Các nhà lãnh đạo Á-Âu tái khẳng định chủ nghĩa đa phương

Với chủ đề 'đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu', Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 12 được tổ chức trong hai ngày 18-19/10 tại Brussels. Các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu đã có chuyến đi nhằm tái khẳng định lại sự ủng hộ đối với hợp tác đa phương.

Ảnh minh họa

Hội nghị ASEM được tổ chức hai năm một lần, lần thứ 12 đã khai mạc ngày 18/10 với sự tham gia của 51 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên. Hội nghị diễn ra hai ngày với chương trình nghị sự về thương mại, an ninh mạng, số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận khí hậu Paris. EU coi hội nghị này là một cơ hội để thể hiện vai trò của mình như một đối trọng với cả Mỹ và Trung Quốc bằng cách đưa ra các lựa chọn thay thế cho các nước châu Á khi nói đến thương mại, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số.

Đề xuất toàn diện nhất được EU đưa ra có điểm tương đồng với sáng kiến vành đai và con đường trị giá 60 tỷ USD của Trung Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Federica Mogherini cho biết, các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Á “quan tâm đến con đường châu Âu” đã diễn ra trong nhiều tháng. Bà Federica Mogherini nói rằng sáng kiến vành đai và đường bộ của EU “hướng tới tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế, vì lợi ích của các cộng đồng trong khối”.

Chi tiết về kế hoạch của EU vẫn tập trung vào các tiêu chuẩn môi trường và xã hội cao cũng như “tính bền vững tài chính và tài khóa của các dự án cơ sở hạ tầng”. Trong khi đó, Dự án Vành đai và con đường của Trung Quốc đang bị giám sát. Năm 2017, Sri Lanka đã dành cho Trung Quốc hợp đồng thuê 99 năm đối với cảng Hambantota khi nước này không thể chi 1,1 tỷ USD tiền nợ phát sinh khi cảng này được xây dựng. Một số quốc gia ở châu Phi và Trung Á đang có nguy cơ vỡ nợ do các khoản nợ Trung Quốc.

Trước tuyên bố của Tổng thống Trump về việc rút khỏi WTO, Hội nghị ASEM 12 cam kết “thương mại cởi mở, tự do và không phân biệt đối xử” cũng như chuẩn bị để chống lại tất cả các hình thức bảo hộ. Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah cho biết thuế quan thương mại của Mỹ đã khiến cho EU và châu Á lại gần nhau hơn, các bên đang hợp tác để giúp đỡ nhau “vì thương mại tự do và công bằng”. Về vấn đề thép dư thừa của Trung Quốc, EU đang xem xét cẩn thận cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã cắt giảm 220 triệu tấn công suất kể từ tháng 1 năm 2016 nhưng vẫn là chưa đủ. Vấn đề trợ cấp của Trung Quốc cũng được thảo luận tại Hội nghị ASEM 12.

Bên lề Hội nghị ASEM 12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker sẽ giải quyết vấn đề trợ cấp của Trung Quốc khi gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại buổi ăn trưa làm việc ngày 19/10. EU cho biết sẽ ký hiệp định thương mại tự do với Singapore ngày 19/10 và chuẩn bị ký hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam./.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-nha-lanh-dao-a-au-tai-khang-dinh-chu-nghia-da-phuong-110484.html