Các nữ xã viên nơi 'Cánh đồng 5 tấn' đầu tiên của toàn miền Bắc xúc động kể chuyện gặp Bác Hồ

Các nữ xã viên nơi “Cánh đồng 5 tấn” đầu tiên của toàn miền Bắc xúc động kể chuyện gặp Bác Hồ

Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người

Trong số hàng nghìn xã viên của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thư Trì năm ấy, đại diện cho HTX Tân Phong báo công dâng Bác có 9 nữ xã viên, bao gồm: Phạm Thị Tý, Nguyễn Thị Thơm, Nguyễn Thị Nụ, Phạm Thị Mùi, Trần Thị Tuyến, Vũ Thị Bộ, Nguyễn Thị Tỉnh, Trần Thị Lân, Nguyễn Thị Trình.

Trong ảnh có 9 nữ xã viên Hợp tác xã Tân Phong (nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, Thái Bình) vinh dự được gặp, dâng công lên Bác Hồ (Ảnh: Tư liệu)

Trong ảnh có 9 nữ xã viên Hợp tác xã Tân Phong (nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, Thái Bình) vinh dự được gặp, dâng công lên Bác Hồ (Ảnh: Tư liệu)

Những người này khi đó chủ yếu ở độ tuổi đôi mươi, thậm chí có người đã lập gia đình – chồng đi chiến đấu xa, có con nhỏ nhưng vẫn sắp xếp 'việc nhà' để lo 'việc nước', quyết tâm nỗ lực gấp năm gấp mười tham gia sản xuất để chi viện cho tiền tuyến miền Nam với tinh thần – "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

Chia sẻ về những năm tháng đó, bà Phạm Thị Tý (84 tuổi, trú tại thôn Mỹ Lộc 3) khi ấy là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Việt Hùng, đồng thời là Chi trưởng HTX Tân Phong cho biết, thời điểm này bà Tý phụ trách công tác vận động chị em phụ nữ tham gia phong trào "3 đảm đang" (Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu. Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu. Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết).

Bà Phạm Thị Tý (84 tuổi), nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng

"Để các chị em có thể yên tâm sản xuất, chúng tôi cắt cử người trông nhà trẻ, người phụ trách nấu ăn cho nhà trẻ. Khi không phải bận bịu việc nhà, các chị em được toàn tâm vào sản xuất nông nghiệp, làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi vì việc chung.", bà Tý kể.

Khi đó đất của Tân Phong chưa mầu mỡ như hiện nay, trên cùng một cánh đồng có những 4 loại đất khác nhau, thậm chí có cả loại đất chua cho năng suất thấp. Trước thực trạng này, các nữ xã viên trong Đội Khoa học kỹ thuật (HTX Tân Phong) không quản vất vả đụm cơm nắm sang một vùng ven biển của Nam Định vớt cả ngày mới được gần 2kg bèo hoa dâu mang về nuôi, nhân rộng để cải tạo đất. Từ số lượng ít ỏi đó, họ đã phát triển lên hàng trăm tấn bèo hoa dâu để cung cấp làm phân bón cho không chỉ Tân Phong mà còn cho nhiều HTX trong tỉnh và ở nhiều tỉnh thành khác.

"Không chỉ vậy, các chị em còn chia ra nhiều ngả, đi bộ nhiều cây số để thu gom phân bò, cắt cỏ và lá cây đem về làm phân hoai mục. Kết quả của những nỗ lực ấy là chất lượng đất được cải thiện, tăng độ màu mỡ và tơi xốp", bà Phạm Thị Mùi (78 tuổi, thôn Mỹ Lộc 1, xã Việt Hùng), Đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật cho biết.

Bà Phạm Thị Mùi (78 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong

Cùng với đó, Tân Phong tích cực thử nghiệm các giống lúa mới để tìm ra loại lúa cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt để rồi lựa ra được những giống lúa như Mộc tuyền, Nếp quýt, Di hương, Dâu rừng… Sau đó, nhân rộng ra sản xuất đại trà trên địa bàn xã và các vùng trồng lúa khác trong tỉnh. Ngoài ra, vì phần lớn các xã viên đều chưa có nhiều kiến thức, kỹ thuật về canh tác nông nghiệp, khắc phục điều này Tân Phong có cử một số người sang Hưng Yên trực tiếp học Giáo sư Lương Đình Của kỹ thuật cấy ngửa tay, cấy chăng dây…

Kết quả của những nỗ lực, sáng tạo không ngừng là năng suất lúa của Tân Phong ngày một tăng. Vậy là từ một vùng đất đã từng bị nạn đói 1945 cướp đi 28 vạn người, nay Tân Phong đã vươn lên đưa Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước đạt năng suất – 6.719 kg/ha (năm 1965). Cùng ứng với năm đó, với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Tân Phong cùng với tỉnh Thái Bình đã chi viện cho chiến tuyến miền Nam tổng cộng 80.760 tấn thóc.

