Các nhà máy TP.HCM tìm mọi cách duy trì sản xuất

Các nhà máy tại TP.HCM tăng cường những biện pháp phòng chống dịch, đồng thời lên phương án dự phòng nhân sự và chuẩn bị chỗ ở cho công nhân ngay tại cơ sở.

Đã vài ngày nay, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, phải ở nhà một mình và làm việc, họp hành online. Ông cho biết cảm giác bí bách là không tránh khỏi, nhưng ông cùng đồng nghiệp tại công ty đều ưu tiên làm việc tại nhà nếu có thể.

Toàn bộ khu vực bên trong và ngoài văn phòng, nhà máy sau khi được khử khuẩn, phun tiệt trùng cũng tạm thời không tiếp khách để giảm khả năng lây nhiễm.

Trong đợt dịch lần 4 với diễn biến phức tạp ở các khu công nghiệp và địa phương đầu tàu như TP.HCM, Chính phủ càng đề cao việc thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo không làm đứt gãy nền kinh tế để có thể sẵn sàng đón đầu xu hướng phục hồi sau đại dịch.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc đòi hỏi lượng nhân công lớn, ông Phạm Quang Anh cho biết ông hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở làm việc và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Các nhà máy kích hoạt hàng loạt biện pháp nhằm không để dịch lây lan tại các cơ sở. Ảnh: Việt Linh.

Các nhà máy kích hoạt hàng loạt biện pháp nhằm không để dịch lây lan tại các cơ sở. Ảnh: Việt Linh.

Chủ động tìm kế sách

"Mỗi đầu việc đều được phổ biến cho ít nhất 2 nhân sự. Do đó khi quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 bị phong tỏa, lao động không thể đi làm thì hoạt động của chúng tôi vẫn được duy trì. Những nhân sự có vai trò quan trọng, khó thay thế như tổ trưởng, kỹ thuật... thì đến ở tại công ty trước khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội", ông chia sẻ.

Nhờ những phương án dự phòng được áp dụng từ trước, hiện Dony chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Thậm chí, ông Phạm Quang Anh cho biết giai đoạn này vẫn có khách hàng liên hệ cho đơn hàng mới. Riêng các đơn hàng khẩu trang in logo doanh nghiệp để làm quà tặng và đồng phục nội địa còn tăng đột biến, gấp 3-4 lần vài tháng trước.

"Chúng tôi xác định dịch có thể tái bùng phát nhiều lần và kéo dài chứ không phải ngắn hạn nên không thể ngồi yên chờ chết, phải tích cực tìm giải pháp để mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để đạt mục tiêu", Giám đốc Dony nhấn mạnh.

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thừa nhận chỉ cần một sự cố gây gián đoạn sản xuất cũng có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.

Không thể ngồi yên chờ chết, phải tích cực tìm giải pháp để mở rộng thị trường

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony

"Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công nên biên lợi nhuận rất thấp, chỉ cần gián đoạn sản xuất từ 2 tuần đến một tháng là lợi nhuận trong năm coi như mất", ông nói.

Tương tự dệt may, ngành gỗ cũng có số lượng lao động lớn. Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng mặc dù các doanh nghiệp trong HAWA đến thời điểm này chưa chịu ảnh hưởng lớn, nhưng chưa dám chắc nhà máy nào sẽ bị F0 "gõ cửa".

Do đó, các đơn vị đang nghiêm túc và tập trung phòng chống dịch bệnh tại nhà máy và công sở. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 trong nhà máy và lên kịch bản xử lý trong trường hợp có nhân viên là F0, F1... Thậm chí, có nơi còn chuẩn bị cả một ký túc xá riêng để các đối tượng F1 có thể cách ly ngay tại nhà máy.

Còn tại Sanofi Việt Nam, Giám đốc Khối Công nghệ Eric Auschitzky cho biết đã lập tức kích hoạt nhiều biện pháp từ khi dịch mới tái bùng phát vào dịp lễ 30/4-1/5. Bên cạnh việc triển khai rửa tay khử khuẩn ở nhiều điểm trong khuôn viên nhà máy, hãng dược cũng yêu cầu nhân viên khai báo y tế nội bộ để kiểm soát và lên phương án hoạt động phù hợp.

