Các ngân hàng trung ương lớn đồng thuận về cách tiếp cận quản lý stablecoin

Triển vọng về một stablecoin được sử dụng bởi hàng tỷ người như Libra của Facebook, dù chưa thành sự thực, đã khiến các ngân hàng trung ương buộc phải đưa ra các quy tắc.

Biểu tượng đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: FORTUNE/ TTXVN

Biểu tượng đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: FORTUNE/ TTXVN

Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), ban điều phối các quy tắc tài chính cho Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 12/10 cho biết các ngân hàng trung ương thành viên đã nhất trí về cách tiếp cận chung trong việc quản lý các stablecoin (chỉ các đồng tiền điện tử được định giá theo một tài sản cố định như đồng USD) như đồng Libra của Facebook.
Đồng thời, các ngân hàng trung ước cho biết sau này thể giới có thể cần thêm các quy tắc mới để đảm bảo sự ổn định từ các loại tiền tệ như vậy.
FSB cho biết trong một tuyên bố rằng các quy tắc hiện hành không đủ để điều chỉnh được các stablecoin. FSB lưu ý các cơ quan quản lý nên đảm bảo rằng các stablecoin toàn cầu phải có trách nhiệm giải trình, lưu giữ dữ liệu an toàn, có các biện pháp bảo vệ hiệu quả chống lại các cuộc tấn công mạng và hoạt động rửa tiền.
Triển vọng về một stablecoin được sử dụng bởi hàng tỷ người như Libra của Facebook, dù chưa thành sự thực, đã khiến các ngân hàng trung ương buộc phải đưa ra các quy tắc và xem xét cách họ có thể tung ra một đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Trong một báo cáo gửi các Bộ trưởng Tài chính G20, FSB cho biết một stablecoin được chấp nhận rộng rãi với khả năng tiếp cận và sử dụng tại nhiều khu vực khác nhau có thể đóng vai trò quan trọng cho hệ thống tài chính thế giới.

Ủy ban này cũng công nhận rằng stablecoin sẽ tăng tính hiệu quả cho các khoản thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, vốn có thường khá chậm và đắt đỏ. Trước đó, FSB đã từng đưa ra một bản dự thảo khuyến nghị để tham vấn công chúng về vấn đề này vào tháng Tư.
FSB cho biết họ sẽ thực hiện "các hành động thích hợp" để đảm bảo các stablecoin tuân thủ hướng dẫn, qua đó tránh các lỗ hổng quy định có thể làm suy yếu sự ổn định tài chính của các quốc gia.

Theo đó, các dự án stablecoin tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn quy định hiện hành, giải quyết các rủi ro đối với “sức khỏe” tài chính quốc gia trước khi bắt đầu triển khai và thích ứng với các yêu cầu mới nếu cần thiết.
Dự kiến, các cơ quan quản lý về hoạt động ngân hàng và phòng chống rửa tiền sẽ báo cáo vào tháng 12/2021 về việc liệu có cần thay đổi quy tắc hay không. FSB cho biết thêm quá trình đánh giá các stablecoin đang được quản lý sẽ hoàn thành vào tháng 7/2023./.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ca-c-ngan-hang-trung-uong-lo-n-do-ng-thua-n-ve-ca-ch-tie-p-ca-n-qua-n-ly-stablecoin/174411.html