Các nhà xuất bản làm gì khi trẻ em thích video hơn con chữ?

Thị trường sách dành cho trẻ em hiện nay phải chịu những thử thách bởi những thay đổi nhanh chóng và sự phát triển của các kênh truyền thông, giải trí như Youtube hay Netflix...

Chương trình học tập và làm việc tại Hàn Quốc được tổ chức thường niên vào tháng 9 mang tên Asian Publisher Fellowship Program in Seoul. Chương trình kéo dài 4 ngày từ 17-20/9.

Chương trình này được tổ chức bởi Mạng lưới Xuất bản Hàn Quốc (Kopus). Năm nay, tôi đại diện cho Việt Nam để tham gia chương trình đồng thời có hai buổi thuyết trình tại đây, thuyết trình bàn tròn giữa các đại diện của 10 quốc gia và thuyết trình tại hội thảo mở dành cho gần 100 chuyên gia xuất bản Hàn Quốc.

Được thành lập từ 1998, hiện nay Kopus có 465 thành viên là các nhà xuất bản. Kopus được xem như một hiệp hội quan trọng của ngành xuất bản Hàn Quốc thông qua việc đưa ra những chính sách trong việc thiết lập hệ sinh thái văn hóa xã hội cho ngành xuất bản, xây dựng hệ thống phát hành sách tin cậy tại Hàn Quốc, nuôi dưỡng những tài năng mới và thúc đẩy việc trao đổi quốc tế trong cộng đồng xuất bản châu Á.

Là một trong những hoạt động trao đổi quốc tế, hàng năm Kopus tổ chức “Chương trình học tập giao lưu giữa các nhà xuất bản khu vực châu Á tại Seoul” (Asian Publisher Fellowship Program in Seoul - APS), được bảo trợ bởi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn quốc. Chương trình này được diễn ra từ năm 2010, ban tổ chức mời các đại diện đến từ các đơn vị xuất bản uy tín với mục đích khuyến khích trao đổi xuất bản giữa các quốc gia trong khu vực châu Á.

Chủ tịch Kopus và các thành viên tham gia APS 2019 trong 4 ngày từ 17 đến 20/9.

Chủ tịch Kopus và các thành viên tham gia APS 2019 trong 4 ngày từ 17 đến 20/9.

Cho đến nay, sau 9 năm hoạt động, đã có 115 chuyên gia xuất bản đến từ 14 quốc gia châu Á tham gia, chương trình đã trở thành một điểm đến kết nối đặc biệt trong cộng đồng xuất bản châu Á.

Làm gì khi thị trường sách trẻ em đang chịu thử thách?

Chủ đề của chương trình APS năm 2019 là “Sách dành cho trẻ em và tương lai của việc đọc trong Kỷ nguyên số”. Thị trường sách dành cho trẻ em hiện nay phải chịu những thử thách bởi những thay đổi nhanh chóng và sự phát triển của các kênh truyền thông, giải trí như Youtube hay Netflix...

Trẻ em ngày nay được sinh ra trong thời kỳ thiết bị số nên quen thuộc với video hơn là hình ảnh và con chữ. Để đối mặt với tình trạng này, các chuyên gia xuất bản đang thực hiện nhiều phương thức phong phú đa dạng và cố gắng thu hút sự quan tâm của trẻ em với sách. Mục đích của chương trình APS 2019 là chuyên gia xuất bản ở các nước trong khu vực cùng chia sẻ kinh nghiệm của họ để thu hút độc giả đến với sách, chia sẻ những phương thức truyền thông mới nhất và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chương trình cũng đưa ra những thảo luận về tương lai việc đọc của trẻ em và thành quả của các chiến dịch đọc sách dành cho trẻ em mà các quốc gia tại châu Á đang thực hiện.

Một góc Thành phố sách Paju của Hàn Quốc.

