Các nhà khoa học Nhật Bản hồi sinh một số vi khuẩn từ thời kỳ khủng long

Các nhà khoa học Nhật Bản đã hồi sinh thành công một số vi khuẩn sống im lìm dưới đáy biển kể từ khi thời kỳ khủng long làm bá chủ thế giới. Những loài vi khuẩn này sinh sôi theo cấp số nhân qua nhiều niên kỷ và từng là thức ăn cho các sinh vật ở đại dương.

Các vi sinh vật trong trầm tích từ 100 triệu năm trước vẫn có thể sống lại, ăn và sinh sản trong phòng thí nghiệm. Ảnh: AP/thiennhien.net

Các vi sinh vật trong trầm tích từ 100 triệu năm trước vẫn có thể sống lại, ăn và sinh sản trong phòng thí nghiệm. Ảnh: AP/thiennhien.net

Nghiên cứu của các nhà khoa học đã làm sáng tỏ sức mạnh sinh tồn đáng chú ý của một số loài vật nguyên thủy nhất của Trái Đất, có thể tồn tại hàng chục triệu năm trong môi trường hầu như không có oxy hoặc thức ăn, trước khi được hồi sinh trở lại trong phòng thí nghiệm.

Một nhóm nhà nghiên cứu do Cơ quan Khoa học Đại dương - Trái Đất và Công nghệ của Nhật Bản đứng đầu đã phân tích các mẫu trầm tích tồn tại từ hơn 100 triệu năm trước ở đáy biển Nam Thái Bình Dương. Khu vực này nổi tiếng vì có ít chất dinh dưỡng trong trầm tích hơn những nơi khác, do đó nơi đây khó có thể trở thành địa điểm lý tưởng để duy trì sự sống qua hàng thiên niên kỷ.

Nhóm nghiên cứu đã ủ các mẫu trầm tích để đánh thức các vi khuẩn sau giấc ngủ kéo dài hàng kỷ nguyên. Đáng kinh ngạc, họ đã có thể hồi sinh gần như tất cả các vi sinh vật này.

Trưởng nhóm nghiên cứu Yuki Morono cho biết: "Giờ đây, chúng tôi biết rằng không có giới hạn độ tuổi đối với sinh quyển (của các sinh vật) dưới đáy biển".

Trong khi đó, đồng tác giả của nghiên cứu trên - Giáo sư thuộc Đại học Hải dương URI - ông Steven D'Hondt khẳng định các vi khuẩn này sống trong cụm trầm tích lâu đời nhất được lấy lên từ đáy biển. Ông nhấn mạnh: "Trong cụm trầm tích lâu đời nhất chúng tôi đã thu thập, vẫn có những sinh vật sống trong đó với lượng thức ăn rất tối thiểu và chúng có thể thức dậy, phát triển và sinh sôi".

Nhà khoa học Yuki Morono giải thích rằng dấu vết oxy trong trầm tích cho phép các vi khuẩn sống hàng triệu năm trong khi hầu như không có năng lượng. Theo ông, mức năng lượng cần thiết cho sự sinh tồn của vi khuẩn dưới đáy biển "thấp hơn hàng triệu lần so với các vi khuẩn trên bề mặt". Ông cho rằng những mức độ như vậy sẽ quá thấp để duy trì các vi khuẩn bề mặt, và đây là một bí ẩn về cách các sinh vật dưới đáy biển đã sống sót.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy làm thế nào vi khuẩn có thể sống trong những môi trường khắc nghiệt trên Trái Đất, trong đó bao gồm cả những lỗ thông hơi dưới đáy biển không có oxy.

Theo nhà khoa học Morono, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications này đã chứng minh sức mạnh bền bỉ đáng chú ý của một số sinh vật sống đơn giản nhất Trái Đất. Ông cho biết: "Không giống như chúng ta, vi khuẩn sinh sôi theo sự phân bào, vì vậy chúng không thực sự có khái niệm về tuổi thọ".

Thanh Phương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cac-nha-khoa-hoc-nhat-ban-hoi-sinh-mot-so-vi-khuan-tu-thoi-ky-khung-long-78447