Các mô hình xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (ABC) trên thế giới và kinh nghiệm áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam

LÊ THỊ HIÊN (Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Phương pháp xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (Activity-based costing, viết tắt là phương pháp ABC) là một phương pháp xác định chi phí hiện đại. Phương pháp này được cho là đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là phục vụ công tác kiểm soát chi phí, định giá sản phẩm và quản trị hiệu quả hoạt động. Hiện nay, phương pháp ABC đã được áp dụng phổ biến ở các quốc gia phát triển trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc,… Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc áp dụng phương pháp nàyvẫn còn nhiều hạn chế.

Bài viết nghiên cứu các mô hình ABC đang được áp dụng trên thế giới, từ đó rút ra kinh nghiệm áp dụng, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng mô hình ABC phù hợp với điều kiện nguồn lực và yêu cầu quản lý của từng đơn vị, để có thể vừa tận dụng được lợi ích to lớn của phương pháp ABC, vừa khắc phục được những tồn tại của phương pháp này. Theo đó, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính trong quá trình luận giải và phân tích.

Từ khóa: Phương pháp xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (ABC), mô hình xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động sử dụng ma trận EAD, mô hình xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động theo thời gian (TDABC).

1. Đặt vấn đề

Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây liên tục nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới, trong đó đóng góp của các doanh nghiệp nắm vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với một thách thức rất lớn, đó là sự cạnh tranh đang ngày càng trở nên gay gắt trên thị trường với xu hướng toàn cầu. Để thành công trong môi trường khốc liệt này, đòi hỏi DN phải thích ứng nhanh, đồng thời phải thật sự chú trọng đến việc quản trị chi phí và quản lý chuỗi giá trị để có thể sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao nhưng giá thành hợp lý. Phương pháp xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (phương pháp ABC) có thể được xem là một phần của giải pháp cho vấn đề trên.

Mặc dù phương pháp ABC được cho là đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, nhưng phương pháp này chưa được áp dụng phổ biến tại các doanh nghiệp Việt. Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống ABC được cho là phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhân lực, vật lực trong quá trình triển khai. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể vừa tận dụng được lợi ích của phương pháp ABC đem lại, vừa khắc phục được những hạn chế của chúng.

Bên cạnh mô hình ABC truyền thống, các học giả trên thế giới đã đề xuất 2 mô hình ABC điều chỉnh đó là mô hình ABC sử dụng ma trận chi phí - hoạt động (viết tắt là mô hình ABC sử dụng ma trận EAD) và mô hình ABC theo thời gian (Time - driven ABC, viết tắt là TDABC). Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu về các mô hình ABC, thực trạng áp dụng các mô hình này trên thế giới, từ đó rút ra kinh nghiệm áp dụng mô hình ABC phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Về phương pháp ABC

Phương pháp ABC lần đầu tiên được được đề cập đến trong cuốn sách “Relevance Lost: The Rise and Fall of Management Accounting” (Johnson và Kaplan, 1987). Ngay sau đó, năm 1988 trong nghiên cứu của mình trên tạp chí Havard Business Review với tựa đề “Measure Costs Right: Make the Right Decisions” (tạm dịch “Đo lường chi phí đúng: Ra quyết định đúng”), Cooper và Kaplan đã chính thức chia sẻ cho những người đọc ý tưởng về một hệ thống xác định chi phí mới với tên gọi là phương pháp xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (Activity-based costing, viết tắt là phương pháp ABC).

Phương pháp ABC được hiểu là một hệ thống đo lường, tập hợp và phân bổ chi phí của các nguồn lực vào các hoạt động dựa trên mức độ sử dụng các nguồn lực, sau đó chi phí của các hoạt động được phân bổ đến các đối tượng xác định chi phí dựa trên mức độ sử dụng của chúng (Cooper, R., và Kaplan R.S., 1998; Horngren và cộng sự, 2003; Maher và cộng sự, 2006).

