Các nhà khoa học đoạt Nobel, Fields cảnh báo về tác động của Brexit

Các chủ nhân giải Nobel và 6 người từng nhận Fields Medal cho biết đường biên giới mở đã tạo điệu kiện cho hợp tác khoa học nên nếu lập hàng rào mới sẽ ngăn cản tiến bộ và điều đó chỉ có lợi cho Mỹ.

Nhà khoa học Paul Nurse, người từng đoạt giải Nobel và hiện là Giám đốc Viện Y sinh học Francis Crick. (Nguồn: Getty images)

Các nhà khoa học từng giành giải Nobel và giải toán học đã lên tiếng cảnh báo Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker rằng nghiên cứu khoa học sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu hai bên không đạt một thỏa thuận tốt cho việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Trong một bức thư công bố tối 22/10, 29 chủ nhân giải Nobel trong lĩnh vực khoa học và sáu người từng nhận Fields Medal (một trong những giải thưởng danh giá nhất về toán học), cho biết đường biên giới mở giữa các nước châu Âu thời gian qua đã tạo điều kiện cho hợp tác, giúp châu lục này đuổi kịp giới nghiên cứu khoa học của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ cảnh báo: "Nếu giờ đây thiết lập các hàng rào mới sẽ ngăn cản tiến bộ và điều đó chỉ có lợi cho Mỹ."

Các nhà khoa học trên nhấn mạnh thiệt hại cần được giảm thiểu bằng một thỏa thuận Brexit giúp duy trì quan hệ hợp tác lớn nhất có thể sau khi Anh rời EU vào tháng Ba.

Tuyên bố trên của các nhà khoa học được đưa ra đúng thời điểm trung tâm nghiên cứu y sinh học lớn nhất châu Âu (có trụ sở tại London) công bố kết quả một cuộc thăm dò nội bộ, cho thấy thái độ lo ngại rất phổ biến trong giới khoa học về tác động của Brexit đến hoạt động nghiên cứu ở cả Anh và EU.

Một trong những người ký tên trong bức thư nói trên, ông Paul Nurse, người từng đoạt giải Nobel và hiện là Giám đốc Viện Y sinh học Francis Crick nổi tiếng thế giới, cho biết theo kết quả thăm dò, các nhân viên của viện rất lo lắng cho tương lai của khoa học.

Cụ thể, trên 75% người được hỏi đồng ý rằng tác động của Brexit đối với ngành khoa học Anh sẽ "rất tiêu cực." trong khi hơn 21% cho rằng tác động này sẽ ở mức "tiêu cực." 82% nói rằng tác động sẽ có thể "tiêu cực" hoặc "rất tiêu cực" đối với lĩnh vực nghiên cứu của EU, trong khi khoảng 1/5 cho biết Brexit đã tác động tiêu cực hoặc rất tiêu cực đến công việc hiện nay của họ. Chỉ 10% nhân viên viện Francis Crick tin rằng tương lai ngành khoa học của Anh vẫn như hiện nay sau Brexit.

Theo ông Nurse, quỹ của EU đóng góp khoảng 5 triệu bảng Anh (6,5 triệu USD) mỗi năm cho ngân sách thường niên của viện. Số tiền này tương đương 5% kinh phí hiện có của viện./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-nha-khoa-hoc-doat-nobel-fields-canh-bao-ve-tac-dong-cua-brexit/531305.vnp