạm xăng, phải đóng cửa.

Những người biểu tình "áo vàng" vẫn xuống đường ở Paris dù bệnh dịch đang lây lan rộng. (Ảnh: Sở cảnh sát Paris)

Nhiều đường phố ở Paris vắng hẳn bóng người sau khi Chính phủ ban hành các biện pháp quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43617802-cac-nuoc-chau-au-tang-bien-phap-manh-chong-dich-covid-19.html