Các nước châu Âu đồng loạt mở cửa biên giới trở lại

Theo Reuters và TTXVN, từ ngày 15-6, các quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới sau khi phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Séc cấm du khách đến từ những quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh cao, như Bồ Ðào Nha và Thụy Ðiển. Trong khi đó, Tây Ban Nha chưa mở cửa biên giới cho người nước ngoài cho đến ngày 21-6 tới, ngoại trừ một số đảo.

Theo Reuters và TTXVN, từ ngày 15-6, các quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới sau khi phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Séc cấm du khách đến từ những quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh cao, như Bồ Ðào Nha và Thụy Ðiển. Trong khi đó, Tây Ban Nha chưa mở cửa biên giới cho người nước ngoài cho đến ngày 21-6 tới, ngoại trừ một số đảo.

Tổng thống Pháp E.Macron đã hoan nghênh chiến thắng đầu tiên của nước này trước Covid-19, nhưng cảnh báo cần phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong một thời gian dài. Toàn bộ các vùng của nước Pháp, ngoại trừ hai lãnh thổ hải ngoại, được xếp loại an toàn kể từ ngày 15-6. Các trường học của nước Pháp sẽ mở lại từ ngày 22-6.

Bộ trưởng Y tế liên bang Ðức J.Spahn cho biết ứng dụng trên điện thoại di động để truy vết tiếp xúc của người nhiễm Covid-19 ở Ðức sẽ được đưa vào vận hành bắt đầu từ tuần này, nhằm tránh một làn sóng lây nhiễm thứ hai. Từ ngày 15-6, Ðức dỡ bỏ cảnh báo đi lại tới các nước EU và Anh, trong khi vẫn giữ cảnh báo đi lại tới hơn 160 nước ngoài EU cho tới cuối tháng 8 tới.

Chính phủ Anh thông báo ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp nhất kể từ tháng 3. Trong khi Anh đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu khuyến cáo nước này vẫn trong giai đoạn đại dịch hoành hành, do đó không nên vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tại Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 và nhập viện tăng kỷ lục ở nhiều tiểu bang của Mỹ, trong đó có Florida và Texas. Chính quyền Mỹ khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang và tránh tụ họp đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tính đến ngày 15-6, toàn thế giới có hơn tám triệu người mắc Covid-19 với hơn 436 nghìn ca tử vong. Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với hơn 2,16 triệu ca mắc và 118 nghìn ca tử vong.

Bộ trưởng Tài chính Chile I.Briones công bố gói kích thích kinh tế và hỗ trợ người dân trị giá 12 tỷ USD, có hiệu lực hai năm, nhằm giảm bớt những tác động của đại dịch. Trước đó, nước này đã công bố hàng loạt biện pháp, trong đó có chương trình hỗ trợ vay vốn và cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã tăng lên thành 17.141 người. Thứ trưởng Y tế U.Ga-ten cho biết Mexico đang trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong có thể lên đến 35.000 người. Ông nhận định làn sóng dịch thứ nhất sẽ kéo dài tới tháng 10 và dự kiến làn sóng dịch thứ hai diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới.

Tại châu Á, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Tôn Xuân Lan kêu gọi các cơ quan hữu quan đưa ra các biện pháp kiên quyết nhằm ngăn chặn sự lây lan các ổ dịch tại thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc đã phong tỏa thêm 10 khu vực ở thủ đô, sau khi phát hiện một ổ dịch mới ở khu vực chợ thực phẩm. Hiện ở bốn quận của Bắc Kinh, cấp độ nguy cơ dịch Covid-19 đã được nâng từ thấp lên trung bình.

Thủ tướng Nhật Bản S.Abe cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch ở nước này trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo tăng đột biến trong những ngày gần đây. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai bằng cách củng cố hệ thống y tế và tăng cường xét nghiệm. Mặc dù vậy, Nhật Bản sẽ nới lỏng dần các hạn chế về đi lại với các nước khác song song với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái-lan cho biết, sẽ có khoảng 1.000 người nước ngoài dự kiến được phép nhập cảnh Thái-lan mỗi ngày mà không phải cách ly 14 ngày. Một quốc gia Ðông - Nam Á khác là Indonesia cũng đang lên kế hoạch mở cửa trở lại lĩnh vực du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Bốn quốc gia đầu tiên mà nước này hướng tới mở cửa du lịch là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

A-rập Xê-út kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế nhằm ngăn chặn dịch lây lan, trong bối cảnh nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Lệnh phong tỏa đối với thành phố Giê-đa, điểm nóng dịch bệnh lớn thứ hai nước này, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 21-6.

Tổng thống Iran H.Rouhani cảnh báo sẽ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bùng phát trở lại nếu người dân không tuân thủ quy định. Lần đầu tiên trong hai tháng qua Iran thông báo hơn 100 ca tử vong mới trong một ngày.

Trong khi đó, tại châu Phi, bất chấp số ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, giới chức Ai Cập cho biết nước này sẽ nối lại các chuyến bay quốc tế kể từ ngày 1-7 tới. Ai Cập cũng đang tích cực để vực dậy ngành du lịch, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. Các khách sạn, địa danh khảo cổ và bãi biển đang được dọn dẹp vệ sinh và khử khuẩn để có thể đón du khách trở lại sau thời gian dài đóng cửa.

Ma-rốc cho biết bắt đầu viện trợ y tế, gồm gần tám triệu khẩu trang y tế, cho 15 quốc gia châu Phi để giúp các nước này chống đại dịch Covid-19. Tất cả các sản phẩm và thiết bị này được sản xuất tại Ma-rốc và đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thủ tướng Tuy-ni-di E.Pha-khơ-pha tuyên bố Tuy-ni-di đã chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch nhờ sự đoàn kết dân tộc. Tuy-ni-di chuẩn bị mở cửa biên giới trên không, trên bộ và trên biển từ ngày 27-6 tới, tuy nhiên du khách đến nước này phải tuân thủ quy định cách ly tại các khách sạn.

Tổng thống Gha-na cho biết, Bộ trưởng Y tế nước này O.Ma-nu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút gây Covid-19. Thị trưởng thành phố Xê-côn-đi Ta-cô-ra-đi, ông C.Xam đã tử vong vì những biến chứng liên quan Covid-19. Ðến nay Gha-na đã ghi nhận gần 12 nghìn ca mắc.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44870002-cac-nuoc-chau-au-dong-loat-mo-cua-bien-gioi-tro-lai.html