Các nhà mạng cùng lặng im trước Dự thảo sửa đổi Nghị định 25/2011

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011 (Dự thảo) của Bộ TTTT có nhiều quy định có thể khiến các nhà mạng 'thấp thỏm' vì có thể ảnh hưởng tới việc quản lý cũng như sụt giảm về doanh thu trong ngắn hạn.

Nhiều đề xuất thay đổi trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011 tác động trực tiếp tới các nhà mạng, trong đó có việc siết chặt hơn nữa hành vi bán SIM kích hoạt sẵn. Ảnh: PV

Cụ thể, trong Dự thảo quy định việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước bị coi là vi phạm pháp luật. Đồng thời không được phép nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM khi chưa hoàn thành nhập, lưu giữ đầy đủ, chính xác các thông tin thuê bao…

Có thể coi đây là một động thái thể hiện sự quyết tâm loại trừ vấn nạn sim rác, tin nhắn rác hiện vẫn đang rất bức xúc dù đã hạn chế nhiều so với trước. Trước đó, để mua một chiếc SIM tiện lợi, khách hàng không gặp phải bất kỳ khó khăn gì ngoài việc "móc tiền ra trả", lắp SIM và áp máy lên tai là có thể “alo” ngay lập tức. Việc mua SIM như vậy diễn ra công khai, nhanh chóng và dễ dàng như thể mua một món đồ ăn sẵn trong siêu thị.

Vì sao có hiện tượng như vậy? Đó là vì các đại lý SIM để thu hút khách nên đã chủ động dùng thông tin của người khác (hoặc một pháp nhân nào đó) đăng ký cho một loạt SIM có sẵn trước khi bán ra thị trường. Việc này các nhà mạng không thể không biết, song vì lý do nào đó mà “làm ngơ” hoặc không rốt ráo xử lý. Thực tế, nếu các đại lý bị tồn hàng, đọng vốn sẽ ảnh hưởng rất lớn tiêu thụ SIM và tác động trực tiếp tới doanh thu của các nhà mạng. Bởi vậy, không loại trừ khả năng các nhà mạng “nhắm mắt cho qua”.

Hồi cuối năm 2017, Bộ TTTT cũng đã yêu cầu các nhà mạng buộc phải cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn ở các kênh phân phối và xử lý nghiêm các đại lý của mình, tuy nhiên, như đã nói ở trên, tình trạng đó vẫn diễn ra tuy trong phạm vi hẹp hơn.

Nếu dự thảo thực sự đi vào cuộc sống, các nhà mạng chắc chắn bị ảnh hưởng mạnh, ít nhất là trong ngắn hạn doanh thu từ việc bán SIM sẽ bị sụt giảm. Đây hẳn là điều không nhà mạng nào mong muốn.

Ngoài quy định này tác động trực tiếp tới doanh thu của các nhà mạng, một quy định khác cũng có thể khiến nhà mạng bị ảnh hưởng. Đó là đề xuất bỏ quy định chụp ảnh chủ thuê bao.

Lẽ thông thường, bỏ được một thủ tục rườm rà, giúp cắt giảm nhân sự và lược bỏ được khối lượng công việc phải khiến các nhà mạng “thở phào”.

Song, như Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông - bà Lê Thị Ngọc Mơ từng phát biểu: “Chính các doanh nghiệp viễn thông di động đã có sáng kiến yêu cầu chụp ảnh chân dung chủ thuê bao để lưu lại, phục vụ khâu hậu kiểm. Việc chụp ảnh chân dung là nhằm tăng tính xác thực khi khó nhận biết chứng minh nhân dân do người đăng ký thuê bao mới hoặc người cần bổ sung thông tin mang đến có đúng là của người đăng ký thuê bao hay không?”. Bởi vậy, việc giảm thủ tục này có lẽ khiến các nhà mạng buồn nhiều hơn vui.

Nếu việc bỏ quy định chụp ảnh chân dung được chấp thuận, các nhà mạng sẽ phải tăng cường hình thức, trách nhiệm và bảo đảm thông tin người dùng với cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể “đổ gánh nặng sang khách hàng” như hiện nay.

Mặc dù có thể bị ảnh hưởng trước tất cả các quy định đang được dự thảo và lấy ý kiến, song toàn bộ các nhà mạng lớn nhỏ dù được hỏi đều từ chối bình luận hay chia sẻ bất kỳ một thông tin nào với công luận.

Đức Thành

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/cac-nha-mang-cung-lang-im-truoc-du-thao-sua-doi-nghi-dinh-252011-634052.ldo