Các khu công nghiệp tại Thừa Thiên Huế đang 'hút' nhà đầu tư

Những năm trở lại đây, làn sóng các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước 'đổ' về đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần lấp đầy chỗ trống và tạo bước đột phá để các KCN tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, đón thêm nhà đầu tư mới.

Không ngừng mở rộng dự án

Sau 5 năm có mặt ở Huế và đặt nhà máy sản xuất men frit đầu tiên tại KCN La Sơn (huyện Phú Lộc), đến nay Công ty TNHH Vitto - một trong những tập đoàn chuyên sản xuất gạch ốp lát hàng đầu Việt Nam tiếp tục đầu tư vốn xây dựng thêm 2 nhà máy sản xuất gạch ốp lát và dự án hạ tầng KCN. Với tổng vốn đầu tư đến thời điểm này lên đến gần 2.000 tỷ đồng, hiện, Công ty TNHH Vitto có 3 nhà máy sản xuất men frit, gạch ốp lát, đá granit và một dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại KCN La Sơn.

Ông Trần Hữu Thiện - Trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty TNHH Vitto cho biết, đặt nhà máy tại KCN La Sơn, doanh nghiệp có khá nhiều thuận lợi, từ nguồn nguyên liệu cát, đất sét với trữ lượng lớn sẵn có tại địa phương, đáp ứng đủ cho dây chuyển sản xuất số lượng lớn. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ khá dồi dào và chịu khó nên đã giúp doanh nghiệp duy trì và mở rộng quy mô. "Hiện, doanh nghiệp đang dốc sức đầu tư hạ tầng KCN, trong đó tập trung hạ tầng đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho các nhà máy, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đến với KCN", ông Thiện cho biết thêm.

Tại KCN Phú Đa (huyện Phú Vang), đến nay đã có 9 nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch, dệt may, đan sợi nhựa... với tổng vốn đăng ký gần 1.000 tỷ đồng. Một số nhà máy mới vừa đưa vào hoạt động, song đang mở rộng quy mô và chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2, như Nhà máy may Sơn Hà (Công ty TNHH MTV Sơn Hà), Nhà máy may Hương Phú (Công ty CP Dệt may Hương Phú) và Nhà máy may 4 (Công ty CP Dệt may Huế).

Ông Huỳnh Trọng Nghĩa - Giám đốc phát triển Tổng công ty TNHH Sơn Hà cho biết, là doanh nghiệp có 10 nhà máy sản xuất hàng dệt may đóng tại các KCN trên cả nước, sau gần 1 năm hoạt động tại KCN Phú Đa, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi khi thu hút được lực lượng lao động trẻ, yêu nghề và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Hiện nhà máy có quy mô 23 chuyền may, thu hút trên 500 lao động với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. "Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng nhà xưởng, nâng số chuyền may lên 150 chuyền và tuyển dụng 3.000 lao động vào làm việc để phát triển quy trình sản xuất may xuất khẩu tại Huế, đáp ứng đơn hàng cho các đối tác lớn ở hai nước Mỹ và Pháp", ông Nghĩa chia sẻ thêm.

Ngoài việc mở rộng các chuyển sản xuất, Scavi Huế còn xây dựng trường mầm non, chợ, khu thể thao để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của công nhân

Ngoài việc mở rộng các chuyển sản xuất, Scavi Huế còn xây dựng trường mầm non, chợ, khu thể thao để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của công nhân

Ông Trần Văn Phú - Chủ tịch Tập đoàn Scavi Huế cho rằng, sau 10 năm đặt nhà máy tại KCN Phong Điền (huyện Phong Điền), từ một xưởng sản xuất nhỏ thu hút vài trăm lao động, đến nay Scavi Huế đã có 3 nhà máy may quy mô lớn, thu hút trên 6.500 lao động và cuối năm 2018 tập đoàn tiếp tục xây dựng nhà máy thứ 4. Quỹ đất tại KCN rộng rãi nên ngoài việc xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, tập đoàn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà ở cho công nhân, trường mầm non và khu thể thao nhằm đảm bảo dân sinh và hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Ưu tiên dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn có những bước đột phá mạnh mẽ, nhiều dự án sau khi cấp phép đã xây dựng nhà máy và tiếp tục mở rộng quy mô. Để nâng cao chất lượng đầu tư và thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm lực, sắp tới Ban quản lý ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng tại KCN Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) và KCN Phú Đa. Trong đó đẩy mạnh kêu gọi các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN.

Hạ tầng tại các KCN đang được đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện (Ảnh do Ban quản lý cung cấp)

Các tập đoàn có nhà máy đặt tại các KCN Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… đang ồ ạt đến tỉnh Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, khảo sát và đề nghị cấp đất để xây dựng nhà máy tại các KCN. "Tuy nhiên để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, thời gian tới, Ban quản lý sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sử dụng đất và sử dụng lao động hiệu quả. Trong đó, ưu tiên các dự án sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may, linh kiện điện tử, da giày và các sản phẩm có giá trị cao nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp và đảm bảo nguồn lao động tại chỗ", ông Sơn nhấn mạnh.

Để thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các Sở, ngành liên quan đôn đốc các nhà đầu tư dự án xây dựng hạ tầng KCN, đẩy nhanh tiến độ để bàn giao hạ tầng sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 KCN, thu hút 143 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 65.000 tỷ đồng, trong đó có 23 dự án FDI với vốn đăng ký 33.000 ngàn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 25 ngàn lao động. Có 4/6 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng, với tổng vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn đã thực hiện khoảng 40%.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/cac-khu-cong-nghiep-tai-thua-thien-hue-dang-hut-nha-dau-tu-108807.html