Người dân phun thuốc phòng ngừa bệnh đạo ôn cổ bông cho cây lúa trên “Cánh đồng 5 tấn”

Cảm động trước những thành quả lớn lao, những đóng góp của Tân Phong đối với cách mạng, ngày 2/3/1966, Bác Hồ có gửi thư khen ngợi, "… Trong mấy năm qua Tân Phong đã cố gắng, xây dựng tốt H.T.X, áp dụng kinh nghiệm sản xuất tiên tiến cho nên đã đạt được năng suất lúa cao. Năm 1965 đã đạt 6. 719 kg trên ha. Do đó, đời sống xã viên đã được cải thiện. Hợp tác xã đã bán thóc theo giá khuyến khích cho nhà nước nhiều hơn năm 1964. Như vậy là tốt, Bác rất vui lòng, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Tân Phong đã ra sức thi đua tăng năng suất lúa…".

Không phụ sự tin tưởng của Bác, năm 1966, Tân Phong tiếp tục vượt năng suất năm trước – đạt 7.205 kg/ha. Và lần này, Tân Phong lại được Bác Hồ gửi thư khen ngợi vào ngày 20/12/1966: "Năm nay, cùng với 3 hợp tác xã bạn, hợp thành Tân Phong mới và ra sức, theo đúng kinh nghiệm sản xuất tiên tiến, cho nên năng suất lúa cả năm đạt 7 tấn 205 kg trên ha. Do đó đời sống của xã viên nâng cao, thóc bán cho nhà nước càng tăng thêm, H.T.X được củng cố tốt. Thế là vừa ích nước, lợi nhà…".

Bác Hồ khen thưởng và viết thư động viên xã viên và cán bộ Hợp tác xã Tân Phong vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp

Sáng mãi ánh tâm đăng Hồ Chí Minh

Với những đóng góp để làm nên thành tích chung và được Bác Hồ viết thư khen ngợi như trên, 9 nữ xã viên trong bài đã được bình chọn danh hiệu "Chiến sỹ thi đua" của năm 1966 và được cử làm đại diện thay mặt cho hàng ngàn xã viên trên địa bàn xã và các xã lân cận được vinh dự được gặp mặt 'khách quý'.

"Khoảng 4 giờ chiều ngày 31/12/1966, đang trong buổi họp với ban lãnh đạo HTX Tân Phong thì đồng chí Vũ Văn Điền, Bí thư Đảng bộ xã Việt Hùng có thông báo cho chúng tôi: 'Mai ta có khách quý về thăm" và căn dặn mọi người dọn dẹp hội trường và chuẩn bị trước các loại thóc giống. Chứ lúc đó chúng tôi không biết rằng, vị 'khách quý' ấy chính là Bác Hồ", bà Tý nhớ lại.

Cả đêm hôm đấy, bà Tý và 8 người còn lại ai cũng háo hức nên đến hội trường HTX Tân Phong từ rất sớm. Tuy nhiên, khi đến nơi thì được biết, để đảm bảo an toàn cho khách địa phương đã chuyển địa điểm gặp mặt – cách đây 2km, và mọi người được yêu cầu phải di chuyển bí mật, không được ồn ào.

Bà Tý chạy tắt cánh đồng Tân Phong – nối giữa xã Việt Hùng để sang đình Phương Cáp (xã Hiệp Hòa). Trời mờ chưa sáng rõ thì đến nơi, thấy trong Đình không có một ai, bà cứ ngỡ hay là sai địa điểm rồi. Tuy nhiên, đợi một lúc thì có người đến yêu cầu bà vào Đình ngồi trật tự, và đến khi trời sáng rõ một lúc thì bà Mùi thấy Bác cùng đồng chí Hoàng Anh (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp), đồng chí Tố Hữu, đồng chí Ngô Duy Đông (Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình) và phái đoàn đi vào.

"Hôm trước nghe được đón 'khách quý' về thăm, dẫu không biết là ai nhưng tôi đã cảm thấy phấn chấn rồi. Nhưng nay lại biết là Bác về thì tôi lại càng phấn chấn hơn, bồi hồi, xúc động không nói được nên lời, chỉ thấy tóc Bác đã hoa râm, giọng nói hiền hậu, đặc biệt là đôi mắt thì sáng vô cùng", bà Tý giọng run run kể lại.

Khi đó, Bác gầy và sức khỏe có vẻ giảm sút nhiều. Trong khi bệ chắn cửa ở đình Phương Cáp khá cao, đồng chí Tố Hữu và Hoàng Anh phải dìu, đỡ Bác bước qua bệ cửa. Bác vào chào hỏi mọi người xong, quan sát một lượt thấy có ít phụ nữ, bà Mùi cùng các nữ xã viên khác lại e dè ngồi tít phía sau, Bác nói, "Các cô phụ nữ ngồi hàng ghế trên cho dễ nghe".

Bác Hồ về thăm, nói chuyện với các xã viên và cán bộ hợp tác xã tại Đình Phương Cáp (xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình) (Ảnh: Tư liệu)

Rồi Bác ân cần hỏi:

- Các cô ở nhà có bị chồng đánh không?

- Không ạ - một nữ xã viên rụt rè thưa.