Những phương thức xuất bản và thúc đẩy văn hóa đọc của các nước bạn chia sẻ trong 4 ngày sẽ là kinh nghiệm, nguồn tham khảo hữu ích với chúng ta. Indonesia có quốc sách bắt buộc các lớp học phải đọc sách 15 phút mỗi ngày trước khi vào học chính thức. Hàn Quốc có chương trình quốc gia “133”, tức mỗi cha mẹ, mỗi tuần phải dành 3 ngày đọc sách với con mà mỗi ngày đọc 30 phút. Từ năm 2018, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chương trình “Đọc 1 cuốn sách trong 1 học kỳ” được giáo viên và phụ huynh Hàn hưởng ứng nhiệt thành. Nhật bản có chương trình “Viết sách cho người trẻ” hay “Những cuốn sách do trẻ em lựa chọn”, chính phủ Hong Kong có chiến dịch khuyến đọc mang tên “Khám phá và chia sẻ thói quen đọc sách”.

Hai bài thuyết trình của tôi tại APS 2019 lấy chủ đề là “Trẻ em viết cho trẻ em” và “Trẻ em là độc giả trong vòng tay của cha mẹ”. Giờ là lúc chúng ta cần thực sự lắng nghe những mong ước của trẻ, để các em viết lên những tâm tư và ước mơ của mình, có lẽ chỉ có các em mới hiểu rõ độc giả ở lứa tuổi của mình sẽ cần gì.

Giờ là lúc chúng ta cần khuyến khích và hỗ trợ trẻ bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc chân thực của mình bằng ngôn ngữ của trẻ, giúp người lớn hiểu được thế giới của trẻ thông qua những bài viết trong sáng. Cha mẹ cần nhận thức rõ ràng rằng món quà lớn nhất mà cha mẹ dành cho con trẻ chính là thời gian bên chúng, nếu một đứa trẻ được ngồi trong vòng tay của cha mẹ hàng ngày, được đọc sách cùng cha mẹ, lớn lên chắc chắn chúng sẽ trở thành những người sâu sắc, tài năng, chắc chắn sẽ là độc giả trí tuệ.

Xuất bản châu Á phát triển vượt bậc trong thập kỷ qua

Khi so sánh những thông tin về dân số và doanh thu ngành xuất bản của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, ta thấy rõ sự khác biệt lớn về quy mô xuất bản giữa các quốc gia: Dân số của Việt nam gấp khoảng 3 lần so với Đài Loan nhưng doanh thu từ ngành xuất bản của Đài Loan lại gấp 1,5 lần so với Việt Nam. Dân số của Việt nam cao gấp đôi so với Hàn Quốc nhưng doanh thu từ ngành xuất bản của Hàn Quốc cao gấp 12 lần so với Việt Nam. Dân số của Nhật Bản cao hơn Việt Nam 1,25 lần nhưng doanh thu từ ngành xuất bản của Nhật Bản cao gấp 36 lần so với Việt Nam.

Dân số của các nước châu Á hiện chiếm khoảng 50% dân số thế giới bởi vậy gần chục năm trở lại đây ngành xuất bản châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, đã có những bước phát triển vượt bậc với cách đi riêng, tham vọng vươn lên chiếm vị trí đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Bà Trần Phương Thảo - Phó TGĐ Thái Hà Books trình bày tại APS.

Doanh thu ngành xuất bản của thế giới và các nước châu Á nói chung đều đang chịu sự ảnh hưởng của công nghệ và truyền hình, tuy nhiên ngành xuất bản ở Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng đều qua các năm. Điều này chứng tỏ chúng ta vẫn chưa chạm ngưỡng, thị trường xuất bản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển và các nước trong khu vực quan tâm tới chúng ta. Đó có lẽ cũng là lý do mà ba năm trở lại đây có rất nhiều đoàn các nhà xuất bản từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc vào Việt Nam và tổ chức Mini Book Fair chuyên về giao dịch bản quyền tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ngành xuất bản phát triển đồng nghĩa với việc dân trí phát triển, dân trí phát triển cũng đồng nghĩa với việc đất nước phát triển, thương hiệu quốc gia sẽ ngày càng được quan tâm hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi mơ ước tới một ngày, chúng tôi, những người làm xuất bản tại Việt Nam, sẽ cùng nhau đồng hành xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra thế giới, trong một tâm thế tự hào.

Trần Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cac-nha-xuat-ban-lam-gi-khi-tre-em-thich-video-hon-con-chu-post994284.html