Các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ đoàn kết với nước Pháp

Sau vụ tấn công bằng dao tại thành phố Nice của Pháp chiều 29-10 (giờ Việt Nam), khiến ba người thiệt mạng, lãnh đạo các nước trên thế giới đã bày tỏ sự chia sẻ và tình đoàn kết với nước Pháp.

Binh sĩ bảo vệ Nhà thờ Đức Bà tại Nice. (Ảnh: CNN)

Binh sĩ bảo vệ Nhà thờ Đức Bà tại Nice. (Ảnh: CNN)

Sau vụ tấn công bằng dao tại thành phố Nice của Pháp chiều 29-10 (giờ Việt Nam), khiến ba người thiệt mạng, lãnh đạo các nước trên thế giới đã bày tỏ sự chia sẻ và tình đoàn kết với nước Pháp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres lên án mạnh mẽ tội ác dã man này và gửi những lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Ông đồng thời tái khẳng định cam kết của LHQ đứng về phía người dân và Chính phủ Pháp.

Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Chúng tôi luôn bên người dân Pháp. Nước Mỹ ủng hộ đồng minh lâu đời nhất của mình trong cuộc chiến này". Ông nhấn mạnh cần chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công khủng bố của những phần tử Hồi giáo cực đoan và không một quốc gia nào có thể dung thứ các hành động tội ác.

Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Chúng tôi cực lực lên án vụ tấn công tại Nhà thờ Đức Bà ở Nice". Bộ này bày tỏ tình đoàn kết với Pháp và gửi lời chia buồn tới người thân của ba người bị sát hại.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng khẳng định "sự khiêu khích tồi tệ không thể mang lại hòa bình". Bộ Ngoại giao Ai Cập bày tỏ "ủng hộ Chính phủ và người dân Pháp trong cuộc chiến chống hành vi thù địch này". Tương tự, Bộ Ngoại giao Qatar lên án mạnh mẽ vụ tấn công và tái khẳng định nước này không chấp nhận bạo lực và khủng bố, đặc biệt tại các địa điểm tôn giáo.

Trong cuộc làm việc với Ngoại trưởng Italy, Tổng thống Israel Reuven Rivlin nêu rõ, những mưu đồ nhằm kích động một cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo là không thể lý giải và chấp nhận được.

Trước đó, cùng ngày, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã bày tỏ tình đoàn kết với nước Pháp và cam kết chống lại những kẻ "kích động và gieo rắc nỗi sợ hãi".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ: "Tôi lên án vụ tấn công dã man và ghê sợ tại thành phố Nice và tôi luôn bên nước Pháp. Chúng ta sẽ tiếp tục đoàn kết và quyết tâm đương đầu với sự cuồng tín".

Trong tuyên bố của mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, lãnh đạo 27 nước thành viên EU chia sẻ cùng nước Pháp trong thời điểm khó khăn này. Ông kêu gọi thế giới "hướng tới đối thoại và thấu hiểu giữa các cộng đồng và tôn giáo, thay vì chia rẽ".

Về phần mình, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công, khẳng định các nước cần tiếp tục bảo vệ các giá trị của mình và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.

Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu rõ chủ nghĩa cực đoan đang đe dọa nền văn hóa và các giá trị truyền thống của châu Âu và các nước sẵn sàng phối hợp hành động bảo vệ các giá trị này. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng gọi vụ sát hại tại Nice là "một vụ tấn công hèn hạ của phần tử khủng bố Hồi giáo".

Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định London luôn bên Paris trong cuộc chiến chống khủng bố.

Từ Tòa thánh Vatican, cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tấn công, Giáo hoàng Francis khẳng định "chủ nghĩa khủng bố và bạo lực không có chốn dung thân". Ông kêu gọi trong xã hội đa văn hóa của mình, người dân nước Pháp đoàn kết đương đầu với tội ác với tinh thần tích cực.

Trong một dòng tweet, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, tái khẳng định Ấn Độ sát cánh cùng Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông nói: “Tôi cực lực lên án các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Pháp, bao gồm cả vụ tấn công tàn ác hôm nay ở Nice bên trong một nhà thờ. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc và chân thành nhất tới gia đình các nạn nhân và người dân Pháp. Ấn Độ luôn sát cánh cùng Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố".

Hung thủ vụ tấn công tại Nice được xác định mang quốc tịch Tunisia, sinh năm 1999. Đối tượng được cho là đã đến châu Âu qua đảo Lampedusa của Italy vào cuối tháng 9, sau đó tới Pháp vào đầu tháng 10 nhưng không có tên trong hồ sơ theo dõi của các cơ quan tình báo cũng như cảnh sát.

Sau vụ tấn công, Pháp đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất và lực lượng chống khủng bố Sentinelle đã được tăng quân số hơn gấp đôi, từ 3.000 người lên 7.000 người, để bảo vệ các công trình công cộng, cơ quan dịch vụ công cũng như các địa điểm tôn giáo.

Tấn công bằng dao tại Nhà thờ Đức Bà ở Nice, ít nhất ba người thiệt mạng

TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/cac-nha-lanh-dao-the-gioi-bay-to-doan-ket-voi-nuoc-phap-622553/