Phương pháp ABC căn cứ trên một luận giải rất logic và thực tế, đó là: Muốn tạo ra sản phẩm, dịch vụ thì phải tiến hành các hoạt động. Khi tiến hành các hoạt động thì sẽ phát sinh chi phí. Như vậy, việc tiến hành các hoạt động là căn nguyên, là nguồn gốc phát sinh chi phí. Nghĩa là, các sản phẩm tiêu thụ các hoạt động, còn các hoạt động thì lại tiêu thụ các nguồn lực. Do đó, chi phí đầu tiên phải được phân bổ cho các hoạt động, sau đó mới được phân bổ cho các đối tượng xác định chi phí (sản phẩm, dịch vụ) dựa trên mức độ tiêu thụ các hoạt động của các đối tượng xác định chi phí đó.

Kể từ khi được Cooper và Kaplan chính thức công bố năm 1988, từ đó đến nay phương pháp ABC đã được các học giả trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, phát triển và đã đem lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp khi áp dụng thành công phương pháp này.

Phương pháp ABC phân bổ các chi phí sản xuất chung theo một quy trình gồm 2 giai đoạn (Hình 1):

- Giai đoạn 1: Xác định chi phí các hoạt động. Chi phí sản xuất chung được phân bổ cho các hoạt động trong quá trình sản xuất chế tạo sản phẩm.

- Giai đoạn 2: Xác định chi phí các sản phẩm, dịch vụ. Chi phí của các hoạt động được phân bổ đến từng đối tượng xác định chi phí (sản phẩm, dịch vụ) dựa vào mức độ sử dụng các hoạt động của các đối tượng đó.

3. Các mô hình ABC trên thế giới 3.1. Mô hình ABC truyền thống

Phương pháp ABC là một phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ. Phương pháp này coi việc tiến hành các hoạt động là cơ sở, là nguồn gốc phát sinh chi phí và tập trung vào việc phân bổ chi phí sản xuất chung cho các sản phẩm, dịch vụ dựa trên cơ sở các hoạt động cần cho việc sản xuất sản phẩm, dịch vụ đó. Phương pháp ABC được xây dựng trên cơ sở lập luận rằng việc thực hiện các hoạt động sẽ làm phát sinh chi phí, trong khi đó các hoạt động lại được thực hiện để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ,…

Mô hình ABC truyền thống được xây dựng dựa trên cơ sơ lý luận nền tảng của phương pháp ABC. Theo đó, khi các hoạt động của một doanh nghiệp được nhận diện, chi phí sản xuất chung sẽ được phân bổ vào các hoạt động (hay trung tâm hoạt động) dựa vào các tiêu thức phân bổ nguồn lực. Sau đó, chi phí sẽ được phân bổ, hoặc truy nguyên từ các tổ hợp chi phí hoạt động đến sản phẩm, dịch vụ theo tỷ lệ nhu cầu đối với từng hoạt động của từng sản phẩm.

Các bước triển khai mô hình ABC truyền thống

Bước 1: Nhận diện các chi phí trực tiếp

Chi phí trực tiếp trong các đơn vị sản xuất bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp. Các khoản chi phí này thường dễ nhận diện và được tập hợp thẳng vào đối tượng xác định chi phí để xác định chi phí sản xuất sản phẩm.

Bước 2: Nhận diện các hoạt động

Nhận diện các hoạt động tạo ra chi phí gián tiếp là vấn đề cơ bản của phương pháp ABC. Theo phương pháp này, mỗi hoạt động hoặc nhóm các hoạt động thường bao gồm các khoản chi phí có cùng nguồn gốc phát sinh (cost driver). Do vậy, việc nhận diện các hoạt động phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất kinh doanh và quy trình công nghệ của mỗi doanh nghiệp có các hoạt động tạo ra chi phí gián tiếp khác nhau. Các hoạt động từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng của quá trình sản xuất sẽ được nhận diện như vận hành máy, chế tạo sản phẩm, kiểm tra sản phẩm, nghiệm thu,...

Bước 3: Nhận diện chi phí gián tiếp và tập hợp chi phí cho từng hoạt động

Nhận diện các chi phí gián tiếp (các nguồn lực) và hạch toán quá trình sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động, còn gọi là tập hợp chi phí cho các tài khoản chi phí hoạt động. Mỗi một hoạt động cần tập hợp chi phí riêng vào một tài khoản chi tiết chi phí hoạt động.