- Bác cười - Ở đây các cô nói không nhưng ở nhà thì có đấy. Bác đọc báo được biết, ở Thái Bình ta có đôi vợ chồng đóng cửa kín, đánh nhau trong nhà.

"Sau đó khi kết thúc câu chuyện, Bác bảo, đây, Bác giao cho các cô cây gậy này. Nếu cô nào bị chồng đánh, thì cô cứ cầm cây gậy này đánh cho Bác. Nghe Bác trêu vậy, mọi người có mặt trong Đình đều cười", bà Tý nhớ lại.

Đang mải nghe Bác kể, mọi người mới tá hỏa là đã quên mang các hạt thóc giống trên "Cánh đồng 5 tấn" chuẩn bị từ trước ở hội trường HTX Tân Phong từ chiều qua để dâng Bác. Sau đó, để chữa cháy, lãnh đạo xã đã cắt cử người về lấy dâng Bác và người có vinh dự được mang vào Đình dâng tới tay Bác là nữ dân quân tự vệ Trần Thị Lân khi đó đang đứng gác ở ngoài.

"Tôi đội chiếc mâm nhôm, trên có 4 lọ thủy tinh đựng 4 loại thóc giống Mộc tuyền, Nếp quýt, Di hương, Dâu rừng; một dây khoai lang và một chùm dừa – tượng trưng cho sự đoàn kết và lòng của người dân Tân Phong – quyết tâm sản xuất nhiều lương thực hơn nữa để chi viện cho tiền tuyến miền Nam, góp phần giải phóng miền Nam để thực hiện ước mong của Bác được một lần về thăm miền Nam ruột thịt", bà Lân (78 tuổi) nhớ lại.

Bà Trần Thị Lân dâng lên Bác Hồ những sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã Tân Phong (giống thóc, khoai lang và dừa) (Ảnh: Tư liệu)

Hai tay bác đỡ món quà ân tình của Tân Phong, rồi bác nói nhỏ với bà Lân, "Cô về lấy cho tôi xin 1kg thóc Nếp quýt". Sau đó, Bác có căn dặn mọi người không nên chủ quan tự mãn với những thắng lợi bước đầu, mà cần phải cố gắng hơn nữa. Đặc biệt, "Hợp tác xã Tân Phong làm tốt thì Bác nói nhiều rồi, nhưng Bác có nhấn mạnh vài điểm sau: Thứ nhất, về thời gian họp hành, Tân Phong nên họp ngắn gọn để dành thời gian đấy tham gia với bà con xã viên; Thứ hai, về chi phí thì cũng nên chi phí ngắn gọn đi để tiết kiệm tiền bạc cho nhân dân", Bác căn dặn.

Thực hiện những lời dạy của Bác từ buổi đấy, suốt hơn 53 năm qua trong các cương vị công tác của mình, bà Tý luôn thực hành tiết kiệm và luôn đi đúng giờ. Đến nay, khi đã về hưu với gần 60 năm tuổi Đảng, bà vẫn tham gia đại biểu đại hội xã. Noi theo gương của mẹ và bà, con của bà Tý đều công ăn việc làm ổn định và hiện là đảng viên, 2 cháu trong gia đình đã học qua và đang học đại học.

"Bác là một tấm gương đạo đức, chí công vô tư, suốt đời vì nước vì dân. Tôi, tuy không làm được như Bác nhưng cả cuộc đời mình tôi đã cố gắng làm tốt từng việc nhỏ, ngay thẳng, thật thà, không để bản thân bị khiển trách, phê bình. Và điều quan trọng hơn, học Bác, khi làm việc công tôi luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, và hạnh phúc của tập thể lên trên hạnh phúc của cá nhân tôi".

Bà Phạm Thị Tý, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng

9 nữ xã viên cùng các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng và các con cháu đến thăm Lăng Bác vào ngày 1/1/2017, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Tân Phong (Ảnh: UBND xã Việt Hùng cung cấp)

Ngoài bà Tý, 8 nữ xã viên còn lại đều vượt khó vươn lên, tự tin, trưởng thành và có nhiều đóng góp tích cực cho phòng trào của xã, của huyện. Trong đó, tiêu biểu như bà Trần Thị Tuyến, nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vũ Thư; bà Nguyễn Thị Trình nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng; bà Nguyễn Thị Thơm nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; bà Phạm Thị Mùi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng; bà Nguyễn Thị Tỉnh nguyên là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Việt Hùng…

"Cánh đồng 5 tấn" trực thuộc Hợp tác xã Việt Hùng vào năm 1967 có diện tích khoảng 300 mẫu. Đến nay, diện tích cánh đồng này đã được mở rộng lên 500 mẫu với khoảng 1.500 hộ canh tác. Năng suất hiện tại của "Cánh đồng 5 tấn" hiện nay đạt 12,6 tấn/ha.

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cac-nu-xa-vien-noi-canh-dong-5-tan-dau-tien-cua-toan-mien-bac-xuc-dong-ke-chuyen-gap-bac-ho-20200517022615181.htm