Các lĩnh vực chủ chốt của Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công GMS

Tiểu vùng Mê Công mở rộng được đánh giá là một khu vực trù phú và có rất nhiều tiềm năng hợp tác, điển hình là trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, nông nghiệp, môi trường và du lịch...

Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được các quốc gia thành viên chú trọng thúc đẩy các lĩnh vực dưới đây:

Giao thông

Các đề án giao thông cho Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm xây dựng các hành lang giao thông ưu tiên kết nối tiểu vùng và kết nối giao thông đến các trung tâm dân cư, các đặc khu kinh tế và chế xuất, các điểm đến du lịch, thị trường và các trung tâm hoạt động kinh tế khác. Mục đích của các đề án này là nhằm đẩy mạnh thương mại, du lịch, đầu tư, và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội và dịch vụ khác.

Các hành lang giao thông chính hình thành cơ sở cho ba hành lang kinh tế chính của Tiểu vùng Mê- kông Mở rộng, đó là: (i) Hành lang Kinh tế Bắc–Nam, (ii) Hành lang Kinh tế Đông–Tây, và (iii) Hành lang Kinh tế Phía Nam (tham khảo bản đồ).

Các nước GMS hiện đang xây dựng một chiến lược giao thông khu vực, theo đó tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại của ba hành lang kinh tế, xây dựng các cơ sở logistics như cảng cạn, và kho bãi, cải thiện an toàn giao thông, và tăng cường năng lực. Chiến lược này dự kiến sẽ được các nước thông qua và báo cáo lên Cấp Cao GMS tháng 3/2018.

Hỗ trợ Giao thông và Thương mại

Hỗ trợ Giao thông và Thương mại tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào cải thiện các chính sách (hoặc “phần mềm”) liên quan đến việc giao thông, thương mại, và đầu tư, nhằm tăng cường kết nối và gắn kết giữa các quốc gia thành viên để đẩy mạnh đầu tư và thương mại xuyên biên giới. Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công Mở rộng là khuôn khổ cho các nỗ lực hỗ trợ giao thông và thương mại nhằm hỗ trợ hiệu quả vận chuyển hàng hóa, xe cộ và hành khách xuyên biên giới tại tiểu vùng.

Các nước GMS đang nỗ lực thúc đẩy việc ký kết MOU về cấp giấy phép cho các xe chuyên trở hàng hóa lưu thông trong GMS. Đây sẽ là kết quả rất quan trọng trong mở rộng thị trường dịch vụ giao thông vận tải trong GMS, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa trong khu vực.

Năng lượng

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm thiết lập một thị trường điện năng khu vực cạnh tranh và hội nhập qua đó phát triển bền vững các nguồn lực năng lượng phong phú của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng, cải thiện an ninh năng lượng và cải thiện cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại và trong khả năng chi trả của người dân.

Các nước GMS đang nỗ lực hình thành một trung tâm điều phối hợp tác năng lượng trong GMS để thúc đẩy hợp tác năng lượng trong khu vực.

Nông nghiệp

Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Trọng tâm của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng Giai đoạn II (2011–2020) đặt mục tiêu về một tiểu vùng sẽ được công nhận trên toàn cầu là nơi sản xuất thực phẩm an toàn hàng đầu bằng các biện pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu và hội nhập với các thị trường toàn cầu qua các hành lang kinh tế khu vực.

Ngày 6/9/2017, các bộ trưởng nông nghiệp GMS vừa thông qua Kế hoạch Hành Động 2018-2022 về Thúc đẩy Hợp Tác GMS về Chuỗi Giá trị Nông Nghiệp Thân Thiện Môi Trường (Strategy for Promoting Safe and Environment-Friendly Agro-based Value Chains in the Greater Mekong Subregion and Siem Reap Action Plan 2018-2022).

Môi trường

Chương trình Môi trường Trọng tâm của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm hình thành nên một khu vực trong đó tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Chương trình Môi trường Trọng tâm Giai đoạn II (2012–2016) tập chung vào ba chuyên đề ưu tiên: đa dạng hóa sinh học và giảm nghèo, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, và tăng cường năng lực.

Ngày 31/1/2018 vừa qua, các Bộ trưởng môi trường GMS họp tại Chiềng Mai, Thái Lan đã thông qua Khung Chiến Lược Hành Động Môi Trường GMS và Kế Hoạch hành động 2018- 2022.

Phát triển Nguồn Nhân lực

Chiến lược và kế hoạch hành động phát triển nguồn nhân lực tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động và di cư, và phát triển xã hội. Các đề án hợp tác còn bao gồm các chương trình về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, di cư an toàn, đào tạo kỹ thuật và nghề, giáo dục bậc cao và nghiên cứu.

Phát triển Đô thị

Lĩnh vực phát triển đô thị tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào đầu tư cho các dịch vụ và hạ tầng đô thị ưu tiên tại các thành phố nhỏ và vừa dọc các hàng lang giao thông GMS.

Ngoài mục đích chuẩn bị cho tăng trưởng dân số, những hoạt động đầu tư này còn góp phần chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế và nâng cao cơ hội tiếp cận việc làm và thị trường tại các vùng nông thôn.

Du lịch

Lĩnh vực du lịch tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng sẽ xây dựng và khuyếch trương khu vực GMS thành một điểm đến duy nhất với sự đa dạng về những sản phẩm tiểu vùng có lợi ích cao, chất lượng tốt, nhằm giúp phân bổ lợi ích của du lịch được rộng rãi hơn trong khi giảm thiểu tối đa những tác động bất lợi. Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng du lịch, kết hợp với nâng cao năng lực, đào tạo và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng sẽ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển bền vững.

Các Bộ Trưởng Du lịch của GMS thông qua Chiến lược phát triển du lịch GMS 2016-2025 tại Hội Nghị Bộ Trưởng lần thứ 22 của GMS tháng 9/2017.

Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Các nỗ lực về công nghệ thông tin và truyền thông tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm cải thiện kết nối viễn thông, cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ đẩy mạnh cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông nhằm giảm chi phí giao dịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực GMS.

Các khu Kinh tế Cửa khẩu và Đa ngành khác

Trọng tâm Khuôn khổ Chiến lược của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm phát triển các hành lang kinh tế đã xúc tác đẩy mạnh sự quan tâm đến các đặc khu kinh tế, đặc biệt là các khu kinh tế cửa khẩu, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều ngành lĩnh vực. Để tối đa hóa lợi ích của các hành lang kinh tế, ta cần phải có ngày càng nhiều các dự án đa ngành với sự tham gia đầu tư của khu vực công và tư nhân, bao gồm cả những can thiệp về phần cứng và phần mềm.

Tuệ Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cac-linh-vuc-chu-chot-cua-chuong-trinh-hop-tac-tieu-vung-me-cong-gms-post257722.info