Các Nhà hát bàn cách hút khán giả trở lại sau mùa dịch

Vốn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả, các nhà hát càng gặp khó khăn hơn sau đợt dịch Covid-19 vừa qua. Làm thế nào để khán giả trở lại với sân khấu là vấn đề sống còn hậu mùa dịch.

Khó chồng khó

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hát đều tạm dừng hoạt động, không có nguồn thu nên không có kinh phí để chi trả lương cho các hợp đồng lao động. Các nghệ sĩ, diễn viên hầu hết đều chấp nhận việc giảm lương. Ví dụ như Nhà hát Nghệ thuật đương đại, trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30%. Lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thì cho biết, nếu tiếp tục đóng cửa, Nhà hát sẽ không trụ nổi vì không thể chi trả cho 147 nghệ sĩ với đủ các khoản bảo hiểm xã hội, lương, thuế thu nhập... Các nhà hát truyền thống như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam đang đứng trước lo lắng không giữ nổi lực lượng nghệ sĩ trẻ vì thu nhập quá thấp.

Sau dịch, các nghệ sĩ sân khấu vẫn gặp khó khi chưa thu hút được khán giả (ảnh minh họa)

Sau dịch, các nghệ sĩ sân khấu vẫn gặp khó khi chưa thu hút được khán giả (ảnh minh họa)

Các Nhà hát đều bày tỏ, ngay cả khi xã hội hết cách ly, dịch bệnh chấm dứt thì cũng phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể kéo khán giả trở lại thói quen vào xem trực tiếp tại rạp. Các đơn vị sân khấu phục vụ cho thiếu nhi sẽ càng khó khăn hơn khi mà lịch học bù, thi cử của học sinh sẽ khiến phụ huynh không còn tâm trí để cho con em đi xem giải trí nghệ thuật nữa... Ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến ngành nghệ thuật biểu diễn thất thu hết cả năm 2020 theo dự đoán của một số lãnh đạo nhà hát.

NSND Tạ Duy Ánh- Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Doanh thu đến thời điểm này của Liên đoàn chưa bằng quý I của năm 2019. Mặc dù đã hết giãn cách xã hội, nhưng có biểu diễn khán giả chưa hào hứng đi xem ngay.

"Bên cạnh đó, khán giả của nghệ thuật Xiếc chủ yếu là thiếu nhi, bây giờ các cháu đang đi học bù, lo câu chuyện thi cử, phụ huynh cũng không hào hứng cho con đi xem biểu diễn kể cả trong thời gian tới"- NSND Tạ Duy Ánh bày tỏ lo ngại.

Cũng theo NSND Tạ Duy Ánh, do đặc thù nghề nghiệp, hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang sử dụng 80 lao động hợp đồng, nguồn lương chi trả cho các lao động này đều từ nguồn thu của Liên đoàn. Không có chương trình biểu diễn thì không thể có lương cho họ. Nghệ thuật Xiếc đào tạo tốn kém, nhưng không có cơ chế thì không giữ được các nghệ sĩ trẻ gắn bó với nghề

Cùng quan điểm, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết: Thời điểm mùa lễ hội là thời điểm thuận lợi cho các nghệ sĩ nghệ thuật Tuồng biểu diễn nhưng do ảnh hưởng của đại dịch nên năm nay gần như không có biểu diễn.

Ông Tuấn cho rằng, hết giãn cách xã hội nhưng để khán giả đến rạp thì chắc phải tháng 8 và tháng 9 mới có thể biểu diễn được.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thì chia sẻ: Bây giờ nếu có biểu diễn cũng chưa thể thu hút khán giả. Nên nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước vào lúc này nghệ thuật biểu diễn sẽ khó tồn tại. Mong mỏi của các nghệ sĩ là được luyện tập, được đứng trên sân khấu nếu không sẽ cứng, khó duy trì trong thời gian tới.

Không chỉ các nhà hát truyền thống, với đơn vị tự chủ như Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. NSƯT Quỳnh Trang – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cho hay: Mỗi năm, Nhà hát đăng ký từ 900 đến 1000 buổi diễn nhưng năm nay chỉ dám xin 300 buổi là còn khó hoàn thành. Năm nay, nguồn thu của Nhà hát từ các nguồn biểu diễn, các hợp đồng biểu diễn đều đã bị cắt hết, tích lũy từ trước đến giờ trả lương cho các nghệ sĩ diễn viên. Tháng 3, tháng 4 vừa rồi Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, các nghệ sĩ, cán bộ đồng lòng nhận 30% lương.

Cần sự bắt tay giữa các nhà hát để đối mặt với khó khăn sau dịch (ảnh minh họa)

Cần được biểu diễn

Sau 3 tháng dừng hoạt động, các nhà hát đều có chung quyết tâm biểu diễn, thu hút khán giả trở lại. NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: "Các nhà hát cần hoạt động nếu không sẽ bị chột mất nghề, kịch lâu không nói, múa lâu không diễn sẽ gượng.Chúng ta không thể bó tay mãi được, cần cùng nhau chung sức tháo gỡ khó khăn này".

Theo NSƯT Xuân Bắc, vấn đề khó khăn mà các nhà hát phải đối mặt là tài chính.

NSƯT Xuân Bắc mong mỏi, Bộ VHTTDL sẽ có chương trình đầu tư những vở diễn, nhóm vở diễn đặc sắc và cùng các nhà hát quảng bá. "Có rất nhiều chương trình, tác phẩm hay, đặc sắc và hoàn toàn giúp các nghệ sĩ được làm việc, khán giả có thể được xem chương trình chất lượng nếu Bộ hỗ trợ kinh phí tổ chức biểu diễn. Cần có 1 kênh chính thống của khối nghệ thuật biểu diễn chính thống để tạo thói quen cho khán giả. Các nhà hát cần liên kết lại và xây dựng một kênh online quảng bá hình ảnh nghệ thuật của khối nhà hát thuộc Bộ".

Các nhà hát cùng bàn cách gỡ khó sau đại dịch Covid-19

Gỡ khó trước mắt cho các Nhà hát,Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh dịch, bệnh đòi hỏi các nhà hát có phương thức hoạt động mới như việc xây dựng nhà hát online. Các nhà hát cần tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các nhà hát cần xây dựng tác phẩm gắn với các sự kiện và ngày lễ lớn trong thời gian tới như Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh Liệt sĩ, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc…để phục vụ các sự kiện lớn của đất nước.

Về lâu dài, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu việc tăng cường đặt hàng đối với các nhà hát truyền thống. Trong đó chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Trước mắt, để giải quyết những khó khăn cấp bách khi nghệ thuật biểu diễn chưa thu hút được khán giả trở lại rạp hát biểu diễn, Thứ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát cùng nghiên cứu phương thức xây dựng nhà hát online sao cho hợp lý, hiệu quả./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cac-nha-hat-ban-cach-hut-khan-gia-tro-lai-sau-mua-dich-20200512170520656.htm