Các hoạt động đồng sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam

Sự xuất hiện của những xu hướng hiện đại với quan điểm 'Khách hàng là trung tâm' (customer centric), logic hướng dịch vụ (Service Dominant) đang dần tiếp cận đến vai trò của khách hàng trong quá trình tạo ra giá trị cùng doanh nghiệp, hay chính là quá trình đồng sáng tạo giá trị. Với lĩnh vực đặc thù là giáo dục, đồng sáng tạo giá trị giữa người học - người dạy và giữa người học - nhà trường là cơ sở bền vững để giáo dục đại học đạt hiệu quả tốt nhất.

Sự phát triển công nghệ hiện đại trong thế kỷ 21 giúp các nhà sản xuất tung ra sản phẩm mới với tốc độ nhanh, số lượng hàng hóa và dịch vụ càng ngày càng lớn. Khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng lại ít sự hài lòng hơn, trải nghiệm khách hàng không được cải thiện. Sự hợp tác phát triển các giá trị mới giữa khách hàng và doanh nghiệp được gọi là quá trình đồng sáng tạo giá trị. Không ít những công ty trên thế giới đã áp dụng đồng sáng tạo giá trị thành công, giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng và tạo lòng trung thành đối với thương hiệu. Trong nghiên cứu về hiệu ứng IKEA của Mochon và cộng sự (2012), tác giả đã đề cập đến việc IKEA vận dụng thông minh lý thuyết đồng sáng tạo: cho phép khách hàng tự lắp ráp, con người đang kiểm soát và định hình môi trường của họ - chứng minh năng lực - và thể hiện những sáng tạo đó, chứng tỏ năng lực đó với những người khác. Đồng sáng tạo giá trị cũng được ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ mà tiêu biểu là giáo dục. Trên thế giới, nhiều trường đại học đã và đang áp dụng mô hình đồng sáng tạo giá trị trong làm việc giảng dạy và có những nghiên cứu cụ thể về lợi ích thực tế của mô hình như đại học Edinburgh (Vương quốc Anh), đại học quốc gia Australia,... Các nghiên cứu đã xem xét và chỉ rõ các tác động của hoạt động đồng sáng tạo đến trải nghiệm của các bên tham gia bao gồm người dạy người học và tập trung vào các lợi ích, kết quả đạt được sau quá trình áp dụng mô hình.

Chủ đề đồng sáng tạo giá trị trong giáo giục Việt Nam mang tính cấp thiết và có ý nghĩa cả về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, đặc biệt đối với giáo dục Việt Nam (Nguồn ảnh Internet)

Chủ đề đồng sáng tạo giá trị trong giáo giục Việt Nam mang tính cấp thiết và có ý nghĩa cả về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, đặc biệt đối với giáo dục Việt Nam (Nguồn ảnh Internet)

Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khóa VII, giáo dục được coi là "quốc sách hàng đầu". Việc nghiên cứu về đồng sáng tạo giá trị trong giáo dục của Việt Nam hiện tại chưa có. Chính vì vậy, nghiên cứu về chủ đề này là cấp thiết và có ý nghĩa cả về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, đặc biệt đối với giáo dục Việt Nam khi cơ hội tiếp cận công nghệ mới trong giáo dục, người học ngày càng trở thành "trung tâm của việc học của chính họ", tự do hơn trong định hướng và lựa chọn nội dung theo nhu cầu và quá trình học tập.

Thực trạng việc ứng dụng đồng sáng tạo giá trị trong giáo dục đại học tại Việt Nam

Đồng sáng tạo vốn không còn là một mô hình mới hiện nay khi Neeli Bendapudi và Robert P. Leone đã nhận ra rằng định nghĩa "Đồng sáng tạo" đã xuất hiện từ năm 1979 trong quá trình họ xem xét lại những kiến thức liên quan đến việc "khách hàng tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm". Ở nước ta, mô hình đồng sáng tạo cũng đã được một số doanh nghiệp áp dụng tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự phổ biến rộng rãi và chưa có nhiều người biết tới.

