Các nội dung chính của hội nghị thượng đỉnh 'chưa từng có' Mỹ-Triều

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ bàn về nhiều vấn đề gai góc và nhạy cảm.

Reuters ngày 22/4 đưa tin, các quan chức Mỹ vẫn đang tích cực chuẩn bị cho một hội nghị Thượng đỉnh “chưa từng có” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong đó bao gồm cả nội dung cơ bản nhất vốn được dư luận đặc biệt quan tâm là cuộc gặp sẽ diễn ra ở đâu, khi nào…

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đánh dấu cuộc gặp lần đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với lãnh đạo của Triều Tiên. Ông Trump nói rằng, cuộc gặp với ông Kim Jong-un có thể diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 nhưng cảnh báo khả năng hủy cuộc gặp này nếu ông nghĩ rằng nó không thể mang lại kết quả mong muốn.

Triển vọng về cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên được thúc đẩy thêm, khi ông Kim Jong-un ngày 21/4 tuyên bố dừng việc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa và theo đuổi tăng trưởng kinh tế hòa bình. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết, ông Kim đã nói rằng ông sẵn sàng thảo luận về phi hạt nhân hóa nhưng trong tuyên bố hôm 21/4, nhà lãnh đạo này không hề đề cập khả năng từ bỏ những vũ khí hạt nhân hiện có.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã hoan nghênh tuyên bố của ông Kim Jong-un nhưng một số người vẫn tỏ ra hoài nghi về ý định thực sự của Triều Tiên. Bản thân ông Trump ngày 22/4 cũng thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng liên quan đến tham vọng của Bình Nhưỡng phát triển các tên lửa hạt nhân có tầm bắn đến lục địa Mỹ vẫn còn là một chặng đường dài cần phải giải quyết.

“Có thể mọi thứ sẽ diễn ra và cũng có thể là không – chỉ có thời gian mới cho thấy được câu trả lời”, ông Trump viết trên Twitter cá nhân.

Chính quyền Tổng thống Trump cho biết, họ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” và đã đưa ra một vài chi tiết về chiến lược mà họ sẽ đề cập trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Dưới thời ông Trump, Washington đã thề sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ đàm phán không thành công với Bình Nhưỡng, tất cả đã giúp phác họa một quá trình thương thảo có thể kéo dài trong nhiều năm.

Phi hạt nhân hóa

Việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân là mục tiêu của tất cả các cuộc đàm phán của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên kể từ đầu những năm 1990. Mặc dù vậy, năm ngoái, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công loại vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo, người đã được Tổng thống Trump lựa chọn làm Ngoại trưởng cho biết, ông lạc quan tin rằng cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim có thể mở đường cho một kết quả ngoại giao tích cực, tuy nhiên, sẽ không ai ảo tưởng rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện tại cuộc gặp.

Ông Pompeo – vị quan chức Mỹ đầu tiên diện kiến Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un, cho rằng lợi ích của Mỹ sẽ được nêu ra trước tiên và rằng mục tiêu sẽ là “một thỏa thuận… sao cho lãnh đạo Triều Tiên tránh xa những nỗ lực hòng đặt Mỹ vào nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân”.

Điều này làm tăng thêm lo ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc rằng ông Trump có thể nhanh chóng tìm kiếm một thỏa thuận liên quan đến vấn đề tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà quên đi mối đe dọa từ các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên đối với đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Mặc dù còn nhiều thận trọng nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh Triều Tiên cần thêm một số thử nghiệm để chứng minh năng lực ICBM thì tuyên bố “đóng băng” hoạt động này được Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra thực sự rất có ý nghĩa.

Trên thực tế, người ta có cơ sở để tin vào những gì ông Kim nói bởi sau vụ thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất hồi tháng 9/2017 và vụ phóng tên lửa vào cuối tháng 11/2017 đến nay, Triều Tiên không có thêm bất kỳ động thái nào. Tất cả đã giúp tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.

Xác minh tuân thủ và bồi thường cấm vận

Triều Tiên đang tìm kiếm các nguồn viện trợ sau khi nền kinh tế bị “tổn thương” nghiêm trọng vì các lệnh trừng phạt của quốc tế. Trong quá khứ, Triều Tiên từng đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí để đổi lấy viện trợ, nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân thay thế và được đảm bảo an ninh, bao gồm cam kết của Mỹ không tấn công.

Trước đây, Triều Tiên cũng đã đồng ý với các thỏa thuận để trở lại hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác minh việc tuân thủ. Hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân chính của Triều Tiên Yongbyon sẽ là một trong những nội dung của các vòng đàm phán trong tương lai và Washington sẽ muốn có bằng chứng về việc ngừng hoạt động của bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Ông Pompeo cũng cảnh báo Triều Tiên không nên quá kỳ vọng nhận được “phần thưởng” cho đến khi Bình Nhưỡng có những bước đi không thể đảo ngược. Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Triều Tiên sẽ đồng ý hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình hay không, Pompeo cho biết, những phân tích lịch sử là “không mấy lạc quan”, nhưng ông lập luận rằng trong những lần trước, các biện pháp trừng phạt đã được nới lỏng quá vội vàng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (22/4) cho rằng Triều Tiên sẽ phải từ bỏ đáng kể chương trình hạt nhân trước khi Mỹ nhượng bộ.

“Chúng tôi đang muốn chứng kiến trước tiên là việc Triều Tiên phải từ bỏ đáng kể chương trình hạt nhân của họ, và trước khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa thì chiến dịch gây áp lực tối đa toàn cầu sẽ tiếp tục”, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói với Reuters.

Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng, ba đợt gia tăng cấm vận của Liên Hợp Quốc trong năm ngoái đã làm giảm đáng kể nguồn thu từ xuất nhập khẩu của Triều Tiên. Mặc dù vậy, việc Triều Tiên có sẵn sàng đàm phán nghiêm túc hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc nới lỏng áp lực kinh tế mà thế giới gây ra cho nước này, tất cả đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan bao gồm cả Trung Quốc và Nga.

Những người Mỹ bị bắt giữ ở Triều Tiên

Nhà Trắng cho biết, ba người Mỹ gốc Hàn bị bắt giữ ở Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề được hai bên bàn thảo trước hội nghị Thượng đỉnh sắp tới.

Tuần trước, ông Trump nói rằng Washington đang đàm phán về việc phóng thích những người đàn ông bị bắt giữ và đã có “một cơ hội tốt để làm điều đó”. Tuy vậy, ông Trump không đưa ra câu trả lời khi được hỏi liệu đây có phải là một điều kiện tiên quyết để tổ chức cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không.

Hiệp ước hòa bình

Triều Tiên từ lâu đã tìm cách thay thế Hiệp định đình chiến của cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953 bằng một hiệp ước hòa bình. Hai miền Triều Tiên đã trở lại đàm phán về vấn đề này nhưng phía Hàn Quốc chỉ muốn tiệm cận “hiệp ước hòa bình” bằng cách giải thích hiệp ước này với một khái niệm khác như “chế độ hòa bình” hoặc “thỏa thuận kết thúc hành vi thù địch”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng, ông “chúc phúc” cho nỗ lực này của hai miền Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân./.

Hùng Cường/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/cac-noi-dung-chinh-cua-hoi-nghi-thuong-dinh-chua-tung-co-mytrieu-754533.vov