Bước 4: Xác định tiêu thức phân bổ chi phí cho từng hoạt động

Xác định nguồn phát sinh chi phí, hay xác định tiêu thức phân bổ chi phí. Khi xác định tiêu thức phân bổ chi phí cho các hoạt động phải đảm bảo các tiêu thức phân bổ đó phải có mối quan hệ nhân quả với hoạt động.

Bước 5: Đo lường và xác định chi phí các hoạt động

Sau khi chi phí gián tiếp được tập hợp cho từng hoạt động, sẽ tiến hành xác định chi phí cho từng hoạt động dựa trên cơ sở phân bổ chi phí gián tiếp cho từng đơn vị hoạt động theo tiêu thức đã xác định ở Bước 4 và kết quả đo lường tổng số tiêu thức phân bổ của hoạt động.

Bước 6: Xác định chi phí sản phẩm, dịch vụ

Sau khi chi phí sản xuất chung được tập hợp và tính cho từng hoạt động, kế toán tiến hành phân bổ chi phí sản xuất chung của các hoạt động cho các sản phẩm, dịch vụ. Nếu hoạt động liên quan đến một loại sản phẩm thì kế toán kết chuyển toàn bộ chi phí đó cho đối tượng xác định chi phí thành. Nếu hoạt động liên quan tới 2 loại sản phẩm trở lên thì phải đo lường số đơn vị hoạt động dùng cho từng loại sản phẩm, trên cơ sở đó phân bổ chi phí của từng hoạt động cho từng loại sản phẩm cụ thể. Cuối cùng, tổng hợp chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp để xác định giá thành sản xuất của sản phẩm, dịch vụ.

3.2. Mô hình ABC sử dụng ma trận EAD

Sự hình thành phương pháp ABC sử dụng ma trận EAD

Mặc dù đã có nhiều tài liệu báo cáo về việc áp dụng phương pháp ABC tại các doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới, nhưng phương pháp ABC vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi bởi các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ. Một số yếu tố cản trở các công ty sản xuất này xây dựng và áp dụng phương pháp ABC bao gồm thiếu hụt dữ liệu, thiếu nguồn lực đầy đủ trong kỹ thuật, tài chính và tin học. Trong đó, nguyên nhân chính đó là trở ngại do thiếu dữ liệu, tập trung vào vấn đề thu thập và xử lý dữ liệu cần thiết với định dạng chính xác và chi phí hợp lý. Do các thông tin cần thiết để vận hành và triển khai phương pháp ABC rất tốn kém và đặc biệt là khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường bị hạn chế về tài chính, các công ty này cần phải rất chọn lọc trong các loại dữ liệu và phân tích mà họ sử dụng để xác định chi phí sản xuất chung.

Trong nghiên cứu về việc áp dụng phương pháp ABC tại Công ty Tools Inc., một công ty sản xuất thiết bị trong ngành công nghiệp, Valentina Gecevska và Zoran anisic (2006) đã giới thiệu mô hình ABC sử dụng ma trận EAD. Mô hình ABC sử dụng ma trận EAD là một mô hình hiệu quả và không tốn kém để áp dụng, rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mô hình này cung cấp thông tin chi phí chính xác cho người ra quyết định để thiết lập chiến lược của công ty, xác định giá thành sản phẩm, và cải thiện cơ cấu chi phí.

Nội dung mô hình ABC sử dụng ma trận EAD

Trong mô hình này, các hoạt động được nhóm lại thành nhóm các hoạt động để đảm bảo sao cho số lượng các hoạt động không quá nhiều. Sau đó, kế toán sử dụng ma trận chi phí - hoạt động (ma trận EAD) để phân bổ chi phí nguồn lực cho các hoạt động và sử dụng ma trận hoạt động - sản phẩm (ma trận ADP) để tiến hành phân bổ chi phí hoạt động cho sản phẩm.