Gaurav Bhalla (2011) chỉ ra rằng có ba mức độ thực thi đồng sáng tạo dựa vào hai yếu tố chính: khả năng hợp tác, tương tác phía khách hàng và mục đích trọng tâm của việc đồng sáng tạo. Từ thông tin thu lại được từ các cuộc phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy các mức độ tham gia Đồng sáng tạo giá trị của đối tượng nghiên cứu đều thuộc mức độ cao. Trong đó lại chia ra 3 mức độ cụ thể: mức độ đóng góp ý kiến, mức độ cùng xây dựng và mức độ tự đề xuất.

Thứ nhất, ở mức độ đóng góp ý kiến, đa phần là các thầy cô đã có sẵn ý tưởng hay chương trình nào đó từ trước, khi lên lớp sinh viên sẽ đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề đó: chỗ nào tốt, chỗ nào cần phải sửa lại cho phù hợp,... Và các bạn sẽ đóng góp ý kiến cả cho việc xây dựng các hoạt động trong trường cũng như là thiết kế xây dựng trường.

Thứ hai, cao hơn mức độ cùng xây dựng là mức độ đóng góp ý kiến. Ở đây, bên cạnh ý tưởng bài học đã có sẵn từ giảng viên, 10 sinh viên trả lời rằng sẽ cùng thầy cô tham gia thực hiện hóa ý tưởng sau đó mới đưa ra ý kiến của mình. Không chỉ thế, có những lớp học khi lên lớp giảng viên chưa chuẩn bị một vấn đề nào cả, lúc này cả giảng viên và sinh viên sẽ cùng suy nghĩ và thực hiện "xây dựng bài học từ con số 0". Hơn nữa, ngoài các chủ đề thảo luận liên quan tới bài học, các bạn sinh viên còn đồng kiến tạo xây dựng môi trường sống và học học tập: văn hóa cho trường, văn hóa trong ký túc xá.

Thứ ba, tự đề xuất là mức độ Đồng sáng tạo giá trị cao nhất. Sinh viên chủ động đề xuất, đưa ra ý kiến xây dựng một chương trình học, phát triển một câu lạc bộ mới trong trường hoặc đăng ký thực hiện một dự án nào đó mà không có sự tác động từ thầy cô hay nhà trường.

Việc ứng dụng đồng sáng tạo giá trịcó thể được ứng dụng một cách có ý nghĩa và toàn diện với cả các nhà trường và sinh viên tại Việt Nam (Nguồn ảnh Internet).

Sự minh bạch thông tin là một trong 4 yếu tố cấu thành hoạt động Đồng sáng tạo giá trị.

Minh bạch là một trong bốn yếu tố cấu thành hoạt động đồng sáng tạo giá trị theo mô hình DART của Prahalad và Ramaswamy (2004). Tính minh bạch của thông tin là điều cần thiết đối với quá trình tương tác vì nó tạo ra sự tin tưởng giữa doanh nghiệp và khách hàng (Ramaswamy, 2005).

Sau khi trải qua các cuộc phỏng vấn và phân tích dữ liệu, chúng tôi nhận thấy yếu tố về sự minh bạch thông tin không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tham gia đồng sáng tạo của đối tượng nghiên cứu, có xu hướng ngược lại so với lý thuyết đưa ra ở trên. Nguyên nhân xuất phát từ đặc tính thích trải nghiệm, khám phá cái mới, thích thử thách của đối tượng tham gia đồng sáng tạo giá trị là sinh viên.

Sự ảnh hưởng của đối thoại trong quá trình đồng sáng tạo giá trị.

