Các hồ thủy lợi: Cần điều tiết mực nước hợp lý

Chiều 19-11, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đã thị sát, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa tại Khánh Hòa.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, qua đợt mưa trong 2 ngày 17 và 18-11, toàn bộ 18 hồ chứa, 32 đập dâng, 3 trạm bơm công ty quản lý đảm bảo an toàn. Đợt mưa này còn bổ sung đáng kể lượng nước cho 18 hồ thủy lợi. Cụ thể, trước đợt mưa, các hồ chứa chỉ đạt khoảng 25% nước so với dung tích thiết kế. Sau đợt mưa, lượng nước bổ sung đã nâng dung tích hiện nay lên mức 50%. Một số hồ chứa nhỏ đều đã đầy nước như: Suối Trầu, Cây Bứa, Đồng Bò. Một số hồ đạt hơn 80% dung tích như: Am Chúa, Láng Nhớt, Suối Dầu, Cây Sung, Tà Rục. Các hồ thủy lợi lớn, có khả năng chứa 10 triệu m3 khối trở lên dung tích vẫn đạt thấp. Ở phía bắc của tỉnh, hồ Hoa Sơn có khả năng chứa gần 20 triệu m3 hiện có 13,1 triệu m3. Hồ Đá Bàn với dung tích 75 triệu m3 chỉ đạt 25,2%. Còn khu vực phía nam của tỉnh, hồ Suối Dầu có mức tăng lượng nước lớn nhất hiện nay mới đạt khoảng 30 triệu m3 trong khi hồ này có thể chứa 32 triệu m3; hồ Cam Ranh là 22,63 triệu m3, đạt 66,7% so với dung tích thiết kế.

Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra thực tế tại hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa).

Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, với dự báo trong những ngày tới khả năng cao Khánh Hòa sẽ là địa phương có mưa rất lớn, do đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các chủ hồ chứa căn cứ tình hình thực tế để tích nước đối với hồ chứa chưa đạt dung tích; tiến hành điều tiết trước đối với một số hồ chứa đã đạt 80% dung tích thiết kế trở lên để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như an toàn vùng hạ du. Hiện nay, một số hồ chứa đang tiến hành xả điều tiết mực nước trong hồ với lưu lượng thấp gồm: hồ Suối Dầu xả điều tiết với tổng lưu lượng 20,16m3/s, hồ Tà Rục xả 10,33m3/s, hồ Am Chúa xả 1,02m3/s và hồ Láng Nhớt xả 0,44m3/s. Trong quá trình điều tiết lũ, các hồ chứa phải tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành đã được phê duyệt, trước khi xả phải thông báo sớm cho chính quyền và người dân vùng hạ du.

Qua kiểm tra thực tế tại một số hồ thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh, ông Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, việc vận hành các hồ chứa tại Khánh Hòa những tháng cuối năm này rất đặc thù, bởi vừa phải đảm bảo nhiệm vụ tích nước phục sản xuất, sinh hoạt của người dân (do dung tích đang thấp). Trong khi đó, diễn biến thời tiết những ngày tới, nhất là dự báo cơn bão số 9 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ nên phải đảm bảo an toàn hồ đập. Đối với các hồ chứa dung tích còn thấp so với thiết kế thì vẫn tiếp tục tích nước, những hồ dung tích đạt cao, từ 70% trở lên phải tính toán hợp lý để tiến hành điều tiết, đón đợt lũ sắp tới. Trong những ngày tới, đơn vị quản lý hồ chứa cần cắt cử người trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước về hồ để tiến hành tích và xả điều tiết hợp lý.

BÍCH LA - HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201811/cac-ho-thuy-loi-can-dieu-tiet-muc-nuoc-hop-ly-8096717/