Các nhà khoa học Việt Nam hướng đến 'Nông nghiệp tuần hoàn không rác thải'

'Nông nghiệp tuần hoàn không rác thải' là chủ đề của chuỗi công nghệ mới mà các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mang đến sự kiện KH&CN quan trọng nhất ở Tây Nguyên – TechDemo 2019 - vừa khai mạc tối qua tại Gia Lai với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Hướng đến công nghiệp hóa nông nghiệp

“Những thành công trong nghiên cứu về nông nghiệp tuần hoàn không rác thải đến với TechDemo Gia Lai 2019 là bởi, Tây Nguyên có 5 triệu ha đất tốt, phát triển mạnh về nông nghiệp và là cơ sở dự trữ khi biến đổi khí hậu, nên công nghiệp hóa nông nghiệp cho vùng đất này là hướng nghiên cứu ưu tiên của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Với 35 viện nghiên cứu chuyên ngành và các trung tâm công nghệ, Viện Hàn lâm đã từng bước hoàn thiện nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn không chất thải”- TS. Vũ Thị Thu Lan - Phó Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và GS. Phan Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và GS. Phan Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam

Theo TS. Vũ Thị Thu Lan, nông nghiệp tuần hoàn không rác thải là một vòng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, các phụ phẩm nông nghiệp được thải ra và thông qua các quá trình biến đổi vật lý, hóa học và sinh học tạo ra các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế đem lại cho người sản xuất. Ngoài ra, các chế phẩm này cũng có thể là sản phẩm cung cấp cho những ngành, lĩnh vực khác như chitosan từ đầu tôm, các loại dầu cá cho ngành dược phẩm...

Mối lo sử dụng phân hóa học làm cằn đất, mất an toàn thực phẩm, gây biến đổi khí hậu đã được nhà khoa học Hà Phương Thư (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu giải quyết. Với sản phẩm phân bón nano tích hợp được TS. Thư đã mang đến TechDemo Gia Lai 2019, người dân có cơ hội tiếp cận với loại phân bón cung cấp dưỡng chất cho cây trồng nhờ công nghệ nano.

PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Phó Ban ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) giới thiệu về mô hình vệ tinh do các nhà khoa học Việt Nam chế tạo sắp phóng vào vũ trụ

Sản phẩm này đặc biệt có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, với việc giảm sử dụng phân bón hóa học 100 lần, chữa được bệnh cho cây trồng, đồng thời, tăng năng suất cây trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiết kiệm chi phí cho người trồng. Những thí nghiệm trên cây măng tây cho thấy tốc độ sinh trưởng và khả năng ra mầm mới cao, chỉ sau 5-6 tháng, cây đã cho măng đạt năng suất 70kg/ha/ngày.

Sáng chế của anh Tô Xuân Thắng (Viện Khoa học vật liệu) đã mang đến loại phân bón đặc biệt cho cây trồng là tinh dầu khói. Sản phẩm đã được thực nghiệm thành công trên nhiều loại cây, an toàn và ngăn ngừa sâu bệnh hiệu quả. Nhưng điều quan trọng không kém là sáng chế này đã giải quyết được bài toán đốt rơm rạ bừa bãi đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến mức Chính phủ phải đặt hàng Bộ KH&CN nghiên cứu giải pháp để khắc phục, xử lý.

TS. Hà Phương Thư – Viện Hàn lâm Khoa học KH&CN giới thiệu sản phẩm mới nhất là phân bón nano tích hợp giúp giảm việc sử dụng phân hóa học xuống 100 lần.

Sau gần 10 năm nghiên cứu, công nghệ chiết xuất băng CO2 lỏng siêu tới hạn của TS. Mai Thành Chí (Viện Công nghệ Hóa học) ứng dụng thành công đã khắc phục được những hạn chế trong việc chiết xuất theo truyền thống.

Việc lấy tinh dầu nhóm gỗ rất khó khăn, do phương pháp truyền thống không hiệu quả vì không giữ được hoạt chất thiên nhiên. Tuy nhiên, phương pháp mới này sẽ giữ lại được 100% hoạt chất khi chiết xuất. Theo TS. Mai Thành Chí, việc chế tạo được thiết bị này tại Việt Nam cho phép giảm chi phí đầu tư tới 40%, nên góp phần phát triển phương pháp này mạnh mẽ hơn.