"Đối với nhân viên khối sản xuất, Sanofi bắt buộc giữ khoảng cách an toàn 2 m giữa các nhân viên, đồng thời trang bị các tấm chắn linh động giữa 2 nhân viên trong phân xưởng và đưa vào sử dụng khẩu trang N-95 để đảm bảo an toàn cho nhân viên trong quá trình sản xuất", ông Eric Auschitzky nói thêm.

Sẵn sàng ngân sách tiêm vaccine cho người lao động

Hiện doanh nghiệp phối hợp với Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM để thực hiện khai báo y tế mỗi ngày đối với nhân viên đến làm việc tại nhà máy. Các nhân viên sinh sống tại khu vực phong tỏa được cấp giấy xác nhận để đảm bảo thuận tiện trong khai báo với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, Sanofi vẫn khuyến khích và hỗ trợ hình thức làm việc tại nhà đối với nhân viên thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền và các bà mẹ có con nhỏ.

"Đến thời điểm hiện tại, dù có những tác động không mong muốn từ đợt bùng phát lần thứ 4 này nhưng với tinh thần luôn cảnh giác và triển khai kịp thời các hoạt động phòng chống dịch, chúng tôi vẫn đảm bảo tính liên tục trong việc sản xuất, vận hành và kinh doanh tại nhà máy và trung tâm phân phối", ông Eric Auschitzky khẳng định.

Đối với các doanh nghiệp, giải pháp triệt để nhất vẫn là đảm bảo toàn bộ người lao động đều được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19. Ông Phạm Quang Anh cho biết Dony có chủ trương sẵn sàng ngân sách để tiêm phòng cho toàn bộ công nhân viên ngay khi có vaccine.

Đại diện HAWA cho biết đang cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine tin cậy. Ảnh: Thạch Thảo.

Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, HAWA đang cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine tin cậy để đảm bảo sẵn sàng khi Chính phủ cho phép doanh nghiệp chủ động chương trình tiêm chủng cho nhân viên. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đang cùng tìm hiểu và huy động các hiệp hội khác tham gia.

Trong bối cảnh hiện nay, các hiệp hội như HAWA, VITAS cho biết chỉ có thể mang đến hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp thành viên ở khâu thông tin. Trong đó, họ kỳ vọng có thể đứng ra kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia để mua sỉ vaccine với mức giá tốt và trong thời gian sớm nhất có thể.

Chúng tôi đang kêu gọi và cổ vũ các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính để chi trả toàn bộ chi phí tiêm chủng cho người lao động

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA

"Chúng tôi đang kêu gọi và cổ vũ các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính để chi trả toàn bộ chi phí tiêm chủng cho người lao động, thậm chí cho cả người thân. Sau một ngày kêu gọi, đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp đăng ký chờ nguồn vaccine với tổng số lượng trên 30.000 người", ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.

Trao đổi với Zing, đại diện Sanofi cho biết đang sử dụng song song 2 công nghệ để phát triển 2 loại vaccine khác nhau, gồm vaccine sử dụng công nghệ bổ trợ protein tái tổ hợp, hợp tác cùng GSK, và vaccine sử dụng công nghệ mRNA, hợp tác với TranslateBio.

Dự kiến, các phê duyệt đầu tiên của vaccine sử dụng công nghệ bổ trợ protein tái tổ hợp sẽ được công bố vào quý IV/2021, trong khi chờ các kết quả tích cực của giai đoạn 3 và các đánh giá theo quy định.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu bởi dịch bệnh Covid-19 và sẽ làm việc với các bên liên quan để cung cấp sản phẩm đến các quốc gia. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào kết quả của các thử nghiệm lâm sàng và sự chấp thuận theo quy định cho các ứng viên vaccine", đại diện Sanofi khẳng định.

Tính đến chiều 1/6, Việt Nam có 36 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu vaccine Covid-19 và kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine. Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 có thể liên lạc với các công ty này.

Hiện Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vaccine Covid-19 qua nguồn COVAX, tuy nhiên lượng vaccine về chưa nhiều. Bộ cũng đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Trước đó, Astra Zeneca và Pfizer/BioNTech đã ký cam kết cung ứng lần lượt 30 triệu và 31 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng với những nguồn cung ứng này, Việt Nam đang dần hướng đến mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để gia tăng nguồn cung vaccine nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nha-may-tphcm-tim-moi-cach-duy-tri-san-xuat-post1222570.html