Các nghi lễ truyền thống nên làm trong Tết Đoan Ngọ mùng 5/5

Trong ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 hay còn gọi là Tết Giết Sâu Bọ, nhiều nghi lễ truyền thống được thực hiện với mong ước mọi bệnh tật tiêu tan, nhà cửa sinh khí tốt và mùa màng tốt tươi.

Mâm cỗ cúng tết Đoan Ngọ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Mâm cỗ cúng tết Đoan Ngọ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

1.Mâm cỗ cúng tết Đoan Ngọ (Cúng trước khi mặt trời lên là tốt nhất)

-Cơm rượu nếp
-Bánh gio
-Hoa quả, nhất thiết phải có là mận, dưa lê, vải.
2.Các nghi lễ cần làm trong ngày Tết Đoan Ngọ
*Tắm sớm: Theo phong tục truyền thống, trong ngày tết Đoan Ngọ, mọi người cần dậy sớm trước khi mặt trời mọc, tắm rửa sạch sẽ để trừ hết rôm sẩy.
*Ăn cơm rượu nếp đầu tiên: Theo y học cổ truyền, cơm rượu có vị ngọt, tác dụng bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm…
Sau khi tắm rửa sạch sẽ, mỗi người ăn một chút cơm rượu nếp lúc đói để diệt trừ giun sán và bệnh tật trong cơ thể.
* Ăn trái cây

Ăn mận vào Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Vào đầu hè, các loại trái cây vào mùa thu hoạch. Việc ăn trái cây đầu mùa, đặc biệt là cái loại trái cây như mận, vải, xoài… không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
*Ăn bánh gio: Bánh gio (còn có tên gọi là bánh tro, bánh nắng, bánh nẳng, bánh ú tro) là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Loại bành này được làm từ bột gạo nếp ngâm và lọc qua nước tro của một số loại cây trong vườn nhà. Nguyên liệu dễ kiếm nhưng cách làm lại khá cầu kỳ. Tuy vậy, nhưng nó lại được lòng rất nhiều người bởi màu sắc hấp dẫn, hương thơm đặc trưng của cây vườn nhà và vị thanh mát tan ngay trong miệng.
*Bôi vôi cho trẻ em: Theo cuốn sách của Henri Oger về phong tục dân gian "kỳ lạ" của Tết Đoan Ngọ xưa, một số nơi có phong tục bôi vôi ăn trầu vào rốn, trán, thóp của trẻ em với mong muốn trừ tà, trừ mọi bệnh tật trong cơ thể.

Phong tục bôi vôi. Nguồn: Sách Henri Oger

*Bắc chảo rang trên bếp: Vào sáng sớm 5/5 âm lịch, nhiều gia đình ở nông thôn Bắc Bộ và Trung Bộ thường bắc một chiếc chảo gang to trên bếp lửa, vừa lấy đũa đảo tượng trưng trên chảo, vừa đọc “rang mối, rang kiến” với mong muốn các loại côn trùng này không làm tổ trong nhà, không phá hoại đồ đạc trong nhà.
*Hái lá thuốc: Người Việt xưa thường hái lá thuốc vào giờ ngọ, sau khi đã cùng nhau ăn cỗ Tết. Đó là khi dương khí tốt nhất trong cả năm và người Việt tin rằng lá thuốc được hái vào giờ đó sẽ cho công hiệu tốt nhất.
Những loại lá thuốc thường được hái là: Lá ngải cứu, kinh giới, tía tô, xả, cam thảo đất, bưởi… Lá thuốc sau khi hái sẽ được đem phơi khô, để uống dần hoặc có thể đun nước xông tắm ngay hôm đó.
*Khảo cây vào giờ Ngọ: Đâu là phong tục xuất phát từ những vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp, nên nhiều địa phương có tập tục khảo cây (còn gọi là đánh cây) trong ngày mồng 5/5 âm lịch. Qua đó thể hiện ước mong cuộc sống luôn sung túc như cây cối luôn đơm đầy hoa trái.
Mỗi vùng có một cách khảo cây khác nhau nhưng tất thảy đều diễn ra vào đúng 12 giờ trưa. Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh.
Để khảo cây, cần có hai người. Một người đảm nhận nhiệm vụ trèo lên các cây ăn quả trong vườn để “đóng vai” là cây (chủ yếu là trẻ em). Người đứng dưới gốc cầm dao gõ vào thân cây, vừa gõ vừa hỏi tại sao năm nay ra ít quả? Người trên cây sẽ đáp trả lý do tại sao ra ít quả, hoặc không ra quả, do sâu bệnh hoặc do thời tiết. Người đứng dưới lại tiếp tục hỏi mùa tới có ra quả hay không, nhiều hay ít quả và “dọa” nếu không cho quả như ý muốn thì sẽ bị đốn hạ. Người trên cây trả lời những câu hỏi với giọng cuống quýt, van xin đừng đốn, đồng thời hứa sẽ cho nhiều quả to vào mùa sau./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nghi-le-truyen-thong-nen-lam-trong-tet-doan-ngo-mung-5-5/160710.html