Các loại vắc xin cần thiết phải tiêm cho người trên 50 tuổi

Không phải chỉ riêng trẻ em mới cần tiêm vắc xin, mà những người trưởng thành cũng được khuyến cáo nên tiêm. Bởi lẽ, hệ miễn dịch suy yếu, cộng thêm mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo khiến người lớn dễ bị tấn công và 'gục ngã' khi mắc các bệnh truyền nhiễm.

Vì sao người trên 50 tuổi phải tiêm vắc- xin?

Theo tổng kết của một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh nền, con số này sẽ là 6,8 bệnh ở nhóm trên 80 tuổi.

Thực tế cho thấy, không ai có thể chống lại quy luật lão hóa tự nhiên của thời gian. Tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu...

Có hai lý do chính khiến người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây dịch bệnh truyền nhiễm (vi khuẩn, virus, nấm…). Thứ nhất là hệ thống miễn dịch của người lớn tuổi đã bị suy yếu theo tuổi tác và không thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Thứ hai là họ thường mắc phải các bệnh mãn tính, ví dụ như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, huyết áp cao,…

Những căn bệnh này khiến hệ miễn dịch của người cao tuổi càng dễ suy yếu, khiến cơ thể không đủ sức khỏe để chống lại các mầm bệnh nguy hiểm.

Người cao tuổi có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm, không đủ sức "chiến đấu" với các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, rào chắn bảo vệ cơ thể ở đường hô hấp trên (mũi, họng) đáp ứng kém, các mầm bệnh truyền nhiễm dễ dàng xâm nhập qua và tấn công xuống đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) và gây bệnh tại đó.

Hệ hô hấp của người cao tuổi "héo mòn" dần theo năm tháng, phổi kém đàn hồi, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém… tất cả những yếu tố đó làm cho hệ hô hấp trở nên suy yếu trước "kẻ xâm lăng" là các tác nhân gây bệnh lý đường hô hấp, đó là virus, vi khuẩn, nấm.

Người trên 50 tuổi dễ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa

Người trên 50 tuổi dễ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, người trưởng thành trước khi bước qua tuổi 50 hãy tập cho mình những thói quen tốt trong sinh hoạt như ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất và khoa học, tập thể dục đều đặn và giữ tinh thần luôn thoải mái, suy nghĩ tích cực, lạc quan, yêu đời.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo những người trên 50 tuổi nên thực hiện tầm soát bệnh định kỳ hàng năm để sớm phát hiện những bệnh lý mãn tính có thể gặp phải, giúp việc điều trị hiệu quả và giảm áp lực bệnh tật sau khi bước vào tuổi già.

Đặc biệt, tiêm phòng (chích ngừa) đầy đủ là việc làm vô cùng quan trọng ở tuổi trung niên. Rất nhiều người lớn chưa từng được tiêm phòng (chích ngừa) hoặc tiêm phòng (chích ngừa) không đầy đủ. Kể cả trường hợp đã được tiêm đủ, miễn dịch từ thời thơ ấu có thể đã mất đi theo thời gian và bạn vẫn có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm. Do đó, cần phải tiêm nhắc lại để đánh thức hệ miễn dịch.

Việc tiêm phòng (chích ngừa) đầy đủ là việc làm vô cùng quan trọng ở tuổi trung niên.

Vắc xin cần thiết cho người trên 50 tuổi

1. Vắc xin cúm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây. Cúm ở người già nặng hơn người trẻ tuổi và gây ra các biến chứng thường gặp ở những người mắc các bệnh tiềm ẩn như viêm phổi, bệnh tim thiếu máu cục bộ và suy tim làm cho tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong cao.

Đối tượng: Tất cả người lớn, không kể tuổi tác.

Lịch tiêm: Tiêm phòng (chích ngừa) 1 mũi và nhắc lại mỗi năm.

2. Vắc xin phòng bệnh Viêm phổi do phế cầu khuẩn

Theo BS.Đoàn Ngọc Quỳnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, bệnh viêm phổi do vi khuẩn phế cầu gây ra chiếm tỷ lệ cao và có nguy cơ tấn công bất cứ ai nếu không được tiêm vắc-xin phòng ngừa đúng thời điểm. Ngoài trẻ em từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi cần phải tiêm vắc-xin phế cầu thì người già trên 65 tuổi và một số trường hợp có nguy cơ cao khác cũng nên tiêm chủng vắc xin phế cầu.

Đối tượng sử dụng vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn: Tất cả người lớn, không kể tuổi tác. Đặc biệt là người có các yếu tố nguy cơ nhất định như hút thuốc lá, hoặc có các vấn đề sức khỏe chẳng hạn như bệnh phổi, bệnh tim mãn tính, các bệnh bạch cầu, ung thư hoặc nghiện rượu.

Lịch tiêm: Tiêm phòng (chích ngừa) 1 liều duy nhất.

3. Vắc xin Bạch hầu, uốn ván, ho gà

Bạch hầu và uốn ván là những bệnh nguy hiểm có thể phát hiện nhiều ở người già trong khi ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ho mãn tính. Bởi vì người già có thể chưa được tiêm phòng trước đó hoặc đã được tiêm phòng, hệ miễn dịch từ vắc xin có thể giảm đi.

Đối tượng: Người lớn.

Lịch tiêm: Tiêm phòng (chích ngừa) 1 mũi, nhắc lại mỗi 10 năm 1 lần.

4. Vắc xin Thủy đậu

Nếu bạn chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc chưa được tiêm phòng (chích ngừa), bạn vẫn có thể mắc bệnh. Và người già có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi và viêm não. Bệnh thủy đậu là do virus varicella zoster gây ra và lây truyền qua tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Đối tượng: Tất cả người lớn, không kể tuổi tác.

Lịch tiêm: Tiêm phòng (chích ngừa) 2 liều cách nhau tối thiểu 1 tháng đối với Varivax và Varicella / 6 tuần đối với Varilrix

5. Vắc xin viêm gan siêu vi A

Bất cứ người nào chưa có miễn dịch với virus viêm gan A đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi họ phơi nhiễm với virus thông qua các loại thức ăn/nước uống bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc mật thiết với những người bị nhiễm bệnh. Nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất là ở những khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường kém.

Đối tượng: Tất cả người lớn, không kể tuổi tác.

Lịch tiêm: Tiêm phòng (chích ngừa) 1 liều và nhắc lại sau 6-12 tháng.

6. Vắc xin viêm gan siêu vi B

Người lớn từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B, nhiễm trùng gan. Đặc biệt virus viêm gan B nguy hiểm hơn bởi chúng tàn phá cơ thể một cách âm thầm, ít biểu hiện những triệu chứng rõ ràng.

Đối tượng: Tất cả người lớn, không kể tuổi tác.

Lịch tiêm: Tiêm phòng (chích ngừa) 3 liều, trong thời gian 6 tháng, nhắc lại sau 5 năm.

Kim Vân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dan-so/cac-loai-vac-xin-can-thiet-phai-tiem-cho-nguoi-tren-50-tuoi-2020073109285281.htm