Đối thoại là một trong bốn yếu tố cấu thành hoạt động sáng tạo giá trị. Hoạt động đối thoại diễn ra trong năm đồng kiến tạo bao gồm: hoạt động feedback (phản hồi) với những bài giảng, vấn đề xoay quanh năm học đồng kiến tạo của nhóm sinh viên tới giảng viên và nhà trường; hoạt động trao đổi giữa các sinh viên đồng kiến tạo; hoạt động trao đổi giữa sinh viên và các giảng viên hướng dẫn; hoạt động trao đổi giữa sinh viên và nhân viên trường. Các cuộc đối thoại được diễn ra liên tục trong suốt thời gian diễn ra năm đồng kiến tạo

Từ khóa "giải quyết" trong giải quyết các vấn đề khi được hỏi về đối thoại được các bạn sinh viên nhắc lại nhiều lần, đa phần đều là cảm nhận thoải mái nhất suốt quá trình tham gia đồng kiến tạo. Bên cạnh đó, việc đối thoại cũng giúp các bên liên quan kết nối với nhau hơn và hoàn thiện được chương trình đồng kiến tạo với kết quả tốt nhất.

Về tính chất của các cuộc hội thoại được hầu hết sinh viên tham gia nhận định theo đó đã đáp ứng được tính hiệu quả để hỗ trợ cho hoạt động đồng sáng tạo giữa các bên tham gia: các cuộc hội thoại diễn ra mang tính chất hai chiều, thẳng thắn: "Quá trình feedback nó rất là hai chiều", "Gần như không bao giờ bị từ chối",... Các cuộc hội thoại đều dựa trên tính chất bình đẳng giữa các bên tham gia và dựa trên tính chất tôn trọng, lắng nghe.

Tác động của việc ứng dụng Đồng sáng tạo giá trị đến trải nghiệm của sinh viên.

Thứ nhất, hoạt động đồng sáng tạo giá trị đem lại cho sinh viên đa dạng trải nghiệm cảm nhận. Việc tham gia hoạt động đồng sáng tạo giá trị đem lại cho sinh viên các trải nghiệm đa dạng bao gồm trải nghiệm cảm nhận, trải nghiệm liên hệ, trải nghiệm suy nghĩ trong suốt quá trình tham gia từ khi bắt đầu đến cả khi kết thúc. Trải nghiệm cảm nhận cụ thể bao gồm các cảm nhận liên quan đến nhận thức về giá trị bản thân, cảm nhận tích cực, cảm nhận về sự tương tác tốt, cảm nhận trân trọng và một số cảm nhận tiêu cực khác.

Trải nghiệm hoạt động đồng sáng tạo giá trị, các sinh viên có cảm nhận chung về việc tiếng nói của mình được lắng nghe. Họ cảm nhận được sự tôn trọng và tiếng nói của mình có sức mạnh đồng thời cũng cảm được sự hỗ trợ của trường trong quá trình tham gia đồng sáng tạo là mức tốt. Từ đó, họ nhận thức được mối quan hệ cộng tác ngang hàng sinh viên - nhà trường (giảng viên), hai bên có sự trao đổi qua lại đảm bảo đầy đủ điều kiện cũng như là nghĩa vụ của mỗi bên tạo ra sự gắn kết và tin tưởng. Điều này đã dẫn đến cảm nhận thỏa mãn, hài lòng của sinh viên khi được kích thích và có nhận thức về giá trị bản thân trong quá trình đồng sáng tạo giá trị.

Tuy nhiên nó cũng dẫn đến cảm giác nuối tiếc sau trải nghiệm ở một bộ phận sinh viên: "đôi khi đóng góp hời hợt chưa tích cực", có thể đồng kiến tạo hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó cũng xuất hiện cảm nhận tiêu cực "không đủ tự tin để sẻ chia". Chúng ta nhận thấy cảm nhận này xuất phát từ đặc tính cá nhân của sinh viên trong suốt quá trình tham gia đồng sáng tạo. Sự tự tin của sinh viên bị giới hạn bởi môi trường cũ và các bên tham gia môi trường đồng sáng tạo giá trị mới.

