Các hiệp định thương mại là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế

Trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF), chiều 25.6, bà Virginia B. Foote và ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Diễn đàn chia sẻ một số thông tin với báo chí.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bà Virginia B.Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ảnh: Quốc Tuấn

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bà Virginia B.Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ảnh: Quốc Tuấn

Diễn đàn giữa kỳ 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 26.6, với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, tập trung vào chủ đề vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững.

Phát triển bền vững không là gánh nặng, mà là cơ hội

Chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tất cả những vấn đề VBF nêu, các cơ quan Chính phủ đều tiếp thu và phản hồi. Trong đó, đã có trên 60% các vấn đề doanh nghiệp đề xuất được Chính phủ xử lý sửa đổi, còn lại đang được trao đổi.

“Có nhiều vấn đề liên quan tới sửa đổi Luật tại Quốc hội, do đó chưa thể thực hiện sửa đổi ngay như vấn đề giờ làm thêm, lương tối thiểu, nhập khẩu máy móc qua sử dụng…đang được Quốc hội thảo luận”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết và khẳng định đây là kênh thông tin phản hồi quan trọng.

Bà Virginia B. Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham), đồng Chủ tịch Diễn đàn cho biết, các nhóm công tác đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

“Phát triển bền vững sẽ không phải là gánh nặng mà là cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như người dân. Qua đó, tất cả các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay phát triển nền kinh tế bền vững của Việt Nam”, bà Virginia B.Foote chia sẻ.

Bà Virginia B.Foote cho rằng, năm nay là năm quan trọng của Việt Nam khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đang trong những giai đoạn cuối cùng để phê chuẩn…

”Những hiệp định này là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, tăng cường giao lưu thương mại, tuy nhiên mặt khác đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn”, bà Virginia B.Foote nói.

Phải bỏ “quyền anh, quyền tôi”

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, hiện điểm nghẽn của nền kinh tế chính là các Bộ ngành, các địa phương đã có những cải cách nhưng còn lạnh, cấp làm thể chế ở các bộ ngành cũng như cấp thực thi của các địa phương phải thay đổi.

“Thủ tướng từng nói phải bỏ "quyền anh quyền tôi" đi, mà tất cả phải là thúc đẩy quyền lợi chung”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Theo ông Lộc, doanh nghiệp vẫn cho biết, thủ tục kinh doanh và các chi phí hành chính hiện còn cao. Do đó, cải cách hành chính nên tập trung vào một số trọng tâm, đặc biệt là những quy định liên quan quy hoạch, đất đai và môi trường.

“Một số dự án ở địa phương đang ách tắc do thủ tục hành chính chồng chéo, khó khăn, bên cạnh đó thủ tục thuế cũng cần thay đổi, gánh nặng kiểm tra chuyên ngành còn lớn, thủ tục xuất nhập còn rườm ra. Đặc biệt, có giải pháp khắc phục gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa”, Chủ tịch VCCI nói.

“Doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần tạo thuân lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đồng thời nâng cao chất lượng nhân lực. Hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn nhưng chủ yếu ở lắp ráp, do đó cần tăng chất lượng nguồn đầu tư bằng cách nâng chất lượng lao động, thu hút đầu tư vào nền kinh tế ở mức độ gia tăng và chất lượng cao hơn”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị không hồi tố và có thời gian để doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới. Các thiết chế pháp lý tương đối chậm khiến các xét xử, xử lý tranh chấp còn chậm, chưa đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp, do đó cần tăng cường các thiết chế pháp lý, doanh nghiệp không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn phải an toàn.

Điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là các hiệp định thương mại tự do với những bước đi cụ thể để doanh nghiệp tận dụng các hiệp định này. Doanh nghiệp thành công tức là dân tộc thành công và ngược lại.

“Nếu nền kinh tế Việt nam và các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn phát triển bền vững sẽ thu hút dòng đầu tư, tức hài hòa lợi ích kinh tế, môi trường. Bất kể quy mô nền kinh tế nào cũng phải gắn với chuẩn mực phát triển bền vững. Muốn gắn như vậy phải gắn phát triển DNNVV với chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước”, Chủ tịch VCCI phân tích.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/cac-hiep-dinh-thuong-mai-la-co-hoi-de-viet-nam-hoan-thien-the-che-115807.html