Các bước triển khai mô hình ABC sử dụng ma trận EAD

- Bước 1: Nhận diện và tập hợp chi phí trực tiếp

Chi phí trực tiếp trong các doanh nghiệp sản xuất thường bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp. Trong mỗi hoạt động, các chi phí này có thể nhận diện ngay khi phát sinh chi phí và được tập hợp trực tiếp cho từng đối tượng xác định chi phí thành.

- Bước 2: Nhận diện và tập hợp chi phí gián tiếp. Bước này đòi hỏi việc phân chia các chi phí chung thành các nhóm chi phí có tính chất đồng nhất.

- Bước 3: Nhận diện các hoạt động.

Nhận diện các hoạt động là yêu cầu cốt lõi của phương pháp ABC, theo đó kế toán quản trị phải phát hiện các hoạt động có yếu tố cơ bản làm phát sinh chi phí. Yếu tố cơ bản đó thường gọi là nguồn sinh phí (cost driver). Tùy thuộc vào đặc điểm tổ chức sản xuất và quy trình công nghệ mà mỗi doanh nghiệp có các hoạt động khác nhau. Điểm mấu chốt trong việc nhận diện các hoạt động là phân loại các hoạt động theo các cấp độ hoạt động. Dựa vào đó, kế toán có thể xác định được các tiêu thức phân bổ chi phí nguồn lực cho các hoạt động và phân bổ chi phí hoạt động cho các đối tượng xác định chi phí phù hợp.

- Bước 4: Chọn tiêu thức phân bổ chi phí nguồn lực.

Sau khi các chi phí nguồn lực được tập hợp theo từng nhóm hoạt động thì sẽ tiến hành lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí của từng nhóm hoạt động cho các đối tượng xác định chi phí. Tiêu chuẩn phân bổ chính là nguồn sinh phí ở hoạt động đó.

Chi phí nguồn lực có thể được phân bổ trực tiếp hoặc ước lượng cho các hoạt động. Phân bổ trực tiếp đòi hỏi đo lường mức sử dụng thực tế các nguồn lực của các hoạt động. Trường hợp không thể đo lường mức sử dụng thực tế các nguồn lực, có thể ước lượng tỷ lệ phần trăm thời gian lao động sử dụng cho mỗi hoạt động. Thông thường, để mô tả mối quan hệ giữa chi phí và hoạt động, người ta thiết lập ma trận Chi phí - Hoạt động (EAD).

- Bước 5: Tính toán mức phân bổ

Trước tiên, tính toán giá trị bằng tiền cho các hoạt động. Giá trị bằng tiền của các hoạt động được tính theo công thức:

Tiếp theo, tính toán giá trị bằng tiền cho các sản phẩm. Giá trị bằng tiền của các sản phẩm được tính theo công thức:

Bước 6: Tổng hợp chi phí để tính giá thành sản phẩm

Tại bước này, kế toán sẽ tổng hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm theo công thức sau:

3.3. Mô hình ABC theo thời gian (TDABC)

Sự hình thành mô hình TDABC

Mặc dù phương pháp ABC đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, nhưng phương pháp này vẫn không được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Trong một khảo sát hàng năm về việc áp dụng những công cụ quản lý, phương pháp ABC được xếp dưới mức trung bình với tỉ lệ áp dụng chỉ 50%.

Robert S.Kaplan, cha đẻ của phương pháp ABC, vào năm 2005 đã giới thiệu về mô hình ABC điều chỉnh theo thời gian (Time-driven ABC, viết tắt là TDABC). Mô hình này đơn giản hơn, chi phí triển khai thấp hơn mô hình ABC truyền thống.

Mô hình TDABC đơn giản hóa quá trình tính toán chi phí bằng cách loại bỏ việc phải phỏng vấn và khảo sát các nhân viên. Mô hình mới này gán các nguồn lực về chi phí cho các đối tượng chi phí một cách trực tiếp bằng cách sử dụng một bộ khung súc tích hơn và chỉ cần hai ước tính. Đầu tiên, mô hình tính toán chi phí của việc cung ứng công suất nguồn lực. Sau đó, TDABC sử dụng tỉ lệ chi phí công suất để phân bổ chi phí nguồn lực theo bộ phận cho các đối tượng chi phí bằng cách ước tính nhu cầu cho công suất nguồn lực (điển hình là thời gian) mà mỗi đối tượng chi phí cần.

