Các nhà giáo nghị sỹ trải lòng nhân ngày 20/11

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã chia sẻ với PV báo Tin tức về những tâm tư, trăn trở và mong muốn về nghề giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tăng Thị Ngọc Mai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Giáo viên ‘khát’ kỹ năng sư phạm để xử lý tình huống

Video Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai chia sẻ về tâm tư với ngàn giáo dục:

Điều quan trọng nhất với ngành giáo dục hiện nay là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành công và đạt được mục tiêu đổi mới giáo dục. Đây là năm đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa và được sự quan tâm của phụ huynh, dư luận, Quốc hội.

Tuy nhiên, vấn đề tôi trăn trở hiện nay là chất lượng giáo dục. Làm thế nào đào tạo được thế hệ trẻ Việt Nam là công dân toàn cầu. Vừa qua, cô giáo ở Phú Thọ lot top 10 giáo viên toàn cầu. Đây là tấm gương cần được khuyến khích, phát huy.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục sẽ phải gặp các rào cản. Thứ nhất, tôi muốn nói đến vấn đề nêu gương. Là một nhà giáo, tôi luôn nghĩ làm sao để giáo dục học sinh tính tự lập, tự cường, tự học. Đây chắc hẳn không chỉ là tâm tư của riêng tôi mà còn của những người tâm huyết với ngành giáo dục. Tôi có đọc đoạn văn về cuộc đời và sự nghiệp của người sáng lập ra Công ty xe hơi Huyndai, nôm na rằng: Nếu không cần cù, tiết kiệm, dù có giỏi, giàu sang thì cũng không đi tới đâu. Còn dù nghèo, biết tiết kiệm, cần cù, có sự nỗ lực thì chắc chắn có sự tiến bộ. Việt Nam cũng như vậy, khi đang ở mức phát triển trung bình, ngành giáo dục càng phải nêu gương. Không có chuyện, thầy cô vì tiền mới dạy kiến thức cho học sinh. Thầy cô nên nghĩ cách giúp học sinh có động lực học tập; học vì cái chung, lợi ích phát triển gia đình, quê hương, đất nước. Nếu thầy cô vì lợi ích trước mắt, làm mất đi hình ảnh của mình, nên nghĩ lại.

Thứ hai, người thầy ngày nay bị tước nhiều quyền và chưa tự chủ trong giảng dạy, khiến họ bị áp lực. Hiện nay, phụ huynh có vai trò rất lớn. Trong khi đó, một số vấn đề luật, chính sách lớn cần làm rõ vai trò của người thầy đối với học sinh… Có tình huống giáo viên có hành động ảnh hưởng đến thân thể học sinh hoặc xử lý tình huống phi sư phạm. Đây chính là khó khăn và cái thiếu của họ, chứ không chỉ là lương giáo viên. Tôi nghĩ, Bộ cần quan tâm làm sao để người thầy chủ động trong việc dạy học của mình. Vì thế, việc đào tạo kỹ năng sư phạm, đào tạo lại cho nhà giáo là rất quan trọng.

Trà Vinh chủ động trong các khâu như tổ chức, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Cán bộ quản lý làm tốt, chúng tôi mạnh dạn nêu gương, tuyên truyền, giới thiệu trên trang web của Sở hoặc thông tin cho báo, đài. Tổ chức tập huấn cho giáo viên có sự tham gia của lãnh đạo Sở GD&ĐT, tạo diễn đàn để trao đổi giữa giáo viên và cán bộ quản lý; tạo động lực để họ làm việc tốt hơn. Quan trọng là phát huy vị trí dân chủ cơ sở, quyền chủ động của hiệu trưởng, ai cũng có quyền nói nhưng khuân khổ cho phép.

Tiếp đó là sự nêu gương của giáo viên thể hiện cụ thể ở các mặt: Chỉ cho các em học sinh biết cách tự học, tự chủ, độc lập trong suy nghĩ; Tạo cơ hội cho học sinh bình đẳng trong học tập, đặc biệt là tạo cho các em có lối suy nghĩ tích cực, hướng thiện. Những điều này nằm trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới tổ chức hoạt động dạy và học lấy học sinh làm trung tâm; chuẩn đạt tới là học đi đôi với hành, học để chung sống, học để phát triển để hội nhập… Chương trình phổ thông 2018 sẽ giải quyết các mục tiêu trên.

Tôi hy vọng tất cả giáo viên phổ thông trong ngành giáo dục lấy làm tự hào, tích cực và trách nhiệm chung tay đồng lòng, linh hoạt sáng tạo trong tổ chức thực hiện Chương trình phổ thông 2018 sẽ đạt được kết quả mỹ mãn, đáp ứng mong đợi của phụ huynh, nhất là tạo được nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Làm sao để giáo viên tâm huyết sống được bằng nghề

Video Đại biểu Dương Minh Ánh chia sẻ về vấn đề lương giáo viên:

Điều trăn trở nhất với tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội là làm sao để các nhà giáo tâm huyết với nghề, sống được bằng nghề, để có thể cống hiến với ngành giáo dục. Để trả lời cho vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương, của các địa biểu Quốc hội khi xây dựng chính sách hoặc của mỗi nhà quản lý.

Chúng tôi từng có ý kiến về lương nhà giáo. Theo Nghị quyết Trung ương, lương của nhà giáo là thang bậc cao nhất trong thang bậc các ngành nghề. Nhưng điều này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên với cương vị vừa là nhà giáo, vừa là nhà quản lý, tôi cho rằng việc này cần nghiêm túc về vấn đề lương cho nhà giáo. Đây là động lực thúc đẩy cho nhà giáo tâm huyết với nghề, giáo dục mới có sự thay đổi.

Nhiều nhà giáo cũng trăn trở hiện nay có sự thay đổi lương theo vùng miền; Bỏ biên chế đối với nhà giáo, chỉ nên là hợp đồng. Vậy đối với những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền biên giới, hải đào thì cơ chế nào khuyến khích, giữ chân họ làm việc. Vấn đề này không chỉ một ngành giáo dục giải quyết.

Đi cùng với lương là chất lượng đội ngũ nhà giáo mà tôi trăn trở. Thực tế, chất lượng đội ngũ nhà giáo các vùng miền khác nhau. Thường những nhà giáo có trình độ, năng lực tập trung ở những thành phố lớn. Ở nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không thu hút được giáo viên. Mặc dù ngành giáo dục đã có những chính sách thu hút nhưng dường như vẫn chưa thỏa đáng. Theo tôi cần phải có chính sách đột phá hơn thu hút người tài ở những vùng đặc thù này.

Tại Nghị trường lần này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có quá ít thời gian để nói được những chính sách hiện nay đang thực thi với giáo viên. Tuy nhiên, không chỉ Bộ trưởng ngành giáo dục giải quyết được, vấn đề lương giáo viên, chất lượng đội ngũ cần có sự chung tay.

Lê Vân/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/cac-nha-giao-nghi-sy-trai-long-nhan-ngay-2011-20201116183825122.htm