Các ngân hàng Mỹ sắp rút khỏi Trung Quốc?

Đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh cùng triển vọng kinh tế ảm đạm hơn kỳ vọng của Trung Quốc khiến nhiều ngân hàng Mỹ bắt đầu thu hẹp quy mô tại thị trường tỷ dân.

Trung Quốc, thị trưởng 1,4 tỷ dân từng được coi là miền đất hứa mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, đã không còn là mảnh đất màu mỡ trong mắt các ngân hàng lớn của Mỹ. Từ khi xung đột giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, các ngân hàng Mỹ ngày càng lo sợ rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Nikkei Asia.

Cắt giảm hiện diện

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Trump và được tiếp nối dưới thời Tổng thống Joe Biden, đã khiến cả Washington và Bắc Kinh siết chặt các quy định và tăng cường trừng phạt lẫn nhau.

Hệ quả là hàng loạt ngân hàng lớn của Mỹ đã bắt đầu xem xét cắt giảm nhân lực tại Trung Quốc nói riêng cũng như khu vực Đông Á nói chung.

"Ý tưởng trước đây là tìm chỗ đứng chân và xây dựng công việc làm ăn. Ngay cả nếu phải đầu tư lớn, bạn vẫn có thể kiếm rất nhiều lợi nhuận về sau. Nhưng các tính toán giờ đã thay đổi", David Williams, cựu giám đốc ngân hàng Merrill Lynch chi nhánh Hong Kong, nói.

 Morgan Stanley nằm trong số các ngân hàng đang cắt giảm quy mô ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Morgan Stanley nằm trong số các ngân hàng đang cắt giảm quy mô ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Hai ngân hàng lớn của Mỹ là Goldman Sachs và Morgan Stanley đang bắt đầu cắt giảm quy mô nhân lực ở châu Á - Thái Bình Dương, theo Bloomberg. Riêng trong mảng ngân hàng đầu tư, Morgan Stanley sẽ sa thải 7% nhân viên trên toàn khu vực.

Quyết định thu hẹp quy mô nhân sự được các ngân hàng Mỹ đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bước sang năm thứ 5.

Trung Quốc từng có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở quy mô chưa từng có, mang tới lợi nhuận khổng lồ cho các ngân hàng. Đó là lý do các ông lớn ngành ngân hàng Mỹ có thời "hối hả" rót tiền vào đại lục.

Nhưng dưới sức ép ngày càng gia tăng từ chính sách pháp luật bị thắt chặt, nguy cơ hứng chịu trừng phạt từ cả Washington và Bắc Kinh vì kinh doanh ở Trung Quốc, các ngân hàng có chung nhận định đánh đổi giữa mức độ rủi ro và lợi nhuận thu được ngày càng mất cân bằng.

Hỗ trợ các công ty Trung Quốc hoàn thiện thủ tục pháp lý để niêm yết trên sàn giao dịch New York đã có thời là mảnh đất kiếm tiền béo bở của các ngân hàng Mỹ.

Nhưng năm 2021, chính quyền Trung Quốc ngăn công ty công nghệ Didi niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Hàng loạt công ty Trung Quốc sau đó chịu sức ép của Bắc Kinh, buộc phải hủy niêm yết ở Mỹ và quay về các sàn giao dịch đại lục.

Những xung đột trong giám sát kế toán theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, cũng như việc Bắc Kinh đang gây sức ép yêu cầu công ty Trung Quốc sử dụng các công ty kế toán nội địa, có thể khiến thêm nhiều công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết ở Mỹ.

Lúc này, chính quyền Tổng thống Biden đang tiến gần hơn tới việc đưa ra sắc lệnh hành pháp nhằm rà soát các khoản đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt với một số ngành nghề ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh Bắc Kinh được coi là đối thủ chiến lược nặng ký nhất, các chính trị gia Mỹ hầu như không có lý do để giảm bớt thái độ diều hâu, bởi vậy Washington ngày càng tỏ ra hoài nghi với các khoản đầu tư vào Bắc Kinh.

Vấn đề nội tại của Trung Quốc

Ngoài các xung đột chính trị, các ngân hàng Mỹ cũng đang nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc.

Các dữ liệu kinh tế đáng thất vọng công bố hồi đầu tháng 5 là cơ sở để các ngân hàng Mỹ, cũng như giới chuyên gia kinh tế thế giới, xem xét lại triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn hậu Covid-19.

Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 4 cho thấy sự tăng trưởng trong giai đoạn 12 tháng, nhưng ở mức thấp so với dự báo. Sản lượng công nghiệp chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, được đánh giá là con số đáng thất vọng khi mức kỳ vọng ban đầu là 11%.

Các chỉ số kinh tế công bố tháng 5 của Trung Quốc không đạt kỳ vọng. Ảnh: New Yorker.

Barclays, một trong các ngân hàng lớn nhất của Anh, miêu tả nền kinh tế Trung Quốc là "chiếc động cơ đã hết động lực".

"Chúng tôi tin rằng sự giảm tốc nhanh hơn kỳ vọng trong các chỉ số chính đã cho thấy dự báo tăng trưởng 5,6% của năm nay sẽ không đạt được", Barclays nhận định, đồng thời hạ mức tăng trưởng dự báo của Trung Quốc xuống 5,3%.

Trong khi đó, Citigroup cho rằng những dữ liệu đáng thất vọng vừa qua sẽ khiến những con số lạc quan hồi đầu năm trở nên vô nghĩa, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, càng khiến tốc độ tăng trưởng khó bật tăng trở lại.

"Đây có thể là rủi ro hàng đầu cho nền kinh tế Trung Quốc", Citigroup cho biết.

Những vấn đề mà nền kinh tế số hai thế giới đang đối mặt, đi kèm rủi ro pháp lý khó lường trước, không chỉ hạn chế các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh mà còn đe dọa hàng tỷ USD mà các ngân hàng Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc.

Đầu năm 2023, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ là JP Morgan Chase, Bank of America và Citigroup có tổng cộng 45 tỷ USD đầu tư ở Trung Quốc. Con số trên thấp hơn 9 tỷ USD so với năm ngoái. Các ngân hàng Mỹ nhìn chung đã cảnh giác hơn rất nhiều so với thời gian trước, khi tăng trưởng kinh tế tạo ra những cơ hội không giới hạn.

Khi ông Williams bắt đầu điều hành ngân hàng ở Hong Kong, ngay sau khi thành phố được trao trả về đại lục cuối thập niên 1990, Trung Quốc được giới đầu tư nước ngoài coi như "chén thánh".

"Trung Quốc vẫn đầy hứa hẹn như vậy nếu chúng ta có thể kinh doanh ở quy mô như tại Mỹ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần", ông Williams nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-ngan-hang-my-sap-rut-khoi-trung-quoc-post1434754.html