Các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra hơn 50.000 việc làm mỗi năm

Đó là số của viện Khoa học lao động và xã hội công bố tại Hội thảo 'Cam kết lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)' do bộ Lao động thương binh và Xã hội tổ chức, vừa diễn ra tại TP.HCM.

Theo đó, nghiên cứu của viện Khoa học lao động và xã hội cho thấy việc tham gia các hiệp định thương mại tự do gồm EVFTA, CPTPP và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ước tính có thể tạo ra khoảng hơn 50.000 việc làm mỗi năm (giai đoạn từ 2021-2030). Trong đó, cao nhất là CPTPP với tổng số việc làm có thể được tạo ra ước tính là 298.000 người.

Quang cảnh hội thảo do bộ Lao động thương binh và Xã hội tổ chức, diễn ra sáng 4.11.

Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, nếu dự báo về mức tăng trưởng việc làm theo ngành thì với hiệp định EVFTA, giá trị xuất khẩu ngành đồ gỗ và dệt may tăng 1% sẽ giúp việc làm tăng tương ứng ở mức 0,083% và 0,072% (mức ý nghĩa thống kê 99%). Vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành da giày, đồ gỗ và điện tử tăng (1%) làm tăng nhu cầu sử dụng lao động tương ứng 0,067%; 0,066% và 0,058%.

Trong khi đó, với hiệp định CPTPP giá trị xuất khẩu ngành đồ gỗ, dệt may, thực phẩm đồ uống tăng 1% kéo theo nhu cầu lao động trong ngành này tăng tương ứng ở mức 0,084%; 0,073% và 0,058% (mức ý nghĩa thống kê 99%). Vốn đầu tư nước ngoài trong ngành da giày, đồ gỗ và điện tử tăng (1%) làm tăng nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành này tăng tương ứng ở mức 0,067%; 0,065% và 0,058%.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng chỉ ra một thực tế, đó là các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP và RCEP) tạo ra việc làm đáng kể nhưng các kết quả ước lượng đều không cho thấy những tác động ở mức có ý nghĩa thống kê về việc tăng nhu cầu lao động có kỹ năng mà chủ yếu khai thác các lợi thế hiện có của Việt Nam (như: lao động giá rẻ, thuế suất...). Điều này cũng đã bắt đầu manh nha khi các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất về các khu vực có giá nhân công rẻ hơn (như miền Trung, miền Tây).

Hội thảo "Cam kết lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)" cũng mổ xẻ nhiều vấn đề, không chỉ nêu lên những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, mà còn dự báo những thách thức trong tương lai. Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thì đây là dịp để các nhà nghiên cứu, chuyên gia cùng doanh nghiệp, cơ quan chức năng thảo luận góp ý nội dung cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định này mà trước mắt là phục vụ quá trình sửa đổi Bộ luật lao động của Việt Nam.

Theo Bộ Lao động thương binh và Xã hội, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do là một trong những cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật về lao động, nâng chất lượng lao động, tăng năng suất lao động. Các cam kết chính của Việt Nam trong CPTPP và EVFTA góp phần duy trì và tăng trưởng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động thương binh và Xã hội - ông Nguyễn Mạnh Cường, lưu ý ở điều 19.3 (Chương Lao động) quy định các bên sẽ “thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn” những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO.

Cụ thể, gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động. Ngoài ra, điều 19.3 cũng quy định các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện ở thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp...

T.Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-se-tao-ra-hon-50-000-viec-lam-moi-nam-16504.html