Các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Sau một vài thập kỷ biến động, các thị trường mới nổi đã trở nên chín chắn và linh hoạt hơn. Nhưng đi kèm với đó, một số đặc tính năng động của thị trường lại biến mất.

Ảnh: The Economist

Vào năm 1875 Đế chế Ottoman đã không thể trả đủ cho một nửa khoản nợ nước ngoài của mình, đây cũng là nạn nhân của "cuộc khủng hoảng nợ đầu tiên của thế giới". Các chủ nợ của đế chế này, dẫn đầu bởi Ngân hàng Hoàng gia Ottoman, đã buộc hoàng đế phải chấp nhận một giải pháp nhục nhã. Thay vì chờ đợi để được hoàn trả từ khoản thu thuế, ngân hàng này đã giành quyền thu nửa tá thuế, bao gồm thuế tem và thuế rượu. Sau 15 năm, ngân hàng đã thu đủ số tiền để xây dựng trụ sở mới ấn tượng ở Istanbul.

Từ lâu trước khi thuật ngữ khủng hoảng nợ được ra đời, các thị trường mới nổi là mảnh đất béo bở để thu lợi nhuận, tất nhiên, đi kèm với đó là rủi ro. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1875 kể trên là một ví dụ và nó đã kéo theo sau nhiều hệ quả.

Gần đây, các thị trường mới nổi cũng đã nhiều phen phải 'thót tim'. Khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những lời hứa hẹn theo chủ nghĩa dân túy của ông đã làm tăng lượng trái phiếu Mỹ, làm giảm giá tài sản của các thị trường mới nổi. 'Cơn thịnh nộ của Trump' dường như là sự kiện mới nhất trong chuỗi những thất bại của các thị trường mới nổi.

Theo sau kế hoạch giảm giá đồng Nhân dân tệ vào năm 2015 của Trung Quốc, sự sụt giảm giá dầu và quặng sắt vào năm 2014 và sự sụt giảm trong hoạt động mua sắm tài sản của Cục dự trữ liên bang Mỹ vào năm 2013 đã khiến các thị trường mới nổi rơi vào hỗn loạn.

'Cơn giận dữ của Trump' đã xuất hiện trước những rủi ro chính trị phát sinh tại các thị trường mới nổi, bao gồm các vụ tranh chấp ở Ukraine, cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, cuộc đảo chính thành công ở Thái Lan vào năm 2014 và một cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, cùng với đó, việc bãi nhiệm một tổng thống không được lòng dân ở Brazil vì gian lận tài chính.

Tuy nhiên, có vẻ như lạ lùng rằng tính đến nay, khoảng thời gian cầm quyền của ông Trump, người phản đối gay gắt chủ trương thương mại hóa toàn cầu, lại trùng với sự phục hồi của toàn cầu hóa. Theo Cơ quan phân tích chính sách kinh tế Hà Lan, trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu của thị trường mới nổi tăng 4,6% so với năm ngoái, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.

Cho đến nay 21 trong số 24 quốc gia trong chỉ số các thị trường mới nổi MSCI, chỉ số chứng khoán phổ biến nhất châu Á, đã báo cáo số liệu GDP trong quý II năm nay của họ đều tăng so với quý trước.

Tuy nhiên, sự cải thiện tăng trưởng của thị trường mới nổi đi kèm với sự biến đổi mới đối với tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu của các nền kinh tế này.

Theo Viện tài chính quốc tế, vào tháng 8, các nước này ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tháng thứ 9 liên tiếp, đây là chu kỳ dài nhất kể từ năm 2014. Chỉ số tỷ giá ở các thị trường mới nổi do MSCI thu thập đã tăng 14% kể từ khi chạm đáy vào tháng 1/2016. Ngay cả những đồng tiền có tỷ giá thấp như đồng rúp Nga, đồng peso của Mexico và đồng NDT của Trung Quốc cũng đang thách thức đồng USD trong năm nay.

Giá trái phiếu tính theo USD của các thị trường mới nổi đã tăng hơn 6% trong nửa đầu năm nay. Nhưng vẫn thua xa sự khởi sắc của thị trường chứng khoán của họ. Chỉ số MSCI EM đã tăng trên 1.000 điểm trong tháng 5 từ mức dưới 700 vào tháng 1/2016, mức tăng hàng năm khoảng 33%.

