Các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng thế nào với Iran

Ngay từ trước khi chiến thắng bầu cử đầy bất ngờ năm 2016, tổng thống Mỹ Donald Trump đã là một tiếng nói phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc kí kết với Iran năm 2015.

Ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận đang kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Đợt đầu tiên của các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ lên Iran bắt đầu có hiệu lực vào nửa đêm ngày 7/8 (theo giờ Mỹ), và sau đó là nhiều đợt khác nữa.

Các lệnh trừng phạt lần này sẽ tác động đến việc Iran mua lại hoặc đạt được từ các nguồn khác những thứ như USD, vàng và các kim loại quý khác. Chúng cũng gây áp lực lên các giao dịch bằng đồng rial Iran và ảnh hưởng đến nợ nước ngoài và ngành công nghiệp ôtô của nước này.

Biện pháp trừng phạt nào quan trọng nhất trong lần này?

Trong khi cả thế giới đang tập trung vào các lệnh trừng phạt nhắm đến nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt dồi dào của Iran, vốn có hiệu lực vào tháng 11 tới, những lệnh trừng phạt ở đợt này sẽ ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế dễ tổn thương của Iran.

Sự sụp đổ của đồng rial khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là chỉ báo kinh tế rõ ràng nhất cho những bất ổn phía trước.

Iran đã được miêu tả là “nước Đức của khu vực Trung Đông”, là nền kinh tế mới nổi sau cùng mở cửa hoàn toàn với thế giới, có hơn 80 triệu người tiêu dùng, dân số có nền giáo dục cao và nhiều loại tài nguyên phong phú bao gồm các loại kim loại quý.

Các lệnh trừng phạt có thể phá hỏng các nỗ lực của Iran, ít nhất là trong suốt thời gian cầm quyền của ông Trump, khiến nước này không thể phát huy đầy đủ tiềm năng.

Iran cần tiếp cận với các nguồn ngoại tệ và Mỹ đang đem toàn bộ sức mạnh của Cục Dự trữ liên bang (Fed) để ngăn cản các nỗ lực của Thống đốc ngân hàng trung ương Iran nhằm giải phóng áp lực cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của nước này. Đó rõ ràng là hậu quả nghiêm trọng nhất của việc tái áp đặt các lệnh cấm vận của Washington lên Tehran.

Tại sao kinh tế Iran lại ở tình trạng như bây giờ?

Chỉ việc nhắc đến việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ trong những tháng gần đây cũng đã làm suy yếu mọi đà tăng trưởng có được từ sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Sau một đợt suy thoái vào năm 2015, kinh tế Iran đã tăng trưởng 12,5% trong năm 2016 và tiếp tục phát triển vững chắc trong những năm tiếp theo.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 đã khởi động một cuộc chạy đua của các ông lớn công nghiệp châu Âu trong việc ký kết các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với Iran, với những các tên như Total, Peugeot, Renault, Alstom, AIranbus và Siemens dẫn đầu.

Nhưng dưới áp lực từ Mỹ, các công ty châu Âu không thể mạo hiểm để công ty của mình phải hứng chịu gói lệnh trừng phạt thứ hai của Mỹ.

Ông Joe Kaeser, giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ Đức Siemens đã tóm tắt những thực tế khắc nghiệt của sự chi phối của nền kinh tế Mỹ như sau: “Có một sự ưu tiên hàng đầu trong hệ thống chính trị Mỹ. Nếu sự ưu tiên đó là ‘Đây là điều bạn phải làm’, vậy thì đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ phải làm. Chúng tôi là một công ty toàn cầu. Chúng tôi có những lợi ích và giá trị và chúng tôi sẽ phải cân bằng chúng”.

Ông cho biết Siemens sẽ dừng mọi thỏa thuận mới với Iran.

Hậu quả lâu dài

Nhiều người tin rằng Mỹ muốn chia rẽ chính phủ và người dân Iran với mục tiêu tiềm tàng là thay đổi chế độ của nước này. Washington bác bỏ cáo buộc này.

Sự sụp đổ của đồng rial đang gây thiệt hại nặng nề cho tầng lớp trung lưu của Iran. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt là trong giới trẻ, lạm phát tăng cao vì giá các mặt hàng nhập khẩu tăng, đã có hiện tượng cúp điện và nước vì thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng do các lệnh trừng phạt thường xuyên. Đã có những cuộc biểu tình rời rạc tại thủ đô Tehran và trải dài khắp cả nước, bắt đầu từ cuối năm ngoái và kéo dài đến trước khi các lệnh trừng phạt trở lại.

Trong một cơ cấu chính trị nơi Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đang muốn cân bằng quyền lực giữa một chính phủ được cho là ôn hòa và bộ máy quân sự cứng rắn, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ phải tiếp tục chịu áp lực từ công chúng.

Quốc hội Iran đã tiếp tục yêu cầu ông Rouhani phải trả lời các câu hỏi về việc vì sao không làm nhiều việc hơn để giúp Iran chống đỡ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ ngay từ lúc người đồng cấp Mỹ của ông bày tỏ ý định rõ ràng muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Điều này rõ ràng sẽ tăng cường sức mạnh cho những người thuộc phe cứng rắn vốn rất không tin tưởng Washington. Những người phe cứng rắn cũng là những người bị thiệt hại nhiều nhất nếu Iran hoàn toàn mở cửa với nền kinh tế thế giới.

Phương Anh/ Theo CNN

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cac-lenh-trung-phat-cua-my-anh-huong-the-nao-voi-iran-20180808063050608p145c151.news