Các nhóm vũ trang Myanmar cam kết đàm phán hòa bình với chính phủ

7 nhóm vũ trang của lực lượng Liên minh miền Bắc ở Myanmar đã cam kết duy trì các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ nước này,

Binh sỹ lực lượng TNLA. (Nguồn: AFP)

Binh sỹ lực lượng TNLA. (Nguồn: AFP)

Truyền thông Myanmar ngày 15/7 đưa tin 7 nhóm vũ trang của lực lượng Liên minh miền Bắc đã cam kết duy trì các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ nước này, khẳng định sẽ tiến hành thảo luận về các thông điệp của nhà chức trách tại Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 lần thứ 3 đang diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Taw.

Hội nghị đã khai mạc ngày 11/7 vừa qua và các nhóm vũ trang trên đã tham dự cho đến ngày 14/7. Liên minh miền Bắc gồm 7 nhóm vũ trang chưa ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) vào năm 2015 là tổ chức Độc lập Kachin (KIO), Quân đội Quốc gia liên minh Wa (UWSA), đảng Cấp tiến Nhà nước (SSPP), Quân đội Liên minh Dân chủ quốc gia (NDAA), Quân đội Liên minh dân chủ dân tộc Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng quốc gia Ta,ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA).

Phó Chủ tịch KIO Gun Maw đã cam kết rằng các nhóm vũ trang sẽ nỗ lực quay lại tiến trình hòa bình. Bên lề hội nghị, đại diện các nhóm vũ trang đã gặp riêng rẽ với Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Tin Myo Win, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing.

Đại diện UWSA nhận định cuộc gặp chính thức với các chức lãnh đạo Myanmar đã tượng trưng cho bước đi quan trọng hướng tới tiến trình hòa bình.

U Zaw Htay, Tổng giám đốc Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar kiêm Thư ký Ủy ban hỗn hợp về đối thoại hòa bình liên bang (UPDJC), nêu rõ chính phủ sẽ giải quyết với AA, MNDAA và TNLA dưới hình thức khác các cuộc thảo luận với KIO, UWSA, NDAA và SSPP.

Sau khi NCA được khởi xướng năm 2015, Chính phủ Myanmar đương nhiệm đã 2 lần tổ chức Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 vào tháng 8/2016 và tháng 5/2017. Tại Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 lần thứ 2, Chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang sắc tộc đã tập hợp tổng cộng 37 nguyên tắc đã được thông qua thành một hiệp ước liên bang trong tiến trình hòa bình của đất nước.

Hội nghị Panglong lần thứ 3 đang tập trung vào các điểm còn lại liên quan đến lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, đất đai và môi trường tự nhiên do UPDJC đề xuất nhằm bổ sung vào thỏa thuận hòa bình NCA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-nhom-vu-trang-myanmar-cam-ket-dam-phan-hoa-binh-voi-chinh-phu/513664.vnp