Các ngân hàng Trung Quốc có thể bị Mỹ trừng phạt vì làm ăn với Triều Tiên

Các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải theo dõi chặt chẽ Washington vàBình Nhưỡng, vì họ có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu mối quan hệ Mỹ -Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn.

Các ngân hàng Trung Quốc có nguy cơ phải chịu lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ vì các vấn đề liên quan đến Triều Tiên

Theo CNBC, một số quan chức có tiếng nói ở Mỹ đã gợi ý rằng sự trừng phạt thứ cấp nên được áp đặt lên các ngân hàng Trung Quốc hiện giữ tiền cho những công ty kinh doanh với Triều Tiên. “Chúng tôi muốn nói với Trung Quốc rằng, họ có thể lựa chọn làm ăn hoặc với Triều Tiên, hoặc với Mỹ. Nhưng họ không thể lựa chọn cả hai”, thượng nghị sĩ Chris Van Hollen nói với kênh truyền hình cáp MSNBC của Mỹ hôm 10.8.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, thương mại Trung - Triều đạt mức 2,6 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, trong đó dầu mỏ và than là những giao dịch chính. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay cũng cho rằng các ngân hàng và doanh nghiệp của Triều Tiên vẫn duy trì được khả năng tiếp cận vào thị trường tài chính quốc tế thông qua một mạng lưới công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Sau các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa liên tiếp của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây, cộng với sức ép thôi thúc hành động từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh đã phải cùng với thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết nhất trí áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Song, theo các chuyên gia động thái này của Đại lục dường như là để bảo vệ các ngân hàng của họ trong ngắn hạn nhiều hơn là mong muốn “bóp nghẹt” kinh tế nước láng giềng.

“Quyết định của Trung Quốc trong việc ký lệnh trừng phạt mới mà Liên Hiệp Quốc dành cho Triều Tiên là cách để nước này kiểm soát rủi ro, cũng như ngăn chặn những biện pháp chế tài thứ cấp do Mỹ áp đặt lên các công ty và ngân hàng lớn của họ”, Andrew Gilhom, Giám đốc phân tích kinh tế Trung Quốc và Bắc Á của Control Risks, nói.

Tuy nhiên, với những tuyên bố đe dọa ngày càng mạnh mẽ từ phía Nhà Trắng, Mỹ hoàn toàn có thể sẽ quay lại đề tài xử phạt thứ cấp nếu họ cảm thấy chính quyền Bắc Kinh không cung cấp đầy đủ sự trợ giúp mà Mỹ cần trong vấn đề Triều Tiên.

“Nếu các biện pháp chế tài thứ cấp được Mỹ đưa ra, thì các ngân hàng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn là phải tuân thủ. Hiện các ngân hàng Trung Quốc đang có khối lượng giao dịch thương mại khổng lồ phụ thuộc vào đồng USD. Do đó Mỹ có vũ khí tuyệt vời để có thể khiến các ngân hàng Trung Quốc không làm ăn được bằng cách ngăn cấm thanh toán bù trừ bằng đồng USD. Và trên thực tế nếu điều này xảy ra, thì bất kỳ ngân hàng nào đang giao dịch kinh doanh phần lớn bằng đồng USD mà vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đều sẽ phải trả tiền phạt”, Jessica Bartlett, một cộng sự cao cấp tại hãng luật Freshfields Bruckhaus Deringer ở Hồng Kông, cho biết.

Năm 2015, ngân hàng Pháp BNP Paribas đã bị phạt 8,9 tỉ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, và trường hợp của các ngân hàng Trung Quốc liên quan đến Triều Tiên có thể còn bị phạt nhiều hơn thế.

Việc xử phạt ngân hàng và công ty Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên là một công cụ mà Mỹ phải làm để gây ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Nhưng cho đến nay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới chỉ phạt một ngân hàng của Đại lục hồi tháng 6.2017.

Các quan chức kho bạc và FinCEN (Mạng lưới Thi hành Luật pháp về Tội phạm Tài chính) của Mỹ cáo buộc rằng Ngân hàng Đan Đông “đã đóng vai trò như người dẫn đường cho hoạt động tài chính bất hợp pháp của Triều Tiên, đồng thời là ngân hàng nước ngoài bị quan ngại về việc rửa tiền”.

Song, trường hợp chống lại Ngân hàng Đan Đông, theo các chuyên gia có lẽ không có liên quan, ít nhất về mặt kỹ thuật, đối với những căng thẳng chính trị mới nhất giữa các bên. “Đối với tôi, trường hợp của Ngân hàng Đan Đông không phản ánh rõ ràng về một sự thay đổi chính sách hoặc phản ứng của chính quyền mới đối với các động thái hạt nhân gần đây của Triều Tiên. Nó giống với việc thắt chặt dần các biện pháp chế tài dành cho Triều Tiên đã được bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Obama nhiều hơn. Những lĩnh vực mới mà giới chức Mỹ tập trung, tốc độ thực hiện cũng như quy định về số tiền phạt sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị Mỹ trong thời gian tới”, bà Bartlett nhận định.

Phương Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/cac-ngan-hang-trung-quoc-co-the-bi-my-trung-phat-vi-lam-an-voi-trieu-tien-865647.html