Thứ hai, Đồng kiến tạo đem đến cho sinh viên hầu hết trải nghiệm là tích cực. Kết quả nghiên của nhóm tác giả ủng hộ nghiên cứu của Tanya Lubicz-Nawrocka vào tháng 5/2018 rằng các sinh viên tham gia nghiên cứu đều nhấn mạnh những tác dụng tích cực của hoạt động đồng sáng tạo đến sự phát triển trong tư duy nhận thức, kỹ năng và các mối quan hệ của họ.

Về kiến thức, sinh viên nhận định lượng kiến thức học thuật tiếp nhận trong quá trình tham gia hoạt động đồng sáng tạo là không nhiều và "không thực sự học cái gì đấy". Thay vào đó, các bạn học được nhiều kiến thức ngoài học thuật khác hơn như là kiến thức sư phạm, hiểu về cách xây dựng trường đại học, một tổ chức: "mình có thêm nhiều kiến thức sư phạm [...] thiết kế một phương pháp giảng dạy như nào".

Về kỹ năng, sinh viên phát triển đa dạng bao gồm làm việc nhóm, đưa ra ý kiến một cách chuyên nghiệp, cách làm việc hiệu quả , kỹ năng tư duy sáng tạo "nghiên cứu vấn đề mà xưa giờ mình chưa nghiên cứu". Các kỹ năng này được kích thích đến mức tối đa. Hoạt động đồng sáng tạo cũng giúp sinh viên phát triển bản thân hơn rất nhiều

Mối quan hệ giữa môi trường Đồng sáng tạo và trải nghiệm

Môi trường là yếu tố chung, phổ biến và có vai trò rất quan trọng, trong đó ba nhóm yếu tố được nhắc đến nhiều nhất là yếu tố liên quan đến con người, yếu tố liên quan đến quy mô và yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất cũng như tài chính.

Thứ nhất, yếu tố con người được nhắc đến: giảng viên, sinh viên có ảnh hưởng nhiều hơn các nhân viên trong trường; tuy nhiên đều tạo cho sinh viên những ảnh hưởng tích cực. Về thầy cô: 14/15 sinh viên nhận xét tích cực: thầy cô cởi mở, coi sinh viên như "đồng nghiệp", thầy cô quan tâm lắng nghe, có chuyên môn và kinh nghiệm và "tiếp lửa cho các bạn". Những điều này tạo ra sự khác biệt so với giáo dục truyền thống, khiến sinh viên cảm thấy mình luôn được lắng nghe, từ đó có tâm thế và thái độ sẵn sàng phát huy hết khả năng sáng tạo, năng lực của bản thân.

Hoạt động đồng sáng tạo giá trị đem lại cho sinh viên đa dạng trải nghiệm cảm nhận (Nguồn ảnh Internet)

Thứ hai, quy mô của đồng sáng tạo giá trị được nhắc lại 14 lần, trong đó hầu hết yếu tố quy mô nhỏ tạo điều kiện tốt cho trải nghiệm của sinh viên như: có thể tương tác tốt hơn, gắn kết. Đây là nguyên nhân tạo được những cảm nhận tốt trong trải nghiệm của sinh viên ("vui", "gắn kết", "tuyệt vời"). Tuy nhiên 2/14 lần được nhắc đến lại cho thấy vấn đề của quy mô nhỏ là vấn đề mô hình đồng sáng tạo giá trị ở Việt Nam chưa giải quyết được, có ảnh hưởng nhưng không quá lớn trải nghiệm của sinh viên.

Thứ ba, yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất, tài chính nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên mặc dù có các yếu tố chưa được hoàn thiện trong năm học đồng kiến tạo như địa điểm đang đi thuê hay cơ sở vật chất chưa quá đa dạng, nhưng cũng không ảnh hưởng đến trải nghiệm của sinh viên vì cơ sở vật chất của trường vẫn đáp ứng yêu cầu, đầy đủ, tạo điều kiện để sinh viên có thể tương tác, chia sẻ với nhau tốt hơn và quan trọng nhất trong năm học đó là đề cao cách làm việc, tinh thần sáng tạo và đóng góp của sinh viên để mang đến những giá trị mới.