- Nội dung của mô hình TDABC

- Ước tính thời gian xử lý

- Ước tính lượng thời gian tiêu thụ

Đầu vào quan trọng nhất của mô hình TDABC là thời gian (công suất) cần cho việc thực hiện một hoạt động, chẳng hạn như xử lí một đơn hàng, thực hiện một hoạt động sản xuất, hoặc phục vụ một khách hàng.

Xây dựng phương trình thời gian

Những doanh nghiệp đã vẽ sẵn sơ đồ quy trình đều có thể xây dựng phương trình thời gian trực tiếp bằng cách ước tính thời gian cho từng hoạt động. Những doanh nghiệp chưa có sơ đồ quy trình có thể bắt đầu ở mức độ đơn giản hơn bằng việc ước tính thời gian tối thiểu để thực hiện quy trình, việc này được gọi là PO trong phương trình thời gian:

Đối với những quy trình chi phí thấp hoặc ít có sự biến đổi chỉ cần một nhân tố. Đối với những quy trình có chi phí cao hay biến đổi lớn, phương trình thời gian sẽ được mở rộng.

Tính toán tỉ lệ chi phí công suất

Ước tính tổng chi phí bộ phận: Chi phí sản xuất chung phân bổ cho bộ phận là tử số trong phép tính tỉ lệ công suất thực tế.

Ước tính công suất thực tế: Công suất thực tế là mẫu số trong phép tính tỉ lệ chi phí công suất, là công suất thực tế của những nguồn lực thực hiện các công việc trong bộ phận.

4. Kinh nghiệm áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam

4.1. Đối với doanh nghiệp áp dụng mô hình ABC truyền thống

Nếu doanh nghiệp có thể đảm bảo một hoặc nhiều hơn trong các yếu tố sau thì mô hình ABC truyền thống sẽ là một hệ thống xác định chi phí chiếm ưu thế:

Doanh nghiệp có chi phí sản xuất chung chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí:

Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp xem xét áp dụng phương pháp ABC. Vì ABC là phương pháp xác định chi phí tập trung vào việc phân bổ chi phí SXC chính xác hơn, hợp lý hơn và khoa học hơn, trên cơ sở học thuyết mối quan hệ lợi ích - chi phí. Khi triển khai phương pháp ABC doanh nghiệp cần phải xem xét lợi ích của phương pháp này đem lại với chi phí bỏ ra để triển khai. Do vậy, chi phí SXC cần chiếm tỷ trọng đủ lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp để đảm bảo đáp ứng điều kiện lợi ích thu được lớn hơn chi phí bỏ ra để triển khai và duy trì hệ thống ABC.

Là doanh nghiệp có quy mô lớn, có nguồn lực dồi dào, quy trình sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống quản lý rõ ràng và đội ngũ chuyên gia về kế toán quản trị có trình độ chuyên môn cao.

Phương pháp ABC có đặc điểm là phức tạp, chi phí triển khai lớn, hệ thống thông tin đòi hỏi phải đo lường được, khối lượng thông tin lớn, do đó thường thì doanh nghiệp có quy mô lớn và quy trình sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu về dữ liệu thông tin, chi phí triển khai. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có đội ngũ về kế toán quản trị có trình độ chuyên môn cao nhằm thiết kế, triển khai và duy trì hệ thống ABC.

Các dòng sản phẩm của doanh nghiệp nhiều, đa dạng.

Trong doanh nghiệp có nhiều dòng sản phẩm, chi phí SXC cần được phân bổ cho nhiều dòng sản phẩm, nếu sử dụng phương pháp xác định chi phí truyền thống sẽ dẫn đến sự sai lệch về chi phí và giá thành. Do vậy, đối với những doanh nghiệp có sản phẩm đa dạng, việc áp dụng phương pháp ABC là rất cần thiết nhằm phân bổ chi phí chung một cách hợp lý, khoa học và chính xác hơn.

Công tác quản trị chi phí và quản trị hiệu quả hoạt động được nhà quản trị quan tâm hàng đầu và phương pháp xác định chi phí truyền thống hiện tại không đáp ứng được nhu cầu về thông tin chi phí và giá thành của nhà quản trị.

