Các khu shopping xa hoa nhưng vắng vẻ ở thành phố giàu nhất Trung Đông

Dubai - thành phố giàu nhất Trung Đông - có hàng chục trung tâm mua sắm xa xỉ. Nhưng tất cả đều trở nên vắng vẻ kể từ khi giá dầu thô sụt giảm.

Theo Bloomberg, Dubai có tới hàng chục trung tâm thương mại lớn để du khách quốc tế đến mua sắm. Nhiều trung tâm được lát bằng đá cẩm thạch, tràn ngập cửa hiệu, nhà hàng sang trọng, rạp chiếu phim rộng lớn, trạm sạc xe điện và phòng khám sức khỏe.

Thậm chí có trung tâm thương mại có cả hồ cá và sân trượt tuyết trong nhà. Nhưng sau khi giá dầu tụt dốc, "thiên đường mua sắm" Dubai hứng chịu hậu quả nặng nề.

Thị trường bất động sản thương mại mở rộng quá nhanh, vượt xa nhu cầu. Giá đồng USD tăng mạnh khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ. Giá nhà đất tại UAE sụt 27% kể từ năm 2014 và tốc độ tăng trưởng hàng năm hạ nhiệt xuống dưới 2%.

Tuy nhiên, các trung tâm bán lẻ mới vẫn sẽ tiếp tục được xây dựng ở Dubai trong 2 năm tới. Theo hãng tư vấn JLL, diện tích bán lẻ tại thành phố giàu nhất Trung Đông sẽ tăng thêm 40%.

Những trung tâm xa xỉ ở Dubai mọc lên như nấm. Ảnh: Getty Images.

Những trung tâm xa xỉ ở Dubai mọc lên như nấm. Ảnh: Getty Images.

Thay đổi chóng mặt

Theo ông David Godchaux, cựu CEO của Công ty tư vấn bất động sản Core Savills, nền kinh tế trì trệ đang tấn công các cửa hàng bán lẻ tầm trung vốn đã dễ bị tổn thương bởi thương mại điện tử.

Tình trạng xây dựng quá nhiều, quá nhanh và việc nền kinh tế Dubai giảm tốc khiến nhiều trung tâm mua sắm trở nên ế ẩm. Các cửa hiệu, nhà hàng đóng cửa ngày càng nhiều.

10 năm trước, mọi chuyện hoàn toàn khác. Chuyên gia phân tích bất động sản Simon Kennedy đến từ Anh bị sốc bởi cách các trung tâm thương mại của thành phố kiếm lời.

“Đây là công việc dễ dàng nhất đối với những các đội ngũ cho thuê gian hàng. Họ có một danh sách chờ 20, 30 đến 40 doanh nghiệp muốn thuê mặt bằng. Doanh số bán hàng rất lớn và chủ mặt bằng có thể thoải mái tăng tiền thuê 10-15%”, ông cho biết.

Năm 2013, giá dầu thô tăng lên đến 100 USD/thùng. Dubai được chọn làm nơi tổ chức World Expo 2020. Tại thời điểm này, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng hàng năm sẽ cán mốc 10% vào thời điểm sự kiện bắt đầu.

Một số trung tâm thương mại không còn nhiều người qua lại. Ảnh: Bloomberg.

“Các trung tâm thương mại lớn đã chật kín và nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng: ‘Tuyệt vời. Tôi sẽ xây dựng một trung tâm mua sắm và nó cũng sẽ lại chật kín'. Nhưng mọi việc không diễn ra theo cách đó”, Godchaux nhận định.

Khi giá dầu sụt giảm, tiền bắt đầu rời khỏi Dubai. Nhiều các tòa nhà chưa xây dựng xong nằm trơ trọi khắp nơi. Hussain Sajwani, Chủ tịch của Damac Properties PJSC, cảnh báo về việc Dubai sẽ đối mặt với "thảm họa" nếu những tòa nhà mới tiếp tục được xây dựng trong 2 năm tới.

Khoảng 19% gian hàng bị bỏ trống trong quý III/2019, tăng từ 12% vào năm 2017, theo JLL. Giá thuê cũng giảm mạnh so với năm 2018.

Tháng 9/2019, hậu quả của việc xây dựng các tòa nhà đã được thể hiện rõ tại trung tâm tài chính của thành phố. Khi một không gian bán lẻ trị giá 272 triệu USD với 200 cửa hàng khai trương, chỉ có vỏn vẹn 20 cửa hàng mở cửa.

Đâm lao phải theo lao

Vậy tại sao Dubai tiếp tục xây dựng các trung tâm mua sắm mới? Ông Godchaux giải thích rằng các nhà đầu tư vẫn phải tiếp tục hoàn thành dự án vì không giống những dự án dân cư, các dự án trung tâm thương mại khó có thể thu nhỏ lại.

“Một trung tâm mua sắm là một trung tâm mua sắm hoặc không là gì cả. Sẽ tốt hơn khi hoàn thành nó”, ông giải thích. Nhiều dự án được thông qua trước khi nền kinh tế Dubai hạ nhiệt.

Mặc dù vậy, các trung tâm hàng đầu của thành phố vẫn có thể sinh lời. Dubai Mall - một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới - đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 6% trong 9 tháng đầu năm, theo công ty mẹ Emaar Malls. Emaar tiết lộ đang lên kế hoạch mở rộng không gian bán hàng để đáp ứng nhu cầu.

Chính phủ Dubai đang thực hiện các biện pháp để củng cố thị trường bất động sản của thành phố. Tháng 9/2019, Thái tử Dubai Sheikh Mohammed Bin Rashid Al Maktoum tuyên bố sẽ cân bằng cung cầu bất động sản, nhằm đảm bảo "các công ty bất động sản bán công ở Dubai không cạnh tranh với các nhà đầu tư ở khu vực tư nhân".

Có một số dấu hiệu cho thấy sự thay đổi. Hồi tháng 4/, công ty môi giới bất động sản của Warren Buffett mở chi nhánh tại Dubai. Đến tháng 9, Meraas Holding thuộc sở hữu của chính phủ công bố liên doanh trị giá 1,4 tỷ USD với Brookfield Asset Management nhằm tiếp quản một số tài sản.

Thương mại điện tử bắt đầu thâm nhập thị trường Dubai, ảnh hưởng đến các trung tâm thương mại. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, việc giảm giá bán của các nhà bán lẻ đã thúc đẩy tăng trưởng mua sắm tại Dubai, theo IHS Markit.

Bất cứ sự phục hồi nào trong lĩnh vực bán lẻ của thành phố đều có thể bắt đầu từ không gian trực tuyến.

Mua sắm qua Internet chiếm tỷ lệ 4% tại thị trường bán lẻ UAE năm 2018, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International. Nhưng con số này sẽ sớm tăng lên. eBay và Amazon mới gia nhập thị trường Dubai và hợp tác với các công ty địa phương Noon.com và Souq.com.

Tập đoàn Chalhoub, một trong những nhà bán lẻ xa xỉ lớn nhất Trung Quốc, gần đây đã sa thải đến 1.000 công nhân. Thay vào đó, công ty thuê thêm 1.000 nhân viên khác để phát triển thương mại điện tử.

“Điều này sẽ thách thức tất cả chúng ta. Sẽ có một số tổn thất, rất nhiều tổn thất”, CEO của Chalhoub Group Patrick Chalhoub nhận định.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cac-khu-shopping-xa-hoa-nhung-vang-ve-o-thanh-pho-giau-nhat-trung-dong-post1013311.html