Các nhà khoa học lo ngại mực nước biển Caspi sẽ sụt giảm 18m

Trong khi mực nước biển đang dâng do biến đổi khí hậu, thì trái lại, mực nước biển Caspi lại đang sụt giảm từng ngày. Các nhà khoa học đã đưa ra kịch bản mực nước biển Caspi sẽ sụt tới 18m.

Hồ đang cạn dần

Biển Caspi đúng hơn là một biển hồ, không thông với đại dương, một hồ nước mặn lớn nhất thế giới với diện tích 371.000km2 và thể tích 78.200 km³. Biển trải dài gần 1.200km, bề ngang rộng trung bình hơn 300km. Độ mặn của nước khoảng 1,2%, xấp xỉ 1/3 nồng độ muối của nước biển.

Biển Caspi nằm giữa Nga ở bờ phía bắc và Iran ở bờ phía nam. Đông tây giáp các nước Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan.

Biển Đen và Biển Caspi. Ảnh: NASA.

Biển Đen và Biển Caspi. Ảnh: NASA.

Độ sâu tối đa của hồ là khoảng 1.025 m. Sông Volga, con sông dài nhất châu Âu là nguồn nước chính đổ vào biển Caspi.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại tình trạng mực nước biển dâng, hơn một trăm triệu người sống ở khu vực Caspi lại đang phải đối mặt với vấn đề khác, mực nước biển Caspi đang tụt giảm nghiêm trọng. Kể từ những năm 1990, mực nước rút xuống thấp vài phân mỗi năm.

Mực nước biển Caspi đang sụt giảm vài cm mỗi năm và dự kiến sẽ tụt 9-18m vào cuối thế kỷ/BBC.

Các nhà khoa học Đức từ Đại học Giessen và Đại học Bremen, cùng với nhà địa chất học người Hà Lan Frank Wesselingh từ Khoa Khoa học Trái đất của Đại học Utrecht, đã xây dựng mô hình dự báo mực nước biển Caspi sẽ thay đổi đến cuối thế kỷ 21.

Theo tính toán, quá trình hạ thấp mực nước sẽ tăng tốc trong mấy thập kỷ tới, và đến năm 2100, mực nước biển sẽ hạ xuống 9-18m, tương ứng, diện tích mặt nước của biển Caspi sẽ thu hẹp 23-34%.

Do biến đổi khí hậu

Theo các nhà khoa học, mực nước trong các hồ khép kín như biển Caspi phụ phuộc vào sự cân bằng giữa nguồn đến là lượng mưa và dòng chảy vào, và lượng nước bốc hơi từ mặt hồ.

Biển Caspi đúng hơn là một hồ nước mặn, không thông với đại dương. Ảnh: PLANET OBSERVER/UIG/GETTY.

Các nhà nghiên cứu giải thích, ở trường hợp biển Caspi, quá trình mực nước hạ xuống đang tăng tốc do “bốc hơi” và do mặt biển không bị đóng băng vào mùa đông.

Các quá trình này có liên quan đến khí hậu khô cằn có xu hướng gia tăng ở khu vực Địa Trung Hải - Trung Á.

Hậu quả nặng nề

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth & Environment, mực nước sụt giảm sẽ gây ra hàng loạt vấn đề về sinh thái, kinh tế và sự ổn định chính trị trong khu vực. Trong trường hợp xấu nhất, mực nước biển hạ xuống 18m, biển Caspi sẽ mất hơn 1/3 diện tích.

Việc mực nước hồ sụt giảm nhanh chóng sẽ gây một hậu quả nặng nề cả về môi trường sinh thái, kinh tế cũng như nảy sinh những vấn đề chính trị. Ảnh: Russiabusinesstoday.

Mực nước hạ xuống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái độc đáo với các loài chim di cư, hải cẩu beluga và hải cẩu đặc hữu của Caspian nuôi con trên lớp băng ở phía bắc biển Caspi. Nếu vùng biển phía bắc bị khô cạn sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của quần thể hải cẩu.

Nhiều hệ sinh thái độc đáo hay động vật đặc hữu sẽ ảnh hưởng hoặc thậm chí tuyệt chủng. Ảnh: Asianews.

Đối với sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển, theo các nhà khoa học, hàng triệu người sống bên bờ biển hoặc trên bờ các con sông chảy vào biển Caspi sẽ bị ảnh hưởng. Những vấn đề này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng chính trị trong một khu vực vốn đã bất ổn. Các quốc gia ven biển Caspi sẽ phải ký kết các thỏa thuận mới về biên giới và quyền đánh bắt cá.

Nhận thức mức độ ảnh hưởng khủng khiếp khi mực nước hồ tiếp tục hạ, các tác giả nghiên cứu khuyến cáo, cần phải sớm thành lập một nhóm quốc tế để nghiên cứu những hồ nước có nguy cơ biến mất, dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), để hướng dẫn và quản lý các hoạt động tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

Huy Anh/Sputnik

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/cac-nha-khoa-hoc-lo-ngai-muc-nuoc-bien-caspi-se-sut-giam-18m-99473.html