Các mỏ khai thác khoáng sản đã đóng cửa: Không dễ mời gọi đầu tư du lịch

Từ năm 2011-2020, Đồng Nai có 10 mỏ khai thác khoáng sản đã đóng cửa. Diện tích đất các mỏ trên dao động từ 5-34ha, hiện chỉ được rào chắn sơ sài rồi để đó. Tại các khu vưc này, hiện nay các địa phương đều đã quy hoạch sử dụng đất là phát triển du lịch sinh thái để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư.

Mỏ đá Hóa An ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) sau khi đóng cửa nhiều năm vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án khác. Ảnh: Hương Giang

Mỏ đá Hóa An ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) sau khi đóng cửa nhiều năm vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án khác. Ảnh: Hương Giang

Theo Sở TN-MT, các mỏ khoáng sản đã đóng cửa chủ yếu nằm trên hai địa bàn là TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch. Trong đó, riêng TP.Biên Hòa là 9 mỏ thuộc địa bàn các phường: Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn, Tân Hạnh, 1 mỏ còn lại nằm ở xã Phước An (H.Nhơn Trạch).

* Khó tìm nhà đầu tư

Trong giai đoạn 2016-2020, TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch đều quy hoạch sử dụng đất, trong đó quy hoạch khu vực các mỏ khoáng sản đã đóng cửa trên thành nơi phát triển du lịch sinh thái và mời gọi DN trong nước, nước ngoài đầu tư. Các mỏ trên có tổng diện tích trên 150ha và đều là khai thác đá. Do đó, độ sâu của các mỏ từ 50-80m, cá biệt có một số mỏ đá ở P.Hóa An được khai thác sâu, lên đến hơn 100m. Vì không có trong quy định nên nhiều chủ mỏ đã tận thu khoáng sản nên khai thác theo chiều thẳng đứng, tạo thành những vực sâu rất khó cải tạo.

Sau khi đóng cửa, trải qua nhiều mùa mưa, nước trong các mỏ đá dâng lên cao chừng 20-30m, khá nguy hiểm, người dân sống gần khu vực mỏ đá và chính quyền địa phương đều mong muốn sớm có nhà đầu tư để khai thác được tiềm năng của đất đai, hạn chế rủi ro.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Trong 5 năm qua, thành phố mời gọi nhiều DN đầu tư vào các mỏ đá đã đóng cửa, có những DN đã đến tìm hiểu địa hình nhưng chưa có dự tính thực hiện dự án. Các mỏ đá đã khai thác xong ở TP.Biên Hòa vẫn chưa tìm được nhà đầu tư theo quy hoạch”.

Trước đây, một số DN dự tính thuê đất các mỏ đã đóng cửa để khai thác điện mặt trời. Tuy nhiên, sau khi DN tính toán thấy vốn đầu tư cao hơn nhiều so với thực hiện dự án ở những vùng khác nên không triển khai.

Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND P.Hóa An (TP.Biên Hòa), nơi có 4 mỏ đá đã đóng cửa cả chục năm chia sẻ: “Phường không phải là đơn vị quản lý đất đai của các mỏ đã đóng cửa, nhưng đất đai nằm trên địa bàn nên phải theo dõi thường xuyên, không để xảy ra sự cố. Các mỏ đá đã đóng cửa hay bị đổ trộm rác, phường phải cử lực lượng theo dõi chặt chẽ, tốn rất nhiều nhân lực và thời gian mới hạn chế được việc đổ trộm rác”.

* Vẫn bế tắc về phương án giải quyết

Dự tính của TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch là trong giai đoạn 2021-2030 vẫn đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện những mỏ khoáng sản đã hết thời gian khai thác nhằm phát triển du lịch sinh thái, tiếp tục tìm DN đầu tư dự án. UBND tỉnh cũng đồng ý với các hướng quy hoạch trên của TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch.

Theo một số DN có tên tuổi trong lĩnh vực đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thì hiện nay, Đồng Nai có nhiều diện tích đất bằng phẳng, có sẵn sông, suối, hồ, núi, rừng, thác rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Vì vậy, các DN sẽ chọn những địa điểm có nhiều tiềm năng để đầu tư trước. Do đó, các mỏ đá rất khó tìm được nhà đầu tư trong những năm tới.

Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Huỳnh Văn Lĩnh cho hay: “Trung tâm được UBND tỉnh giao quản lý đất đai của 6 mỏ khai thác khoáng sản đã đóng cửa để tiến hành cho thuê hoặc đấu giá nếu DN có nhu cầu. Thế nhưng, đất tại các mỏ đều không thuận lợi cho phát triển các dự án nên chưa tìm được DN thuê đất hoặc đấu giá để sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch”.

Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có 41 mỏ khoáng sản đã được UBND tỉnh và Trung ương cấp phép khai thác. Trong đó có 36 mỏ đang hoạt động và 5 mỏ đang trong quá trình xây dựng cơ bản chưa đưa vào khai thác. Diện tích đất để khai thác khoáng sản lên đến hàng ngàn ha, tập trung ở TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu và H.Trảng Bom.

Khoáng sản của Đồng Nai chủ yếu là đá và thường nằm sâu dưới mặt đất từ 10-20m nên sau 10-30 năm khai thác xong thì sẽ tạo thành những hố sâu thẳng đứng từ 60-80m, rất khó cải tạo đất đai để thực hiện các dự án mới. Thực tế, với mỗi mỏ khoáng sản khai thác Nhà nước chỉ thu được khoảng vài tỷ đồng/ha. Khi khai thác xong, đất đai sẽ bị bỏ hoang từ 10-15 năm hoặc có thể lâu hơn nữa và không cho nguồn thu. Nếu tính toán về hiệu quả của đất đai thì khai thác khoáng sản đem đến giá trị rất thấp, chưa kể ảnh hưởng đến môi trường trong 1-3 thập niên ở những vùng xung quanh trong thời điểm khai thác khoáng sản.

Một số chuyên gia về kinh tế cho biết, muốn khai thác hiệu quả đất đai những khu vực sẽ cấp phép khai thác khoáng sản, các địa phương phải quy hoạch sử dụng đất có tầm nhìn xa. Trong đó, nên tham khảo kỹ ý kiến các chuyên gia về quy hoạch trong và ngoài nước để quy định chi tiết khai thác khoáng sản như thế nào cho phù hợp để sau khi khai thác xong có thể thực hiện các dự án về du lịch hoặc những dự án đầu tư khác.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202101/cac-mo-khai-thac-khoang-san-da-dong-cua-khong-de-moi-goi-dau-tu-du-lich-3041920/