Các nhà sản xuất lo ngại về những bất ổn thương mại trên thế giới

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 8 nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, mức độ lạc quan lại giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát cho thấy những lo ngại của các nhà sản xuất đối với những bất ổn thương mại trên thế giới.

VND giảm giá so với USD đã góp phần làm tăng giá cả đầu vào của các doanh nghiệp. Ảnh: N.Hiền

Theo kết quả Nikkei công bố ngày 4/9, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam – một chỉ số tổng hợp về kết quả hoạt động của ngành sản xuất – đạt 53,7 điểm trong tháng 8, cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ. Tuy nhiên, kết quả mới nhất đã giảm từ mức 54,9 điểm của tháng 7 và đã phản ánh mức cải thiện yếu nhất về các điều kiện hoạt động trong 4 tháng.

Các công ty sản xuất Việt Nam tiếp tục có số lượng đơn đặt hàng mới tăng kỷ lục trong tháng 8, qua đó giúp sản lượng ngành sản xuất tiếp tục tăng. Các báo cáo cho thấy nhu cầu khách hàng đang cải thiện. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong tháng, nhưng mức độ tăng yếu hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.

Hoạt động mua hàng vẫn tiếp tục tăng trong tháng 8 khi các công ty đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn và lập kế hoạch cho tăng trưởng sản lượng trong tương lai. Giá cả đầu vào cũng tiếp tục tăng mạnh, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ở những nơi có chi phí đầu vào tăng, nguyên nhân được cho là do giá nguyên vật liệu tăng và đồng Việt Nam giảm giá so với đồng USD.

Chi phí đầu vào tăng đã góp phần làm tăng giá cả đầu ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá đã chậm lại thành mức thấp của thời kỳ ba tháng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh.

Mặc dù tình hình chung vẫn tích cực, song mức độ lạc quan của các nhà sản xuất Việt Nam giảm mạnh trong tháng 8, xuống mức thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2012. Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, cho rằng, việc mức độ lạc quan trong kinh doanh sụt giảm đã cho thấy những quan ngại về dòng chảy thương mại quốc tế có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam trong những tháng tới.

Trên bình diện khu vực, Chỉ số PMI ASEAN của Nikkei đã tăng từ 50,4 điểm trong tháng 7 lên 51,0 điểm trong tháng 8, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất được cải thiện nhẹ.

Dữ liệu tháng 8 cho thấy cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng nhanh hơn và đồng thời việc làm và mức độ lạc quan trong kinh doanh tiếp tục tăng. Tuy nhiên, việc sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn đã không làm hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng mạnh hơn. Ngược lại, hoạt động mua hàng chỉ tăng nhẹ khi các công ty đã dùng hàng tồn kho hiện có để đáp ứng nhu cầu, và điều này phản ánh một thái độ thận trọng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ASEAN tiếp tục chật vật với gánh nặng chi phí, đặc biệt là các quốc gia có tỷ giá yếu so với đồng USD, chẳng hạn như Myanmar, Indonesia và Philippines.

Chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp, thuộc 8 ngành chính: Kim loại cơ bản, hóa chất và nhựa, điện tử và quang học, thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tạo, dệt may, gỗ và giấy, vận tải.

Chỉ số PMI ASEAN được IHS Markit tổng hợp dựa trên dữ liệu khảo sát thu thập từ một nhóm đại diện gồm khoảng 2.100 công ty sản xuất. Dữ liệu quốc gia được thu thập cho Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái lan và Việt Nam. Tổng hợp lại, những quốc gia này chiếm tới khoảng 98% hoạt động sản xuất của ASEAN.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cac-nha-san-xuat-lo-ngai-ve-nhung-bat-on-thuong-mai-tren-the-gioi.aspx