Các không gian sáng tạo: Cần một danh xưng trong hệ thống pháp luật

Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở các đô thị, sự ra đời của các không gian sáng tạo là tất yếu, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí, gắn kết giữa những người dân. Tuy nhiên, cho tới nay, các không gian văn hóa vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu sự liên kết.

Phố sách 19/12, một không gian sáng tạo tại Hà Nội - Ảnh: Phương Lan

Không gian sáng tạo là gì?

Hiểu một cách đơn giản, không gian sáng tạo là nơi mọi người tới để học tập, vui chơi, từ đó có nguồn năng lượng dồi dào để làm việc, sáng tạo một cách hiệu quả. Tại Hà Nội có thể kể tới không gian sáng tạo Manzi Art Space, nơi trưng bày các tác phẩm hội họa, chơi nhạc được giới trẻ Hà thành thường lui tới, hay như Heritage Space (Mỹ Đình) cũng là một địa điểm văn hóa để người dân tới giải trí, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, tại đây còn có khu vực học tập, truyền dạy kiến thức… Như vậy, các không gian sáng tạo được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thư giãn, tận hưởng cuộc sống và là các địa chỉ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các tòa nhà cao tầng.

Theo nghiên cứu, Việt Nam hiện có khoảng 140 không gian sáng tạo, tăng khoảng 300% so với con số 40 không gian năm 2014. Về số lượng, không chỉ có sự xuất hiện của các không gian mới, mà còn có sự tham gia của các bên liên quan, gồm tổ chức Nhà nước, cơ quan phát triển quốc tế, thành tố doanh nghiệp tư nhân và cá nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Về chất lượng, các mô hình không gian sáng tạo kiểu cũ đã thoái trào và được thay thế bằng các mô hình mới, đáp ứng nhu cầu xã hội và tăng mối liên kết giữa các không gian này...

Dù đang ngày một lớn mạnh, tuy nhiên, con đường phát triển của các không gian sáng tạo tại Hà Nội cũng như tại một số thành phố lớn đều gặp những trở ngại khá giống nhau như: nguồn lực hạn chế, thiếu kỹ năng quản lý; sự khó khăn trong quy trình xin giấy phép tổ chức sự kiện với các không gian nghệ thuật và văn hóa. Đặc biệt, do các không gian sáng tạo vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam nên không có tư cách pháp nhân.

Tại hội thảo “Vai trò của các không gian sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo” do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức, bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL, người tham gia quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cho biết: Không gian sáng tạo có nhiều dạng thức khác nhau, từ studio nhỏ đến những cụm, trung tâm lớn, có cả không gian vật chất và không gian trên mạng, có những loại hình thử nghiệm. Tại Việt Nam, những năm gần đây xuất hiện nhiều loại hình không gian sáng tạo, không chỉ ở thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, mà còn ở nhiều tỉnh, thành.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách

Dù đang ngày một lớn mạnh, tuy nhiên, con đường phát triển của các không gian sáng tạo tại Hà Nội cũng như tại một số thành phố lớn đều gặp những trở ngại khá giống nhau như: nguồn lực hạn chế, thiếu kỹ năng quản lý; sự khó khăn trong quy trình xin giấy phép tổ chức sự kiện với các không gian nghệ thuật và văn hóa. Đặc biệt, do các không gian sáng tạo vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam nên không có tư cách pháp nhân.

Theo luật pháp, tất cả không gian sáng tạo đều phải đăng ký giấy phép kinh doanh. Trong hệ thống Thuế và Luật Doanh nghiệp, họ là hộ kinh doanh gia đình, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần; còn trong cộng đồng, họ tự quảng bá là tổ chức phi lợi nhuận, trung tâm giáo dục, nhóm hợp tác, không gian làm việc chung hoặc không gian sáng tạo...

Vì cùng lúc đóng nhiều “vai” nên hoạt động của các không gian văn hóa sáng tạo còn èo uột, chưa phát huy được hết vai trò của mình. Ông Trần Vũ Nguyên, nguyên Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, mối liên kết giữa các bộ, ngành về công nghiệp sáng tạo chưa được chặt chẽ. Để có tính thực tiễn cao hơn, cần có những đề án mang tầm quốc gia cụ thể cho từng ngành, từng nghề trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo nói chung và các không gian văn hóa sáng tạo chính là điểm tựa của các hoạt động này với sự tham vấn của chuyên gia thực hành...

Theo các nhà quản lý các không gian sáng tạo tại hội thảo vừa diễn ra, biện pháp tốt nhất để hỗ trợ cho đơn vị của họ vượt lên thực tế hiện nay là Nhà nước sẽ có ưu đãi về thuế và giảm thuế. Bên cạnh đó, việc xác lập một danh xưng chính thức cho các không gian sáng tạo trong hệ thống pháp luật, với tư cách là hoạt động kinh doanh phát triển cộng đồng cũng rất cần được coi trọng. Việc cấp phép và kiểm duyệt các chương trình biểu diễn tại các không gian sáng tạo cần linh hoạt, đơn giản để không làm giảm bớt sự nhiệt huyết của các nghệ sỹ và người tham dự.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/cac-khong-gian-sang-tao-can-mot-danh-xung-trong-he-thong-phap-luat/789467.antd