Các làng nghề chạy đua với Tết

Gần Tết, các làng nghề chế biến thực phẩm Hà Nội chạy đua với thời gian, tăng công suất, thuê thêm nhân công… Làng miến Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vốn dĩ ngày thường đã sôi động nhưng những ngày cận tết, không khí sản xuất lại càng rộn ràng, tất bật cả ngày lẫn đêm nhằm sản xuất đủ đơn hàng phục vụ thị trường Tết Canh Tý.

Làng nghề nhộn nhịp vào mùa tết.

Tăng tối đa công suất

Bước vào cổng làng Cự Đà được xem là làng nghề làm miến lớn nhất. Miến Cự Đà không hề lẫn với các vùng miền khác, nổi bật và dễ nhận ra là miến thường có màu vàng óng hoặc trắng mịn...

Sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời gắn liền với nghề làm miến, ông Vũ Văn Hùng chia sẻ: Trước đây miến làm thủ công, tráng bằng tay nồi rộng miệng hay là cái chảo, ngày chỉ được 1-2 tạ miến. Sau này người dân chuyển dần sang làm bằng máy. Hầu như các cơ sở sản xuất ở đây làm miến đều làm máy, kể cả máy tráng và máy cắt miến. Ngoài 4 lao động chính, tôi còn phải thuê thêm 2 lao động thời vụ và huy động thêm con, cháu tranh thủ đóng hàng cùng" – ông Hùng kể.

Miến được thương lái chở tới các chợ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành.

Tương tự, tại làng nghề miến dong làng So (Quốc Oai), không khí sản xuất cũng khẩn trương không kém. Trên đường làng, từng đoàn xe tấp nập vào ra chuyên chở hàng. Chủ tịch Hội Miến làng So Vương Trí Điểm cho biết: Hiện làng nghề có khoảng 70 hộ sản xuất, trung bình mỗi ngày sản xuất ra khoảng 3 tấn miến. Tuy nhiên, những ngày cuối năm đã tăng lên 5 tấn/ngày. "Càng gần Tết, các hộ sản xuất ở làng nghề phải làm việc cật lực. Công việc sẽ bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc khi đã quá nửa đêm. Dù mệt nhưng ai cũng phấn khởi, vì hàng càng bán chạy, thu nhập càng cao, Tết sẽ càng sung túc, đủ đầy hơn" – ông Điểm bày tỏ.

Nỗi lo mất an toàn thực phẩm

Công việc rũ và phơi nắng vẫn là cách làm khô miến tự nhiên.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Canh Tý, Thành phố Hà Nội đã mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm (từ ngày 15/12/2019 đến hết ngày 25/3/2020). Trong dịp này, thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ăn uống. Đặc biệt tập trung vào những làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Canh Tý và lễ hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định pháp luật.

Miến phần lớn làm xong được các đại lý tới lấy tiêu thụ

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Qua kiểm tra các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội, cơ bản các cơ sở đã tuân thủ và đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm. Tình trạng sử dụng hóa chất tẩy trắng hay nhuộm màu gần như không còn. Tuy nhiên, bên cạnh những làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín, vẫn còn những cơ sở sản xuất kiểu thời vụ, chạy theo năng suất mà không chú ý tới chất lượng.

Một số cơ sở vẫn không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ các loại phụ gia, người lao động thiếu giấy chứng nhận sức khỏe, dụng cụ chế biến và vệ sinh chưa bảo đảm… "Chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, gắn với hậu kiểm, đặc biệt là tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, không để sản xuất ồ ạt, không đảm bảo tiêu chuẩn. Đồng thời xử lý nghiêm vi phạm dù là nhỏ nhất, có như vậy mới tạo được sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm" – ông Tường khẳng định.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 200 làng nghề chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Có thể kể đến một số tên tuổi như làng nghề sản xuất bánh kẹo Cổ Hoàng (Phú Xuyên), miến dong làng So (Quốc Oai), bánh đa nem Ngự Câu (Hoài Đức), giò chả Ước Lễ (Thanh Oai)… Cứ vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này tăng đột biến, các làng nghề lại phải tăng hết công suất mới đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

QUÝ ĐỨC

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cac-lang-nghe-chay-dua-voi-tet-20200116191829386.htm