Các nhà khoa học - bạn của nhà nông

Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam còn giới thiệu hàng loạt chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm bệnh cho cây trồng, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ than bùn, mùn mía, bỏ cà phê, phân chuồng, rác thải hữu cơ vv…

Chế phẩm RPS của các nhà khoa học Viện sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) sẽ giúp nông dân phân giải được thức ăn dư thừa dưới đáy ao, ổn định chất lượng nước, cân bằng sinh thái ao nuôi tôm, giảm tỉ lệ bệnh cho tôm, cá; giảm sử dụng hóa chất và kháng sinh, giúp tăng năng suất cây trồng. Chế phẩm Lactobia giúp ủ chua thức ăn, lên men nhẹ các loại cỏ, thân lá ngô… để bảo quản thức ăn cho gia súc qui mô lớn, giữ được sinh dưỡng, tạo được kháng sinh Bacterioxin để dự trữ thức ăn cho trâu bò ở vụ thu hoạch rộ, dành cho mùa thiếu thức ăn xanh.

Các nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Việt Nam được quan tâm tại TechDemo 2019

Các nhà khoa học đã xây dựng hoàn thiện qui trình sản xuất, sử dụng chế phẩm với cây trồng, vật nuôi, cung cấp chế phẩn xử lý môi trường, đã được nông dân ứng dụng thành công trong trồng thanh long, hồ tiêu, cà phê, lúa và rau màu, nuôi gà, tô, lợn, cá tra vv…

TS. Đinh Xuân Lộc đã chế tạo được loại dung dịch dinh dưỡng cho cây –một loại phân hữu cơ vi sinh bón qua lá được tích hợp 18 loại axit amin, giúp cây đâm chồi, đẻ nhánh, ra rễ khỏe, bung hoa mạnh, làm cho cây cứng cáp, hạt, quả, củ chắc ngọt. Sản phẩm này giúp nông dân dễ sản xuất, xuất khẩu, an toàn cho môi trường, sử dụng hữu ích trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo qui trình GAP.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng đã không chỉ giải quyết được chất phụ phẩm trong quá trình sản xuất tôm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà từ đầu tôm, vỏ tôm bỏ đi, còn chế tạo ra được loại phân bón vi lượng đa chức năng – sản phẩm đặc hiệu trừ nấm bệnh bằng công nghệ nano, giúp cây trồng tăng sức đề kháng, không cho vi khuẩn, nấm bệnh xâm nhập. Loại phân bón này đang được bà con dùng cho các cây mận, bưởi, cam, quít, ổi, nhãn, xoài, măng cụt, măng cầu, lúa, hồ tiêu vv….

Đặc biệt, PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Phó Ban ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam còn mang tới TechDemo mô hình vệ tinh vừa nghiên cứu thành công và chuẩn bị phóng vào vũ trụ vào đầu 2020 với quỹ đạo dự kiến 520km. Đây là bước tiến vượt bậc của các nhà khoa học vũ trụ Việt Nam. Vì với những hình ảnh chụp từ vệ tinh, chúng ta sẽ dự báo được thiên tai, góp phần quan trọng phục vụ sản xuất, đặc biệt là bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ vv...

Khối lượng bùn thải phát sinh từ các nhà máy là rất lớn, gây ô nhiêm môi trường và tốn nhiều chi phí để xử lý. Để khắc phục vấn đề này, TS. Đỗ Văn Mạnh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nghiên cứu thành công việc chế biến bùn thành phân bón hữu cơ và khí biogas đốt phát điện, mang lại hiệu quả cao.

Theo PGS.TS. Phan Tiến Dũng, đến nay, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu cơ bản, từ địa lý, địa chất, sinh thái, đến gen, hóa, lý... đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học... làm cơ sở khoa học cho các nhà quản lý trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Các viện nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng như công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, vật lý, công nghệ vũ trụ... từng bước làm chủ công nghệ nuôi cấy gen, tăng cường sức kháng chịu của các loại gen cũng như chăm sóc vật nuôi cây trồng (các chế phẩm, phân bón), quản lý thông minh (hệ thống tưới tiêu, giám sát bệnh,...) trong quá trình sinh trưởng của ngành nông nghiệp.

Các sản phẩm đầu ra của ngành nông nghiệp đã được các nhà khoa học trong viện Hàn lâm nghiên cứu quy trình bảo quản, chế biến sâu... đảm bảo giá trị kinh tế phục vụ xã hội, phát triển kinh tế...

Thái Hoàng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-huong-den-nong-nghiep-tuan-hoan-khong-rac-thai-571381/