Bên cạnh đó, yếu tố thuộc về lý tham gia năm đồng kiến tạo cũng là yếu thuộc cá nhân sinh viên giúp mang đến trải nghiệm tích cực cho sinh viên. Chúng ta nhận thấy được, đồng sáng tạo giá trị là một khái niệm mới và mang lại những giá trị tốt cho giáo dục đại học là lý do khiến họ lựa chọn tham gia. Ngoài ra, yếu tố không ràng bị ràng buộc về thời gian cũng là yếu tố quan trọng.

Nhận thức rủi ro không ảnh hưởng đến tính chủ động tham gia đồng sáng tạo.

Đúng theo mô hình DART, cho thấy được sinh viên có nhận thức rõ về rủi ro( về feedback và chương trình) khi tham gia chương trình đồng kiến tạo giá trị, tuy nhiên nhận thức rủi ro không ảnh hưởng đến tính chủ động của sinh viên tham gia đồng sáng tạo. Về feedback, họ lo lắng chất lượng không được đảm bảo hay không biết feedback của mình sẽ được sử dụng như thế nào. Tuy nhiên sinh viên đã luôn chủ động cởi mở trong đóng góp ý kiến để quá trình đồng sáng tạo giá trị diễn ra thuận lợi hơn. Về rủi ro trong chương trình xây dựng, họ lo lắng nhiều về tính chuyên môn, không thể phù hợp với tất cả sinh viên nhưng họ cũng tin tưởng chương trình này đã có sự tham gia là các sinh viên Việt Nam nên chắc chắn sẽ có sự phù hợp hơn với năng lực và văn hóa của sinh viên Việt Nam.

Sự không chắc chắn xuất hiện trong suốt quá trình đồng sáng tạo giá trị.

Với mô hình đồng sáng tạo giá trị ở một môi trường hoàn toàn mới, sự không chắc chắn sẽ xuất hiện ở hầu hết những bên tham gia và được sinh viên tham gia phỏng vấn cho rằng bắt nguồn từ việc trường không có một kế hoạch rõ ràng cho các chương trình học, tất cả các sản phẩm đều phải thử nghiệm.

Từ "không biết" trong không biết học môn gì, kiểm tra gì, có duy trì không lặp lại rất nhiều lần khi nhóm tác giả khai thác về khó khăn khi tham gia đồng kiến tạo giá trị.

Hầu hết các sinh viên đều thừa nhận "sự không chắc chắn" luôn tồn tại trong quá trình đồng kiến tạo bởi nhà trường không có một kế hoạch được thông báo trước cho sinh viên. Tuy nhiên có 2 loại cảm xúc khi sinh viên nói về "sự không chắc chắn" này. Thứ nhất, các sinh viên cảm thấy lo lắng về sự không chắc chắn, nhưng đã học cách thích nghi bằng cách tin vào các thầy cô và các sinh viên khác hơn là nhà trường. Điều đó chứng tỏ, "sự không chắc chắn" tác động tiêu cực đến cảm tình và niềm tin của "khách hàng" là sinh viên với "công ty" là nhà trường. Thứ hai, các sinh viên cảm thấy hào hứng và coi "sự không chắc chắn" là động lực, đòi hỏi họ phải thích nghi và tìm cách giải quyết, giúp họ trưởng thành hơn và làm quen với sự bất định trong cuộc sống.

Thực hiện: Trần Thu – Ngân Giang

VNews

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/cac-hoat-dong-dong-sang-tao-trong-linh-vuc-giao-duc-dai-hoc-tai-viet-nam-20210513180036094.htm