Các học giả nước ngoài đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam ở APEC 2017

Theo các học giả, sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, ổn định chính trị, các hoạt động ngoại giao và uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế đã đưa Việt Nam vào vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của APEC.

Học giả Nga: Việt Nam ở trung tâm cơ cấu kinh tế mới của APEC

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giáo sư, Tiến sĩ Vladimir Mazyrin đã có nhận định tại hội thảo bàn tròn với chủ đề: "Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam: Những cơ hội phát triển khu vực" tổ chức tại Moscow vừa qua. Theo ông, sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, ổn định chính trị, các hoạt động ngoại giao và uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế đã đưa Việt Nam vào vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

GDP của Việt Nam đã tăng gấp 20 lần từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đặc biệt đã tăng gấp 2 lần chỉ riêng trong 6 năm qua. Chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thấp hơn 5-6% mỗi năm.

Theo Giáo sư Mazyrin, việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC sẽ củng cố thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và ở Đông Nam Á cũng như toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị Cấp cao lần này cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hợp tác với hai đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, cũng như với Nhật Bản.

APEC được thành lập năm 1989 nhằm tạo ra sự phát triển và thịnh vượng của 21 nền kinh tế thành viên. Từ khi ra đời, APEC đã trở thành một không gian thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trụ cột của APEC như việc tăng cường tự do thương mại và đầu tư đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện các chỉ số kinh tế, xã hội của các nền kinh tế.

Các cơ chế mở cửa tự nguyện trong APEC đã có một lộ trình rõ ràng và đạt được những kết quả to lớn, góp phần đưa trao đổi thương mại nội khối tăng gấp 7 lần. Các nỗ lực liên tục của APEC đã góp phần thúc đẩy một khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển như ngày nay. Đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại kỹ thuật số và chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, APEC đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.

Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được kỳ vọng sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực, thực hiện "Mục tiêu Bogor" về thương mại tự do và mở cửa ở châu Á - Thái Bình Dương, được các nhà lãnh đạo APEC thông qua khi Indonesia tổ chức và chủ trì APEC 1994.

Việt Nam đã dần bứt phá, gặt hái được những thành tựu kinh tế đáng nể

Nhân dịp Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức một kỳ hội nghị cấp cao APEC, tác giả Edmund Sim đã có bài đăng trên tạp chí The Diplomat về những thay đổi kinh tế của Việt Nam giữa 2 kỳ hội nghị APEC, (2006 - 2017).

Theo tác giả, Hội nghị cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội được coi là dịp "Việt Nam ra mắt", khởi đầu cho quá trình phát triển và hội nhập thế giới. Bài viết nhấn mạnh, bất chấp vô vàn khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã dần bứt phá, gặt hái được những thành tựu kinh tế đáng nể.

Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tác giả cho biết, GDP của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, từ 25 tỷ USD năm 1996 lên 66 tỷ USD năm 2006. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người từ 310 USD năm 1996, lên 760 USD năm 2006, dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới chỉ dừng lại ở mức 2,4 tỷ USD/năm trong thời kỳ này.

Bài viết đề cập tới việc Chính phủ Việt Nam đã quan tâm tới hội nhập khu vực và thế giới để tận dụng cơ hội đầu tư và kinh doanh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Việt Nam tham gia ASEAN vào năm 1995 và được hưởng lợi nhờ đầu tư và thương mại với ASEAN thông qua hiệp định AFTA (Tự do mậu dịch ASEAN) và các FTA (Hiệp định tự do thương mại) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tiếp đó, Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000 và yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế Việt Nam là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.

Tác giả Edmund Sim chỉ rõ, kể từ sau APEC 2006, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những thay đổi đáng kể nhờ những chính sách thu hút đầu tư cùng các FTA song phương và đa phương. Đối tác thương mại của Việt Nam không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Nam Á mà mở rộng trên toàn thế giới với những hiệp định thương mại lớn với nhiều nước và nhiều khối nền kinh tế, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Kết quả của việc gia tăng hội nhập kinh tế là Việt Nam đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu. Tác giả dẫn số liệu thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), cho biết thặng dư xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 là 162 tỷ USD.

20 năm sau khi dỡ bỏ cấm vận, hiện nay Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ hai, tiếp đến là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản. Kinh tế tăng trưởng cùng với hội nhập. Theo số liệu của WB, năm 2016, GDP của Việt Nam đạt 203 tỷ USD, gấp 3 lần so với 2006. Riêng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoafi (FDI) tăng 4 lần, lên 11,8 tỷ USD vào năm 2015, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến Việt Nam.

Theo bài báo, những thành tựu kinh tế của Việt Nam sau 11 năm kể từ Hội nghị cấp cao APEC 2006 là đáng nể với những mức tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng nêu rõ Việt Nam cũng đang đối mặt không ít khó khăn và thách thức trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang nổi lên, hàng rào thuế tại một số nước gây khó khăn cho hàng hóa, và tương lai chưa chắc chắn của TPP do sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.

Tác giả nhận định khác với 11 năm trước kể từ APEC 2006, một sự hội nhập phi tập trung không phải là giải pháp cho mọi nhu cầu phát triển kinh tế còn lại của Việt Nam, bởi vậy Việt Nam cần có chính sách rõ ràng, kịp thời và đúng hướng.

Xuân Phú

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cac-hoc-gia-nuoc-ngoai-danh-gia-rat-cao-vai-tro-cua-viet-nam-o-apec-2017-post248011.info