Các 'nữ tướng' Việt chia sẻ thành công trong kinh doanh

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Tổng Giám đốc Vietjet, Hồ Ngọc Yến Phương; CEO Deloitte châu Á, Cindy Hook; Chủ tịch tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga,… đã có phiên tọa đàm về Nữ doanh nhân, chia sẻ câu chuyện về doanh nghiệp, về khát vọng Việt.

Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019

Ngày 2 và 3-5, diễn đàn lớn nhất trong năm dành cho khu vực kinh tế tư nhân đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Diễn đàn kinh tế tư nhân với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” do Ban Kinh tế T.Ư và Văn phòng Chính phủ đồng chủ trì.

Với những đóng góp ngày càng tăng của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế, diễn đàn năm nay là cơ hội cho hơn 2.500 đại biểu là các doanh nhân, đại diện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước “hiến kế” trực tiếp cùng người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương.

Trong khuôn khổ diễn đàn, phiên tọa đàm của các nữ doanh nhân và khát vọng “Việt Nam thịnh vượng” đặc biệt thu hút sự quan tâm khi quy tụ những diễn giả nữ xuất sắc trong khu vực kinh tế tư nhân cả trong và ngoài nước, những người đang đảm nhận những vị trí lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, đứng đầu là Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ, tọa đàm đã mang đến cho bà một cảm xúc đặc biệt khi gắn kết giữa vai trò của những nữ doanh nhân với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Ở nước ta, phụ nữ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động và có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. “Ngày nay, chị em có nhiều điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, đóng góp vào kinh tế chung kinh tế thế giới. Việt Nam có nữ tỷ phú tự thân được thế giới vinh danh như chị Nguyễn Thị Phương Thảo, các lãnh đạo tài ba như chị Mai Kiều Liên (Vinamilk), chị Thái Hương (TH True Milk),...”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước gợi ý và đề nghị cần phải được xây dựng cả về số lượng và chất lượng, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao năng suất lao động, không để thua ngay trên sân nhà, phấn đấu có nhiều dịch vụ tốt, mang giá trị toàn cầu. Các nữ doanh nhân cần nâng cao hiểu biết và nhận thức quốc tế, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh. Bản thân doanh nhân nữ cần nâng cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, quan hệ lao động hài hòa, làm cho đời sống không ngừng nâng cao, tham gia an sinh xã hội giúp đỡ đồng bào khó khăn.

Những “nữ tướng” trên thương trường cũng chia sẻ những câu chuyện thành công của doanh nghiệp mà mình đang góp phần lãnh đạo, xây dựng và phát triển. Những người phụ nữ Việt Nam cũng mang theo cả ước mơ, khát vọng, sự mềm mại và tình cảm của mình để dẫn dắt hàng nghìn nhân viên, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ghi dấu doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Nhắc tới các nữ doanh nhân Việt, chắc chắn không thể không nhắc tới nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Vietjet Air. Tại diễn đàn kinh tế tư nhân lần này, bà Hồ Ngọc Yến Phương đã chia sẻ câu chuyện về ước mơ của người nữ lãnh đạo Vietjet đã đưa hàng không Việt Nam cất cánh, trở thành hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, giá trị vốn hóa thứ hai ở Đông-Nam Á, sau Singapore Airlines.

Vietjet là doanh nghiệp mang dấu ấn mạnh mẽ của các nữ doanh nhân với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo cùng những gương mặt lãnh đạo nữ,… Hơn thế nữa, Vietjet còn tự hào có hơn 34% nhân viên là nữ, những nữ phi công, nữ tiếp viên, nữ kỹ sư,… của Vietjet tới từ các quốc gia trên khắp thế giới.

Câu chuyện thành công của Vietjet cũng là minh chứng cho việc dám nghĩ, dám làm, biến những điều không thể thành có thể, biến ước mơ chinh phục bầu trời trở thành hiện thực. Trước khi có Vietjet, máy bay là một phương tiện di chuyển đắt đỏ và là niềm mơ ước của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Kể từ chuyến bay đầu tiên ngày 24-12-2011, Vietjet đã nhanh chóng lớn mạnh và hiện thực hóa ước mơ bay cho hàng chục triệu khách hàng không chỉ tại Việt Nam mà còn tại các quốc gia mà hãng có đường bay tới.

Sở hữu đội tàu bay mới hàng đầu thế giới, bình quân chỉ 2,82 năm, đến hết năm 2018, Vietjet đã khai thác 105 đường bay với 66 đường bay quốc tế với hệ số sử dụng ghế lên tới 88,06%, độ tin cậy kỹ thuật cao nhất châu Á - Thái Bình Dương với 99,64%. Vietjet cũng đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, cổ phiếu VJC nhanh chóng lọt vào top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường hơn 3 tỷ USD.

Hàng không là một ngành đặc thù, một lĩnh vực kinh doanh mà đòi hỏi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt chung cho toàn thế giới. Những gì Vietjet đã và đang làm được đã chứng minh khả năng của doanh nhân Việt, sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam với thế giới. Những thành công của Vietjet được ghi nhận bằng rất nhiều những giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như Huân chương Lao động, xếp hạng 22 trong Top 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới về các chỉ số tài chính của AirFinance Journal, Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam và top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018 của tạp chí Forbes, Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, Giải thưởng Đồng phục Tiếp viên đẹp nhất châu Á…

Phó Tổng Giám đốc Vietjet, Hồ Ngọc Yến Phương chia sẻ: “Đằng sau câu chuyện của Vietjet là những người lãnh đạo Vietjet đầy nghị lực và kiên trì bám đuổi mục tiêu đề ra, bằng một tình yêu nghề và sự tự hào được mang lại những cơ hội bay đến cho hàng triệu người.”

Tại các điểm đến quốc tế, Vietjet trở thành sứ giả mang văn hóa Việt Nam giới thiệu với thế giới và cũng mang thế giới tới gần hơn với Việt Nam. Vietjet đã trở thành hãng hàng không có nhiều đường bay nhất tới Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… nổi bật tại Thái-lan, Trung Quốc, Dubai (UAE), Qatar... Chỉ tính riêng năm 2018, Vietjet đã chuyên chở hơn 23 triệu lượt khách, thực hiện 118.923 chuyến bay. Những đơn đặt hàng lớn với các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới cũng góp phần tăng kim ngạch thương mại, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ hàng không, kinh tế toàn cầu.

“Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên. Chúng tôi kỳ vọng Vietjet không chỉ là một hãng hàng không mà hơn thế nữa là một tập đoàn đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng”, nữ lãnh đạo Vietjet khẳng định và cho biết, hãng sẽ tiếp tục chinh phục những bầu trời mới, lan tỏa những ước mơ, niềm tin vào tương lai của đất nước, con người Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam nói chung, hàng không Việt Nam nói riêng được đánh giá đầy tiềm năng, nhưng để biến những tiềm năng đó thành hiện thực thì cần phải có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tư nhân dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, dám biến những ước mơ của mình thành hiện thực.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bancanbiet/thong-tin-doanh-nghiep/item/40049102-cac-%E2%80%9Cnu-tuong%E2%80%9D-viet-chia-se-thanh-cong-trong-kinh-doanh.html