Các môn thể thao Olympic mới: Gian nan gieo 'hạt giống vàng'

Hiện nay, các môn thể thao Olympic ngày càng được coi trọng hơn. Đấu kiếm, Bắn cung, Boxing, Muay dù đi sau nhiều nước nhưng đã khẳng định được thương hiệu, có 'số má' ở đấu trường khu vực SEA Games, có môn triển vọng dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh Olympic… Thế nhưng, việc phát triển các môn này, đặc biệt ở tuyến năng khiếu của tỉnh còn mới mẻ và nhiều gian nan.

Chia sẻ về việc đào tạo các môn thể thao mới này, ông Đàm Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường TDTT tỉnh, cho biết: Xác định đây là các môn thể thao quan trọng, là định hướng của tương lai, chúng tôi đã sớm triển khai dạy học, mong muốn tìm kiếm và rèn giũa được nhiều tài năng cung cấp cho các tuyến trên. Tuy nhiên, do "sinh sau đẻ muộn", các môn trên còn không ít gian nan.

HLV môn Boxing cũng như các môn thể thao Olympic mới khác hầu như đều chuyển từ các môn thể thao khác sang làm công tác huấn luyện.

HLV môn Boxing cũng như các môn thể thao Olympic mới khác hầu như đều chuyển từ các môn thể thao khác sang làm công tác huấn luyện.

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, 4 môn thể thao Olympic mới gồm: Bắn cung, Muay, Boxing và Đấu kiếm vừa mới được Quảng Ninh tuyển chọn, đào tạo được 1 khóa. Tháng 1/2017, theo định hướng phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp của bóng đá tỉnh nhà, các lứa đào tạo bóng đá trẻ từ U11-13 trong diện đào tạo của Trường TDTT tỉnh được chuyển giao cho Công ty TNHH 1TV Bóng đá Quảng Ninh. Theo đó, 30 VĐV các U trên được chuyển giao để Bóng đá Than Quảng Ninh đào tạo, hoàn thiện tuyến trẻ từ U11-U23 theo yêu cầu của VFF.

Cuối năm 2019, Trường TDTT tỉnh bắt đầu đưa các môn trên vào giảng dạy, đào tạo theo định hướng của thể thao tỉnh nhà và của Bộ VH,TT&DL. Được phê duyệt, tháng 1/2020, Trường TDTT tỉnh bắt đầu tuyển sinh tuyến năng khiếu khóa đầu tiên với tổng số lượng là 30 VĐV.

Có mặt ở lớp học môn Boxing của thầy trò HLV Vũ Ngọc Cường vào chừng 18h30 mới thấy được nỗ lực của thầy trò bộ môn. Trong căn phòng rải thảm rộng chừng 50m2 tập cùng với bộ môn Muay, các học trò của HLV Vũ Ngọc Cường đang thay nhau tập thể lực và luyện kỹ thuật. Nhắc tới boxing, nhiều người nghĩ tới võ đài, máy tập, găng tay, áo giáp bảo hộ, bao cát tập đấm... để rèn sức bền, phản xạ. Thế nhưng hiện trang bị cho 9 thầy trò chỉ mới có số ít găng tay, vài dụng cụ tập gym, xà tập thể lực... Bản thân HLV Vũ Ngọc Cường cũng chuyển từ môn khác sang, chưa có nhiều cơ hội được đào tạo chuyên môn.

Đây cũng là thực trạng chung của các môn thể thao kể trên. Do các môn thể thao Olympic trên đều khá mới mẻ, vì thế hiện không có HLV chuyên môn. 100% HLV đang giảng dạy đều “sang ngang” từ các môn thể thao khác, như: Bóng đá, Bắn súng... Chính vì thế, từ giáo án, cách dạy, kỹ thuật..., HLV phải vừa dạy vừa tự nghiên cứu, học hỏi từ các “tiền bối” trong và ngoài tỉnh, ở các địa phương có thế mạnh, đã đi trước nhiều năm như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…

Bên cạnh đó còn là thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, hỗ trợ… Đối với các môn này, để tiến bộ nhanh, các VĐV phải được làm quen, tập thật với các trang thiết bị cần thiết, chứ không thể tập “chay”. Tương tự Boxing đã kể trên, Đấu kiếm, Muay cần có võ đài, các trang thiết bị bảo hộ, bộ cung tên hoặc các bộ giáp, kiếm dài... Thế nhưng hiện hầu như các lớp học chỉ được trang bị dụng cụ tập thể lực, các trang thiết bị tập luyện cơ bản mà học sinh phải luân phiên nhau sử dụng. “Mỗi bộ giáp, bảo hộ, cây cung hay kiếm đều có giá cao từ vài chục tới cả trăm triệu, vì thế không dễ để trang sắm ngay được và hiện đang chờ sự đầu tư của tỉnh” - thầy Vũ Ngọc Cường chia sẻ.

Các môn thể thao Olympic mới như: Muay, Boxing, Đấu kiếm... còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện.

Chưa hết, là môn thể thao mới nên việc tuyển sinh và lựa chọn các VĐV cũng có không ít bất cập. Đó là xây dựng quy trình test chuyên môn theo các tố chất nhanh, mạnh, bền. Các môn boxing, Muay hoặc Đấu kiếm đều đòi hỏi các tố chất, phản xạ tay, tốc độ… riêng biệt mà không dễ đánh giá chính xác.

Trong các môn thể thao Olympic mới đưa vào tuyển sinh, giảng dạy, có lẽ thuận lợi nhất là môn Đấu kiếm. Các VĐV tuyến năng khiếu được “gửi” lên học tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, tập với các VĐV và HLV của tuyến trên rất giàu kinh nghiệm và thành tích cùng các trang thiết bị, hạ tầng khá tốt.

Dù còn non trẻ nhưng điều đáng mừng và cũng là yếu tố động viên thầy trò nhiệt tình theo đuổi, đó chính là sự tiến bộ và những kết quả đáng khích lệ đầu tiên. Theo đó, sau 1 năm luyện tập, hầu hết 30 học sinh của 4 môn Olympic mới này đều theo đuổi bộ môn say mê và có nhiều tiến bộ. HLV Vũ Ngọc Cường đã gặt "trái ngọt" đầu tiên khi một học trò đoạt huy chương Đồng tại Giải trẻ toàn quốc năm 2020, cấp độ thi đấu cao nhất cho các VĐV trẻ.

Thể thao thành tích cao tỉnh nhà đang có những bước chuyển đáng kể, hướng tới chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, để quá trình này thực sự có hiệu quả, giúp thể thao tỉnh nhà tiếp tục khẳng định được vị thế của mình, có nhiều hơn nữa những VĐV đoạt huy chương ở các giải đấu cấp quốc gia, khu vực, châu lục... thì công tác tuyển chọn, nuôi dưỡng các "hạt giống vàng" cho các tuyến trên cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa. Đó là sự quan tâm đầu tư về con người, cơ sở vật chất, đồng thời cần thiết việc mở lại các lớp năng khiếu nghiệp dư, phát triển phong trào ở các địa phương, trong trường học...

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/the-thao/202104/cac-mon-the-thao-olympic-moi-gian-nan-gieo-hat-giong-vang-2527561/