Các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc đòi mặc tã lót mỏng nhất trong không gian

Các phi hành gia Trung Quốc sẽ nhận được một loại tã siêu mỏng mới sau khi phàn nàn về sự khó chịu do sản phẩm hiện tại gây ra.

Thông tin này đến từ các nhà nghiên cứu tham gia vào dự án tã không gian mới nhất của Trung Quốc.

Phản hồi từ các phi hành gia là tã lót không gian hiện tại quá dày và gây ra cảm giác áp lực mạnh ở mặt dưới”, theo một bài viết đăng trên Tạp chí Manned Spaceflight của Trung Quốc.

Nghiên cứu cho biết: “Khi các phi hành gia phải đối mặt với khối lượng công việc gia tăng và thời gian làm việc dài hơn nhiều, điều quan trọng là phải nghiên cứu một sản phẩm mới thoải mái hơn, dễ mặc hơn”.

Wang Tianhui, đồng tác giả của nghiên cứu với Guangdong Yinyin Co - công ty cung cấp các sản phẩm vệ sinh cho các phi hành gia Trung Quốc, cho biết các phi hành gia nước này sẽ mặc những chiếc tã mỏng nhất trên quỹ đạo.

Tã lót không gian mới sẽ mỏng hơn 1/3 so với sản phẩm hiện tại và có thể chứa hơn 1kg (2,2 pound) nước tiểu.

Theo nghiên cứu của họ, độ dày của tã giấy hiện tại là khoảng 26mm (1 inch) nhưng nó có thể giảm đáng kể xuống còn 7mm.

Wang Tianhui, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nó mỏng hơn, thoải mái hơn và có khả năng hấp thụ tốt hơn. Trên toàn cầu, nó có khả năng hấp thụ tốt nhất trên một đơn vị thể tích".

Wang Tianhui nói họ đã giới thiệu sản phẩm này với các cơ quan quản lý không gian của Trung Quốc “nhưng chúng tôi không biết khi nào họ sẽ sử dụng nó” vì cần phải thử nghiệm thêm.

Công ty Guangdong Yinyin Co của ông đã cung cấp tã không gian cho các phi hành gia Trung Quốc trong thập kỷ qua.

Các phi hành gia Thần Châu-13 làm việc trên tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-2. Chương trình vũ trụ cường độ cao của Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu giữ nước tiểu tốt hơn để tạo sự thoải mái cho các phi hành gia. Đây là vấn đề mà nghiên cứu mới của Trung Quốc cho biết đã giải quyết được - Ảnh: Xinhua

Trung Quốc có một kế hoạch không gian đầy tham vọng trong 10 năm tới, bao gồm cả hoàn thành việc xây dựng Trạm không gian Thiên Cung và phóng hai tàu vũ trụ có người lái mỗi năm. Thế nhưng, một thách thức nhỏ mà Trung Quốc phải đối mặt là tìm kiếm tã lót thoải mái hơn cho các phi hành gia.

Thiên Cung là trạm không gian được đựa vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp từ 340 đến 450 km so với bề mặt Trái đất. Sau khi hoàn thành, Trạm không gian Thiên Cung sẽ có khối lượng từ 80 đến 100 tấn, bằng 1/5 Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), và có kích thước bằng Trạm không gian Mir của Nga đã ngừng hoạt động.

Có một nhà vệ sinh trên trạm vũ trụ, nhưng các phi hành gia phải mặc tã lót khi cất cánh, hạ cánh, đi bộ ngoài không gian và các hoạt động ngoài trời - những tình huống không thể sử dụng phòng tắm.

Khi nói rằng ông cần đi tiểu sau khi chờ 8 tiếng vì sự chậm trễ phóng vào năm 1961, phi hành gia Alan Shepard (người Mỹ) nhận được lệnh từ người điều khiển sứ mệnh: “Hãy làm việc đó trong bộ đồ”.

Vấn đề vẫn chưa được giải quyết cho đến những năm 1980 khi Tang Xinyuan (nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, người làm việc cho NASA - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ) thiết kế tã lót cho một bộ đồ không gian có thể hấp thụ 1.400 ml nước tiểu. Nó tiếp tục được biến đổi thành loại quần áo có khả năng thấm hút tối đa (MAG) mà các phi hành gia NASA mặc ngày nay, được kéo lên như chiếc quần đùi, dung tích lên đến 2 lít.

Tuy nhiên, MAG không thoải mái khi mặc và bị coi là quá lớn, Wang Tianhui nói.

Ông cho hay: “Các phi hành gia quan tâm nhiều hơn đến sự thoải mái và khả năng hấp thụ 1kg là đủ cho nhu cầu hàng không vũ trụ. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào".

