Các mạng lưới gây ra sự bất bình đẳng

Toàn cầu hóa có ý nghĩa khá khác nhau đối với việc phân phối thu nhập và tài sản bên trong nhiều quốc gia.

 Tranh: Daves Ink Illustration.

Tranh: Daves Ink Illustration.

Người ta thường nghĩ rằng có thể minh họa điểm này bằng cái gọi là “biểu đồ voi” do Branko Milanovic và Christoph Lakner nghĩ ra, trong đó miêu tả tầng lớp lao động và trung lưu ở các nền kinh tế phát triển là kẻ thua cuộc trong quá trình toàn cầu hóa (Biểu đồ biểu thị sự tăng trưởng thu nhập hộ gia đình bình quân đầu người cho mỗi % phân phối thu nhập toàn cầu, và có ý định cho thấy các nhóm giữa bách phân vị thứ 10 và 70, cùng các % trong bách phân vị cuối cùng, đã có sự cải thiện đáng kể về thu nhập trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2008 so với những người nằm trong bách phân vị từ 70 đến 100. Đường biểu diễn được cho là giống với một con voi, với lưng cong, cổ thấp và chiếc vòi vươn cao).

Trên thực tế, con voi trong phòng (ý chỉ một chủ đề quan trọng hay một rủi ro lớn mọi người đều thấy nhưng không ai muốn nhắc đến) sẽ hoàn toàn biến mất nếu chúng ta điều chỉnh các thay đổi căn cứ vào quy mô quốc gia và bỏ Nhật Bản, Liên Xô cũ và Trung Quốc ra khỏi dữ liệu. Mặc dù vậy, quả là có điều gì đó không ổn đối với tầng lớp lao động và giới trung lưu Mỹ, cũng như giới trung lưu ở một số nước châu Âu.

Sự cạnh tranh từ châu Á chắc chắn đã gây ra thiệt hại lớn tới một số lượng đáng kể các công việc sản xuất của Mỹ. Những người Mỹ gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính rất dễ bi quan về tương lai, dù những thành công dễ bị bỏ qua trong các chương trình phúc lợi đã giảm bớt đi tác động của “cuộc suy thoái lớn” đối với những người có thu nhập thấp.

Gần 2/5 người Mỹ được Viện McKinsey Toàn cầu khảo sát vào năm 2016 đồng ý mạnh mẽ với một trong hai khẳng định sau: “Tình hình tài chính của tôi tệ hơn so với năm năm trước” và “Tình hình tài chính của tôi tệ hơn cha mẹ tôi khi họ bằng tuổi tôi”.

Những người như vậy có nhiều khả năng bi quan về tương lai tài chính của chính họ và con cái họ. Và những người bi quan sẽ có nhiều khả năng đổ lỗi cho tình trạng nhập cư, hàng hóa nước ngoài và “lao động nước ngoài giá rẻ”, bởi những yếu tố này lần lượt dẫn đến việc “hủy hoại văn hóa và sự gắn kết trong xã hội chúng ta”, “làm mất việc làm trong nước” và “tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước”.

Sự bi quan như vậy bắt nguồn từ nhiều lý do chứ không chỉ là tình trạng trì trệ trong thu nhập thực tế. Sự dịch chuyển xã hội có thể đã giảm hoặc không giảm tại Mỹ. Nhưng rõ ràng có gì đó không ổn.

Trên khắp thế giới phát triển, tỷ lệ tử vong đang giảm và tuổi thọ được nâng cao, nhưng điều này không xảy ra với những người Mỹ da trắng (không phải gốc Tây Ban Nha), và đặc biệt không xảy ra với những người Mỹ da trắng trung niên có trình độ học vấn không quá bậc trung học.

Đối với nhóm này, ở độ tuổi từ 45 đến 54, tỷ lệ tử vong do ngộ độc (chủ yếu là dùng thuốc quá liều) đã tăng hơn bốn lần trong giai đoạn 1999-2013, từ 14 đến 58 ca tử vong trên 100.000 người, trong khi tỷ lệ tử vong do bệnh gan mạn tính và xơ gan tăng 50%, và tốc độ giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim thì dừng lại.

Nếu tỷ lệ tử vong của người da trắng tiếp tục giảm ở mức giảm như trước năm 1999 là 1,8% mỗi năm, người ta sẽ tránh được nửa triệu ca tử vong trong giai đoạn 1999- 2013.