Nguồn: Thomson Reuters

Những người bi quan vẫn có lý do để lo lắng. Những cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi thường bắt đầu tại Washington, khi Fed tăng lãi suất hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ theo nhiều cách khác nhau. Và như một biến thể mới của chủ đề cũ này, các nhà đầu tư có thể đau đầu về quyết định gần đây của Fed về việc họ bắt đầu cắt giảm sức mua tài sản sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chu kỳ hàng hóa là một vấn đề bất ổn khác. Việc cắt giảm một nửa giá dầu trong nửa cuối năm 2014 đã gây ra nhiều tổn thất cho Nga và các nhà xuất khẩu dầu thô khác. Ngược lại, giá dầu cao trong những năm trước đó đã làm gia tăng thâm hụt thương mại kéo dài và đẩy lạm phát ở các nước như Ấn Độ và Pakistan. Cuộc khủng hoảng nợ ở các nước Mỹ Latin năm 1982 xảy ra chính do sự kết hợp của cú sốc hàng hóa và cú sốc của các chính sách Fed. Những khoản lợi nhuận khổng lồ của các nhà xuất khẩu dầu vùng Vịnh trong suốt đợt tăng giá dầu trong những năm 1970 đã được lưu giữ tại các ngân hàng Mỹ. Sau đó, các ngân hàng này đã cho các chính phủ Mỹ Latin vay, tuy nhiên, các khoản vay này sau đó trở thành không thể trả lại khi Fed tăng lãi suất mạnh trong năm 1979-1981.

Trong khi đó, các nước không có nguồn tài nguyên giàu có đang mang những lo lắng riêng. Ở nhiều thị trường mới nổi, nguồn tài nguyên duy nhất là nhân lực, tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động hiện nay phải đối mặt với hai mối đe dọa. Một là tự động hóa. Tính linh hoạt và hiệu quả ngày càng tăng của việc sử dụng công nghệ robot có thể làm xói mòn những lợi thế của lao động rẻ.

Một mối đe dọa khác mang tên chủ nghĩa bảo hộ. Các nền kinh tế mới nổi luôn dựa vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới: Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Trump lại đang muốn giảm sự mất cân bằng thương mại của nước này, vì thế trở nên tích cực hơn trong việc áp thuế chống phá giá và các loại thuế khác đối với hàng hóa mà họ cho là quá rẻ.

Các nền kinh tế mới nổi trong những năm gần đây đang dần trở nên linh hoạt hơn, mặc dù không mạnh mẽ và đã đánh mất một số cơ hội cũng như động lực tăng trưởng. Điều đó sẽ cho phép họ phục hồi liên tục bất chấp những mối đe dọa họ phải đối mặt.

Mark Dow, một nhà quản lý tiền và cựu kinh tế gia của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối năm ngoái, cho biết: "Nhiều nhà đầu tư tại các nước mới nổi đang chờ đợi cuộc khủng hoảng kiểu cũ". Theo kinh nghiệm của họ thì cuộc khủng hoảng luôn luôn kết thúc bằng một sự bùng nổ và điều này đã lặp lại rất nhiều lần. Tuy còn vài người nghi ngờ nhưng việc đó sẽ không xảy ra nữa. Đặc biệt, sự thất bại của các thị trường mới nổi khi xử lý những cú sốc trước đó (như giá dầu tăng cao trong những năm 1970, chính sách của Fed chặt chẽ hơn trong giai đoạn 1979-81 và sản xuất bùng nổtại Trung Quốc vào những năm 2000) đã tạo ra mối lo ngại lâu dài cho các quốc gia có thu nhập trung bình nhiều khả năng bị mắc kẹt trong quá trình phát triển,hay còn gọi là 'bẫy thu nhập trung bình'.

Nếu 'cái bẫy' này có thật, nó sẽ đặt ra một vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các quốc gia ở mức độ phát triển trung bình chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể thành công nếu một phần lớn bị mắc kẹt. May mắn thay, cái bẫy là không có thật.

Minh Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cac-nen-kinh-te-moi-noi-dang-phai-doi-mat-voi-nhung-thach-thuc-nao-20171024092932046.htm