Các nước cam kết nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính

Nhiều nước, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Nhật Bản, đều quyết định nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: AP)

Cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức đã diễn ra vào ngày 22 - 23/4.

Từ Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết, vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nền kinh tế đầu tàu thế giới này từ 50 - 52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Mỹ không thể làm điều đó một mình. Và hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, cuộc họp quốc tế lớn đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden, nhằm mục đích đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo sau 4 năm không hành động và phủ nhận những tác động của biến đổi khí hậu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố, châu Âu sẽ áp dụng việc mua bán hạn ngạch khí thải, qua đó tạo tiền đề cho kế hoạch cải cách thị trường mua bán khí thải carbon.

Trong ngày 22/4, giá phát thải khí carbon của EU đã tăng lên mức cao kỷ lục 47 Euro/tấn sau khi EU đặt mục tiêu tham vọng hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ này.

Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu diễn ra vào Ngày Trái Đất được xem là một thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Biden trong việc thuyết phục cộng đồng toàn cầu ủng hộ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã công bố gói phát triển cơ sở hạ tầng và khí hậu trị giá 2.250 tỷ USD, trong đó kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào xe chạy điện, hiện đại hóa lưới điện và nhiều mục tiêu quan trọng khác.

Theo vtv.vn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/quoc-te/202104/cac-nuoc-cam-ket-nang-muc-tieu-cat-giam-luong-khi-phat-thai-gay-hieu-ung-nha-kinh-2530298/