Cứ một trên ba người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha ở độ tuổi từ 45 đến 54 sẽ cho biết họ bị đau khớp mạn tính, 1/5 đau cổ và 1/7 đau thần kinh tọa.

Những xu hướng này, vẫn đang tiếp diễn từ năm 2015, không thể giải thích bằng các thuật ngữ kinh tế đơn giản: tình trạng thu nhập của những người Mỹ không phải da trắng có vị trí tương tự cũng không khá hơn, nhưng họ không gặp phải tình trạng tồi tệ hơn về sức khỏe và tỷ lệ tử vong.

Lời giải thích tốt nhất có thể là do “những bất lợi được tích lũy lâu dài trong cuộc sống, trong thị trường lao động, các kết quả từ hôn nhân và trẻ em, về sức khỏe, được kích hoạt bởi những cơ hội thị trường lao động ngày càng tồi tệ hơn”.

Có lẽ, những người Mỹ da trắng ở tuổi trung niên khốn khổ nhất là những người dùng ma túy hay uống rượu cho tới ngày sớm xuống mồ. Những người không muốn tự tử thì chọn cách đơn giản là thoát khỏi lực lượng lao động và hưởng các lợi ích của chương trình An sinh xã hội cho người khuyết tật, điều này giải thích tại sao tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nam ở độ tuổi trưởng thành giảm mạnh ở Mỹ so với nơi khác. Nhìn theo khía cạnh này, biến động chính trị diễn ra ở Mỹ vào năm 2016 là một cuộc cách mạng của những kỳ vọng đang suy giảm.

Có lẽ cách thức đúng đắn để hiểu mối quan hệ giữa các mạng lưới và bất bình đẳng là thấy rằng, theo lời các tác giả một bài báo đột phá về chủ đề này, “sự bất bình đẳng trong các mạng xã hội được củng cố bởi thị trường trong trường hợp có tính bổ sung, nhưng giảm đi trong trường hợp mang tính thay thế”. Khi tự do hóa kinh tế đến với các mạng lưới của giới lao động ở Bombay thì mạng lưới và thị trường mang tính thay thế, theo nghĩa là thị trường lấn át mạng lưới bằng cách đưa ra các lựa chọn mới cho các cá nhân có sự kết nối kém.

Kết quả là việc này làm giảm bất bình đẳng. Nhưng khi các ngư dân ở Kerala mua được điện thoại di động, các mạng lưới và thị trường có tính bổ sung cho nhau, vì ngư dân có kết nối tốt hơn có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội thị trường. Trong trường hợp đó, kết quả là làm cho bất bình đẳng trở nên lớn hơn. Có thể áp dụng khung phân tích này trên toàn cầu.

Toàn cầu hóa mang lại thị trường cho công nhân và nông dân Trung Quốc, những người đã bị mất kết nối với thế giới [...]. Điều này làm giảm bất bình đẳng.

Nhưng trong các mạng lưới và thị trường Mỹ thì mối quan hệ lại là bổ sung, vì những người Mỹ có kết nối tốt nhất thu được phần lớn lợi nhuận từ toàn cầu hóa - điểm được thừa nhận trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm 2017. Có thể có lý do để nghi ngờ bằng chứng từ Khảo sát Chung Xã hội Mỹ cho thấy có sự thu hẹp đáng kể trong các mạng xã hội truyền thống, mà một số người quy cho sự trỗi dậy của các mạng lưới điện tử và các thiết bị di động góp phần thúc đẩy việc sử dụng các mạng lưới này.

Nhưng trên thực tế, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc gia tăng sử dụng Internet làm giảm sự tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương; thậm chí điều ngược lại còn có thể đúng. Mặc dù vậy, khó có thể phủ nhận rằng một đặc điểm khác biệt trong hai hoặc ba thập kỷ qua là sự gia tăng phân cực chính trị và xã hội.

Các đặc điểm nổi bật của quá trình này là sự thu hẹp rõ rệt các mạng lưới thảo luận cốt lõi của người Mỹ, nơi chứa ít thành viên không phải người trong gia đình hơn so với trong quá khứ và sự tiêu tan của các tổ chức mạng lưới truyền thống, chẳng hạn như các mạng lưới tập trung vào các nhà thờ hay các hiệp hội tự nguyện địa phương.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-mang-luoi-gay-ra-su-bat-binh-dang-post1390138.html