Các mốc siêu âm quan trọng trong thai kỳ bà bầu không thể bỏ qua

Bà bầu cần biết siêu âm định kỳ theo từng mốc thời gian khi mang thai là cách an toàn kiểm tra tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Tại sao bà bầu phải siêu âm định kỳ?

Theo dõi chi tiết quá trình phát triển thai nhi trong bụng mẹ sẽ giúp con sinh ra khỏe mạnh, tầm soát được nhiều căn bệnh nguy hiểm. Hoạt động siêu âm là phương pháp an toàn giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng sức khỏe thai nhi trong những cột mốc phát triển nhất định.

Bà bầu cần biết chính xác các mốc siêu âm thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Các mốc siêu âm thai ở mẹ bầu sẽ trải dài ngay từ giai đoạn mang thai đến trước khi sinh. Theo các chuyên gia, ngay khi phụ nữ có dấu hiệu trễ kinh hoặc khi que thử thai báo hai vạch (giai đoạn tuần thai 5 – 6) cần đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để bắt đầu tiến hành theo dõi thai kỳ. Tiếp đó, chị em cần đi khám và siêu âm thai theo các mốc cụ thể dưới đây.

Các mốc siêu âm thai bà bầu cần nhớTuần thai 11 – 13 : Đo độ mờ da gáy

Quá trình siêu âm thai nhi trong tuần thai 11 – 13 giúp các bác sĩ tính chính xác tuổi thai nhi. Đây cũng là giai đoạn duy nhất có thể đo được độ mờ da gáy nhằm dự đoán những bất thường dẫn đến các hội chứng Down, thoát vị cơ hoành, dị dạng tim, chi… Từ tuần thai thứ 14 trở đi, những chỉ số này sẽ không còn chính xác.

Siêu âm đo độ mờ da gáy là việc quan trọng bà bầu không thể bỏ qua trong thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Nếu độ mờ da gáy của thai nhi là 3mm, bà bầu sẽ được chỉ định chọc ối để chẩn đoán nguy cơ mắc hội chứng Down đồng thời kết hợp siêu âm hình thái kiểm tra bé có dị dạng hay không.

Các bác sĩ cho biết, độ mờ da gáy dao động từ 3,5mm – 4,4mm thì thai nhi có tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể là 21,1%. Độ mờ da gáy cao trên 6,5mm, tỉ lệ bất thường nhiễm sắc thể lên tới 64,5%.

Tuần thai 14 – 17: Xét nghiệm sàng lọc Triple test

Xét nghiệm Triple test không có giá trị chẩn đoán chính xác mà chỉ dự đoán nguy cơ bị Down và dị dạng nhiễm sắc thể của thai nhi. Xác suất trên 1/250 thuộc trường hợp có nguy cơ cao, bà bầu sẽ được tham vẫn chọc ối để kiểm tra cụ thể. Phương pháp chọc ối dẫn đến quyết định cuối cùng của mẹ bầu cần xử lý ra sao nếu kết quả chẩn đoán thai nhi mắc hội chứng Down.

Tuần thai 21 – 24: Siêu âm 4D

Siêu âm 4D trong thai kỳ sẽ giúp phát hiện dị tật thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Trong giai đoạn tuần thai từ 21 – 24, bà bầu nên tiến hành siêu âm 4D kịp thời nhằm giúp phát hiện những bất thường về hình dạng thai nhi như các tật sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng các cơ quan khác. Đây cũng là giai đoạn có thể trục thai, kết thúc thai kỳ nếu thai nhi bị dị tật nghiêm trọng.

Tuần thai 30 – 32: Xác định bất thường hình thái

Những bất thường về hình thái tiếp tục được các bác sĩ kiểm tra thông qua các xét nghiệm, siêu âm ở tuần thai 30 - 32. Các hiện tượng bất thường ở hệ tim, động mạch, não bộ và tình trạng phát triển của thai nhi sẽ được xem xét cẩn thận trong giai đoạn này.

Thuần thai 35 – 36: Làm Non – stress

Những tuần cuối thai kỳ là thời điểm bà bầu được siêu âm màu doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung và kiểm tra tình trạng nước ối, dây rốn... Tình trạng sức khỏe, cân nặng và nhịp tim trẻ cũng được các bác sĩ thông báo cụ thể để bà bầu yên tâm cho hành trình vượt cạn đã rất gần.

Những tuần thai cuối, bà bầu sẽ siêu âm để kiểm tra các chỉ số phát triển của thai nhi trước khi bé chào đời - Ảnh minh họa: Internet

Các bác sĩ sản khoa cho biết, từ giai đoạn này trở đi bà bầu cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, khi thấy dấu hiệu đau bụng, ra máu hoặc xuất hiện các cơn co thắt tử cung cần đến bệnh viện kiểm tra để sẵn sàng tâm lý đón con chào đời.

Hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày của mẹ bầu sẽ an toàn và yên tâm hơn nếu chị em khám thai định kỳ và siêu âm thai ở từng mốc giai đoạn khác nhau đã nêu.

Hồng Ngân (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cac-moc-sieu-am-quan-trong-trong-thai-ky-ba-bau-khong-the-bo-qua-c20a289121.html