Cần phải có sự liên kết dọc giữa các phòng ban: Do khối lượng dữ liệu phục vụ phương pháp ABC là rất lớn, và việc thu thập dữ liệu liên quan đến nhiều phòng ban khác nhau, do đó cần phải có sự liên kết dọc giữa các phòng ban để có thể cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác.

Căn cứ vào các điều kiện trên, các doanh nghiệp có thể áp dụng được mô hình ABC truyền thống tại Việt Nam sẽ thường là các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp FDI với nguồn lực dồi dào, nhân lực kế toán với trình độ cao và có cùng hoạt động hành vi cũng như môi trường văn hóa tại công ty mẹ hay các công ty cùng hệ thống ở nước ngoài.

4.2. Đối với doanh nghiệp áp dụng mô hình ABC sử dụng ma trận EAD

Mô hình ABC sử dụng ma trận EAD có thể được coi như là một bước đệm trong quá trình dần chuyển đổi từ phương pháp xác định chi phí truyền thống đơn giản, ít tốn kém nhưng tùy tiện để tiến tới áp dụng phương pháp ABC chính xác hơn nhưng cũng phức tạp hơn rất nhiều. Hơn nữa, ma trận EAD và APD hỗ trợ một cách toàn diện trong việc cung cấp thông tin về chi phí và giá thành sản phẩm. Do vậy, tác giả đề xuất áp dụng mô hình ABC sử dụng ma trận EAD tại các doanh nghiệp có đặc điểm sau:

(i) Doanh nghiệp có chi phí sản xuất chung chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí: Đây là điều kiện tiên quyết để xem xét áp dụng phương pháp ABC trong doanh nghiệp.

(ii) Phương pháp xác định chi phí truyền thống không đáp ứng được yêu cầu thông tin về chi phí và giá thành, các doanh nghiệp muốn tận dụng lợi ích to lớn của phương pháp ABC đem lại nhưng không đủ khả năng triển khai và duy trì mô hình truyền thống đồ sộ và phức tạp; không cung cấp dữ liệu đầy đủ và thường xuyên theo yêu cầu của mô hình ABC truyền thống; nguồn lực công nghệ và tài chính hạn chế; nhà quản trị và các nhân viên khó khăn trong việc tiếp cận và làm quen với quy trình ABC phức tạp.

(iii) Danh mục hoạt động có số lượng vừa phải và danh mục sản phẩm không quá đa dạng: Do đặc thù của mô hình ABC sử dụng ma trận EAD là sử dụng ma trận chi phí - hoạt động (EAD) và ma trận hoạt động - sản phẩm (ADP) để phân bổ chi phí nên nếu số lượng hoạt động cũng như danh mục sản phẩm quá nhiều thì việc xây dựng các ma trận sẽ rất phức tạp, khó triển khai.

(iv) Nhà quản trị có đủ trình độ và kinh nghiệm để đưa ra được những ước đoán chính xác: Do đặc thù của mô hình ABC sử dụng ma trận EAD là phân bổ chi phí SXC chủ yếu dựa trên những ước đoán để tính toán tỷ lệ phân bổ chi phí trong ma trận EAD và ma trận ADP. Những ước đoán này lại phụ thuộc phần lớn vào trình độ và kinh nghiệm của những người triển khai hoạt động và của nhà quản trị doanh nghiệp. Do vậy, nếu nhà quản trị có đủ trình độ và kinh nghiệm để đưa ra những ước đoán gần đúng nhất với thực tế thì việc triển khai mô hình ABC sử dụng ma trận EAD là một lựa chọn phù hợp.

Với những điều kiện áp dụng nêu trên, mô hình ABC sử dụng ma trận EAD sẽ là mô hình phù hợp với những doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hiện nay với đặc tính chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mô hình này mang lại một sự chuyển đổi tương đối nhẹ nhàng từ phương pháp truyền thống sang phương pháp ABC mà không đòi hỏi một sự đầu tư quá lớn về hệ thống thu thập dữ liệu phức tạp và nó cũng không yêu cầu phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp.