Các phi hành gia đi vệ sinh trong không gian như thế nào?

Với các phi hành gia, việc tưởng chừng như bình thường trên Trái đất lại thực sự là vấn đề phức tạp trong không gian.

Trong không gian, nhà vệ sinh của các phi hành gia không thể như bình thường.

Trên thực tế, chất thải từ các phi hành gia có thể trôi ra khỏi bồn cầu. Điều đó không tốt cho sức khỏe của các phi hành gia cũng như các thiết bị nhạy cảm bên trong trạm vũ trụ. Vậy các phi hành gia đi vệ sinh trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) như thế nào?

Năm 1961, Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian. Chuyến đi của phi hành gia này được cho là ngắn nên không có kế hoạch cho việc đi tiểu. Vụ phóng đã bị trì hoãn hơn 3 giờ sau khi Alan Shepard lên tên lửa chuẩn bị. Cuối cùng, thay vì lãng phí thời gian để đi tiểu, Alan Shepard đã được phép có thể đi tiểu một cách an toàn bên trong chính bộ đồ vũ trụ của mình. Kết quả là người Mỹ đầu tiên bay vào không gian mặc bộ đồ lót ẩm ướt.

Ngày nay có nhà vệ sinh hiện đại hơn nhiều trên trạm vũ trụ. Nhà vệ sinh ban đầu được thiết kế vào năm 2000 dành cho nam giới và rất khó cho phụ nữ sử dụng. Để đi đại tiện, các phi hành gia phải sử dụng dây đai đùi để ngồi trên bồn cầu nhỏ và để giữ một miếng đệm kín giữa đáy của họ với bệ ngồi trong nhà vệ sinh. Nó thực sự hoạt động không tốt và khó giữ sạch.

Vào năm 2018, NASA đã chi đến 23 triệu USD để nghiên cứu và tạo ra một nhà vệ sinh mới với nhiều cải tiến dành cho các phi hành gia trên Trạm vũ trụ Quốc tế. Để giải quyết các vấn đề về sự cố phòng tắm không trọng lực, nhà vệ sinh mới là loại chân không được thiết kế đặc biệt có hai phần, một vòi có phễu ở cuối để đi tiểu và một bệ vệ sinh nhỏ nhô cao để đại tiện.

Nhà vệ sinh mới thoải mái hơn, dễ sử dụng hơn cho cả nam và nữ trên Trạm vũ trụ Quốc tế

Nhà vệ sinh đặc biệt có đầy đủ các bệ đỡ và chỗ đứng để các phi hành gia sử dụng. Để đi tiểu, họ có thể ngồi hoặc đứng, sau đó giữ chặt phễu và vòi vào da để chất thải không có gì rò rỉ ra ngoài. Để đi đại tiện, các phi hành gia nhấc nắp bồn cầu và ngồi vào chỗ ngồi giống như bồn cầu ở trên Trái đất. Thế nhưng, nhà vệ sinh này bắt đầu thực hiện việc hút ngay sau khi nắp được nhấc lên để ngăn không cho chất thải trôi ra ngoài và kiểm soát mùi hôi thối.

Để đảm bảo có sự vừa khít giữa bệ ngồi nhà vệ sinh và chỗ nghiêng của các phi hành gia, bệ ngồi này nhỏ hơn ở Trái đất.

Nước tiểu hơn 90% là nước. Vì nước nặng và chiếm nhiều không gian nên việc tái chế nước tiểu tốt hơn là lấy nước sạch từ Trái đất. Tất cả nước tiểu của phi hành gia được thu thập và biến trở lại thành nước sạch, có thể uống được. Với vấn đề này, các phi hành gia từng nói đùa rằng: "Cà phê hôm nay là cà phê ngày mai!".

Trong khi đó, đôi khi phân của phi hành gia được đưa trở lại Trái đất để các nhà khoa học nghiên cứu, nhưng hầu hết thải trong phòng tắm bao gồm cả phân của các phi hành gia sẽ được đốt cháy.

Phân được hút chân không vào các túi rác được đưa vào thùng kín. Các phi hành gia cũng để giấy vệ sinh, khăn lau và găng tay trong hộp đựng. Sau đó, các container đặc biệt được chất vào một con tàu chở hàng để đưa quay trở lại Trái đất và nó bốc cháy trong bầu khí quyển trên của Trái đất.

Nếu bạn từng nhìn thấy một ngôi sao băng, đó có thể là thiên thạch đang bốc cháy trong bầu khí quyển của Trái đất hoặc có thể là chất thải của các phi hành gia.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-nha-du-hanh-vu-tru-trung-quoc-doi-mac-ta-lot-mong-nhat-trong-khong-gian-184386.html