4.3. Đối với doanh nghiệp áp dụng mô hình TDABC

Tác giả đề xuất áp dụng mô hình TDABC cho các doanh nghiệp có các đặc điểm như sau:

(i) Doanh nghiệp có chi phí sản xuất chung chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí: Đây là điều kiện tiên quyết để xem xét áp dụng phương pháp ABC trong doanh nghiệp.

(ii) Các doanh nghiệp với đặc điểm là sản xuất hàng hóa và phục vụ theo yêu cầu của khách hàng. Đặc điểm này dẫn đến sự đa dạng về chủng loại sản phẩm và sự đa dạng các hoạt động cũng như trung tâm chi phí. Sự đa dạng này vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống ABC truyền thống.

(iii) Quy trình sản xuất liên tục, khó phân chia và phân bổ chi phí cho các hoạt động.

(iv) Doanh nghiệp có khả năng xây dựng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP. Do sản phẩm rất đa dạng, số lượng hoạt động nhiều, hệ thống cơ sở dữ liệu nhiều vượt quá khả năng của phương pháp ABC truyền thống nên nếu doanh nghiệp triển khai hệ thống ERP, cơ sở dữ liệu theo từng giao dịch luôn sẵn có sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc áp dụng mô hình TDABC.

5. Kết luận

Trên đây là 3 mô hình triển khai điển hình của phương pháp ABC. Trong đó, mô hình ABC sử dụng ma trận EAD và mô hình TDABC được phát triển nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình truyền thống. Hai mô hình này được cho là mang lại những tiến bộ vượt bậc so với mô hình ABC truyền thống trong việc hỗ trợ các nhà quản trị phân tích và kiểm soát chi phí, song lại không cần nhiều đầu tư về chi phí cũng như nguồn lực để duy trì và vận hành hệ thống. Do vậy, doanh nghiệp cần căn cứ vào đặc điểm hoạt động sản xuất - kinh doanh, yêu cầu quản lý và nguồn lực doanh nghiệp để lựa chọn mô hình triển khai phương pháp ABC thích hợp, nhằm tận dụng lợi ích vô cùng to lớn mà phương pháp này đem lại trong quá trình kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Johnson H.T., Kaplan R.S. (1987). Relevance Lost: The Rise and Fall of Management Accounting. Boston: Harvard Business School Press.

Cooper R., Kaplan R.S. (1988). Measure Costs Right: Make the Right Decisions. Harvard Business Review, 66, 96-103.

Maher M, W Lanen và M Rajan. (2006). Fundamentals of Cost Accounting. McGraw-Hill Companies, Inc.

Horngren C.Y., Foster G., Datar S.M. (2000). Cost accounting, 10th edition. NJ: Prentice Hall, Upper Saddle River.

Drury, C. (2007). Management and Cost Accounting (7th ed.). South - Western Cengage Learning.

Valentina Gecevska and Zoran anisic, (2006), Using of activity-based costing (ABC) in small and mediem companies, annals of the Faculty of engineering Hunedoara, Tome IV. Fascicole 2

Robert S. Kaplan

. (2005). Kemps LLC: Introducing Time-Driven ABC. : Harvard Business School.

Activity-based costing models (ABC) over the world and experience

of application for Vietnamese enterprises

Le Thi Hien

Foreign Trade University

ABSTRACT:

Activity-based costing (ABC) is a modern costing method. This costing method brings great benefits for enterprises, especially in the process of cost control, pricing and operation management. The ABC method has been applied in many countries including the United State of America, the United Kingdom, France and China. However, this method is quite new in Vietnam. This paper studies some models of the ABC method and draws experiences in applying this method in Vietnamese enterprises.

Keywords: activity-based costing (ABC), the model of activity-based costing using the Expense-Activity-Dependence (EAD) matrix, the model of activity-based costing using the Time-Driven Activity-Based Costing (TDABC).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-mo-hinh-xac-dinh-chi-phi-dua-tren-co-so-hoat-dong-abc-tren-the-gioi-va-kinh-nghiem-ap-dung-cho-cac-doanh-nghiep-viet-nam-80482.htm